Kinh tế Singapore tăng mạnh bất chấp thương chiến Mỹ-Trung
Thương chiến Mỹ-Trung và sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu vẫn đang phủ bóng đen lên triển vọng của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Singapore. Tuy vậy, kinh tế của đảo quốc sư tử vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong quý 1/2019.
Trong quý 1/2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 3.8% so với quý trước, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó của Chính phủ là 2%, khi hoạt động xây dựng phục hồi mạnh. So với cùng kỳ năm trước, GDP tăng trưởng 1.2%, mức yếu nhất trong gần 1 thập kỷ.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) nhận thấy “ngon nguồn của sức mạnh” trong nền kinh tế từ ngành dịch vụ, mặc dù hoạt động sản xuất sẽ giảm tốc mạnh sau hai năm tăng trưởng vững mạnh. Họ đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đà giảm tốc của Trung Quốc và bất ổn xoay quanh Brexit là những rủi ro chính đang đè nặng lên triển vọng của Singapore.
Kết quả là MTI đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2019 từ 1.5-3.5% xuống 1.5-2.5%.
“Đà suy yếu của chỉ số xuất khảu nội địa của Singapore (ngoại trừ dầu) rõ ràng vẽ ra một bức tranh ảm đạm hơn về môi trường bên ngoài”, Jingyi Pan, Chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte, cho hay. Do đó, MtI đưa ra lập trường thận trọng về triển vọng tăng trưởng khi thiếu sự rõ ràng về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và Brexit.
Xuất khẩu suy giảm
Hoạt động xuất khẩu ở Singapore đã bị tác động nặng nề trước đà suy yếu của chu kỳ công nghệ toàn cầu và đà giảm tốc của Trung Quốc. Một báo cáo trong tuần trước cho thấy kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu) giảm 10% trong tháng 4/2019 so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu thiết bị điện tử thu hẹp 16.3%. Trong ngày thứ Ba (21/05), Enterprise Singapore cho biết kim ngạch xuất khẩu (ngoại trừ dầu) có lẽ trogn phạm vi -2% cho tới 0% trong năm nay.
Sian Fenner của Oxford Economics dự báo triển vọng thương mại ảm đạm đang đè nặng tăng trưởng của Singapore, đồng thời thôi thúc Ngân hàng Trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay, có khả năng xảy ra tại cuộc họp tháng 10/2019. Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) – vốn sử dụng tỷ giá là công cụ chính – đã giữ nguyên lập trường chính sách trong tháng 4/2019.
Edward Robinson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại MAS, nói với các phóng viên trong ngày thứ Ba (21/05) rằng lập trường chính sách hiện tại là “hợp lý” trong bối cảnh MAS thận trọng về tăng trưởng GDP và triển vọng lạm phát. Ông nói, MAS kỳ vọng “chênh lệch sản lượng gần mức 0 và áp lực lạm phát sẽ ổn định trong thời gian tới”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|