Kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu tốt, Fed liệu có thay đổi lãi suất tuần này?
Vài tuần trở lại đây, hầu hết các dữ liệu kinh tế Mỹ đều tốt hơn dự báo...
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần này, dù nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quý 1 và tiếp tục phát đi những tín hiệu tốt gần đây.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC - Ảnh: Reuters.
|
Theo hãng tin Reuters, tăng trưởng tốt và lạm phát yếu đang tạo ra một thế cân bằng để Fed không điều chỉnh lãi suất. Mấy tuần qua, các quan chức của ngân hàng trung ương này không phát tín hiệu nào cho thấy sắp có sự thay đổi về lãi suất cho vay qua đêm tham chiếu. Hiện tại, lãi suất này đang được đặt trong khoảng 2,25-2,5%.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường tin tưởng rằng phương pháp "kiên nhẫn" về lãi suất mà Fed đang theo đuổi có nghĩa là giữ nguyên lãi suất cho tới khi có một chuỗi dữ liệu tốt hoặc xấu về nền kinh tế đủ để thuyết phục Fed đưa ra động thái tăng hoặc giảm lãi suất.
Dữ liệu từ sàn giao dịch CME cho thấy giới đầu tư đang đặt cược khả năng Fed không thay đổi lãi suất trong tuần này ở mức 97%.
"Chúng tôi không kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn trong quan điểm của Fed" so với những gì Fed đã nói sau cuộc họp hồi giữa tháng 3, chuyên gia kinh tế Michael Feroli của JP Morgan phát biểu. Thay vào đó, ông Feroli cho rằng Fed có thể sẽ tỏ ra "lạc quan hơn về tăng trưởng, nhưng cũng thận trọng hơn về những diễn biến lạm phát gần đây".
Lạm phát ở Mỹ hiện vẫn đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Trong tháng 3, lạm phát cả năm ở nước này mới đạt 1,5%.
Ngày thứ Ba, Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày. Tuyên bố về lãi suất của Fed sẽ được công bố vào ngày thứ Tư.
Vài tuần trở lại đây, hầu hết các dữ liệu kinh tế Mỹ đều tốt hơn dự báo, vì vậy mà giảm bớt khả năng Fed cắt giảm lãi suất như lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump.
Những diễn biến trên đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cho thấy nỗi lo kinh tế suy thoái đã lắng xuống. Hồi tháng 3, đường cong lợi suất có thời điểm bị đảo ngược, đặt ra mối lo nền kinh tế sắp rơi vào một cuộc suy thoái mới.
Trong quý 1, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo của giới phân tích. Số việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 3 cũng đạt gần 200.000, cao hơn kỳ vọng. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 3 tăng mạnh nhất hơn 9 tháng.
"Dữ liệu về GDP, cùng với các con số về bán lẻ và đơn đặt mua hàng hóa lâu bền trong tháng 3, là một sự khẳng định về tình trạng vững vàng của nền kinh tế", một báo cáo của Oxford Economics nhận xét.
Năm 2018, Fed nâng lãi suất 4 lần. Đợt biến động mạnh của chứng khoán toàn cầu và Mỹ vào cuối năm, cộng thêm lạm phát yếu và những dấu hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng toàn cầu đã khiến Fed thay đổi quan điểm, đi đến quyết định tạm dừng chu kỳ nâng lãi suất đã kéo dài 4 năm.
Diệp Vũ
Vneconomy
|