Long Khánh - vùng đất phía Bắc tỉnh Đồng Nai, cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ - đang chộn rộn từng ngày bởi vừa nhận được "cú hích lịch sử" để phát triển
Chỉ còn 5 ngày nữa, thị xã Long Khánh sẽ chính thức trở thành TP (Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc thành lập TP Long Khánh trên cơ sở mở rộng, nâng tầm thị xã này và ngày 1-6 sẽ có hiệu lực). TP Long Khánh sẽ có thêm 5 phường được thành lập trên cơ sở các xã cũ là Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre và Bàu Sen.
Cơ hội vàng
Những ngày này, không khí ở Long Khánh khá chộn rộn, háo hức. Từ công chức đến người dân lao động tỏ ra phấn chấn. Công tác chuẩn bị đón chào "TP mới" diễn ra nhiều nơi. Gặp chúng tôi ở cửa ngõ vào Long Khánh, bên mảnh đất rộng gần Quốc lộ 1, khi vừa được hỏi về kế hoạch của gia đình, ông Nguyễn Văn Bảy (57 tuổi) không ngần ngại nói: "Long Khánh đang chuyển mình nên gia đình tôi cũng phải chuyển mình theo. Đất đai đang tăng giá, tôi đã bàn với bà xã cắt đi 1 khoảnh nhỏ bán lấy vốn đầu tư làm cái nhà vườn thu hút khách du lịch".
Với việc trở thành TP, Long Khánh sẽ có nhiều cơ hội bứt phá
|
Riêng bà Lê Thị Hằng, ngụ xã Xuân Lập, thì mừng ra mặt. Theo bà, ngay khi nghe tin Quốc hội thông qua nghị quyết thành lập TP Long Khánh cách đây gần một tháng, bà và nhiều người dân ở đây rất vui mừng. "Lên TP thì người dân có nhiều cơ hội hơn trong học tập, làm ăn kinh tế, hạ tầng đường sá sẽ tốt hơn lên. Quan trọng nhất là đất đai sẽ tăng giá theo hạ tầng. Từ đó, mọi người có nhiều kế hoạch hơn cho con cái cũng như bản thân" - người phụ nữ 60 tuổi tỏ ra phấn khởi.
Còn ông Nguyễn Lãm, ngụ xã Suối Tre, khẳng định hầu hết người dân địa phương này sống bằng nghề kinh doanh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nên những bước đột phá chắc chắn sẽ diễn ra khi Long Khánh lên TP, với đầu tư hạ tầng cơ bản, bộ mặt của xã sẽ đổi mới hơn. "Chúng tôi rất vui, người dân đang chờ đón ngày địa phương tổ chức làm lễ đón nhận chính thức lên TP, đường sá sẽ được mở rộng, chỉnh trang, phát triển hơn, tạo điều kiện cho sản xuất và kinh doanh tốt hơn. Nơi đây rồi sẽ sớm phồn thịnh…" - ông Lãm nhận định và tiết lộ giá đất bắt đầu tăng cao, nhiều kế hoạch kinh doanh, phát triển nghề được gia đình ông bàn thảo từ hơn tháng qua.
Gặp chúng tôi ở trung tâm hành chính thị xã Long Khánh, anh Trần Văn Phát - 30 tuổi, một chuyên viên văn phòng - cho biết rất kỳ vọng khi với một vị thế mới, hạ tầng giao thông "thay da đổi thịt", các cơ hội đầu tư đang đến thì đời sống người dân Long Khánh sẽ đi lên.
Siết chặt quản lý
Mừng cho sự kỳ vọng của người dân và chính quyền thị xã Long Khánh nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo bất cứ sự chuyển dịch nào cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi chính quyền và người dân phải vô cùng "tỉnh táo" để vượt qua.
Nắm rõ được những thách thức trên, lãnh đạo thị xã Long Khánh cho biết sắp tới, địa phương sẽ kiên quyết tiếp tục các kế hoạch, chiến lược xây dựng TP Long Khánh theo hướng mở, lấy dịch vụ thương mại làm vai trò trọng yếu để thực hiện kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo cảnh quan TP theo hướng nhà vườn kết hợp các khu trung tâm và công trình cao tầng. Đối với chương trình xúc tiến đầu tư, sẽ thực hiện phát triển thương mại và du lịch "theo chiều sâu"…
Bình luận về kế hoạch trên, một chuyên gia về phát triển kinh tế nhận xét nếu để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư thì cần phải có nhiều chiến lược cụ thể chứ không thể nói chung chung, để rồi mục tiêu không biết có thực hiện được không, kinh nghiệm từ nhiều khu đô thị mới đã cho thấy như vậy…. "Không phải vô cớ khi nhiều ý kiến cho rằng TP mới Long Khánh cần có chiến lược cụ thể nếu muốn trở thành "trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kho vận hàng hóa của vùng phụ cận TP HCM" như tầm nhìn quy hoạch của Chính phủ từ năm 2030-2050. Bởi, ví dụ nhãn tiền "TP Nhơn Trạch" tại Đồng Nai có vị trí đắc địa ở khu vực sôi động nhưng cũng đã thất bại thảm hại, trở thành "TP ma", trong khi Long Khánh lâu nay vốn yên ắng hơn nhiều" - vị chuyên gia khuyến cáo.
Một vấn đề khác mà người dân quan tâm là sắp tới, liệu đất đai trong vùng có bị thổi giá, rồi tình hình phân lô, bán nền có khiến tình trạng trở nên nhiễu loạn như nhiều nơi khác? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, khẳng định trong thời gian lập đề án để được lên TP, chính quyền tỉnh đã rất quan tâm bám sát, thống nhất về việc quy hoạch phát triển Long Khánh, trong đó có các giải pháp về hạ tầng, dân cư, công nghiệp, dịch vụ.
Ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh Long Khánh sẽ phát triển tương ứng với cả quy hoạch giao thông của vùng sắp tới, như việc đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ được xây dựng. Tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tiếp tục rà soát, theo quy hoạch toàn vùng, các huyện xung quanh để phát triển. "Còn về việc đất có bị thổi giá, tình trạng phân lô bán nền có xuất hiện sẽ được quản lý chặt, xử lý ngay từ đầu. Chắc chắn có sốt đất, kinh nghiệm nhiều nơi đã cho thấy như thế nên tỉnh sẽ quyết liệt siết chặt. Các quy định về tách thửa sẽ được theo dõi sát. Tăng cường quản lý chặt chẽ từ cấp xã, huyện. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung giám sát không để xảy ra sai phạm làm nhiễu quy hoạch…" - ông Nguyễn Phú Cường khẳng định.
Điểm đấu nối của các tuyến đường huyết mạch
Trước khi trở thành TP, Long Khánh đã trải qua hơn 15 năm phát triển trong vai trò là một thị xã. Ở Long Khánh hiện có 2 KCN lớn là KCN Long Khánh (diện tích hơn 260 ha) và KCN Suối Tre (diện tích khoảng 150 ha).
Đặc biệt, Long Khánh cũng là nơi đang có các dự án giao thông mang tầm quốc gia đi qua. Ngoài Quốc lộ 1 hiện hữu, dự án cao tốc Biên Hòa - Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt sẽ kết nối Long Khánh, hòa vào hệ thống đường cao tốc quốc gia. Ở vị trí đắc địa, Long Khánh gần như là điểm đấu nối hệ thống giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, cũng như từ Tây Nguyên đi TP HCM...
|