Giá điện 'bậc thang' nên sửa ra sao?
Sau khi Thủ tướng có chỉ đạo làm rõ việc tăng giá điện và yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc, lãnh đạo Bộ Công thương đề xuất sửa biểu giá điện “bậc thang”.
* Thứ trưởng Bộ Công thương: Sẽ sửa lại biểu giá điện cho phù hợp
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo các chuyên gia, giá điện phải được tính toán để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người dân.
Từ bậc 3 trở lên quá cao Yêu cầu của Thủ tướng là Thanh tra Chính phủ phải phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm tra điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện trong thời gian qua, có báo cáo cụ thể lên Thủ tướng trong tháng 6. Trước yêu cầu của Thủ tướng và bức xúc của dư luận, ngày 2.5, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 1114 kiểm tra tình hình bán lẻ điện theo giá mới được áp dụng từ ngày 20.3. Dự kiến, trong tuần này, Bộ Công thương sẽ lập 3 đoàn kiểm tra việc điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian qua.
Tuy vẫn cho rằng giá điện của hộ gia đình sau ngày 20.3 chỉ tăng hơn 8%, nhưng trước những thông tin hóa đơn tiền điện tháng 4 của người tiêu dùng tăng cao hơn con số đó rất nhiều, sau khi kiểm tra, Bộ Công thương đã đưa ra 3 lý do: ngoài lý do tăng 8,36% từ sau ngày 20.3, hai lý do còn lại là nhu cầu sử dụng tăng hơn do thời tiết nóng và số ngày sử dụng điện tháng 4 nhiều hơn tháng 3. Tuy nhiên, với bất kỳ lý do gì thì số liệu của Tổng công ty điện lực VN (EVN) cũng cho thấy số tiền điện của hộ dân trong kỳ hóa đơn tháng 4 này phải trả cao hơn tháng trước ít nhất trên 35%.
Thứ nữa, cách tính giá điện theo kiểu “bậc thang” đến 6 bậc, tăng lũy tiến và tính tổng mức tăng lũy kế lên trên 60%, Bộ Công thương lý giải VN đang có 9 triệu hộ sử dụng điện dưới mức 100 kWh/tháng (chiếm 35% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt), thế nên việc tính giá điện theo bậc 1 (0 - 50 kWh) và bậc 2 (51 - 100 kWh) là tương ứng tỷ lệ 90% và 93% so với giá điện bình quân, mục đích hỗ trợ giá điện cho người thu nhập thấp. Nhưng thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, giá điện từ bậc 3 đến bậc 6 cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân rất nhiều. Thậm chí giá điện tại bậc 6 cao hơn gần 57% so với giá bán lẻ bình quân Chính phủ quy định. Về vấn đề dùng nhiều trả cao, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết bộ này sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới nhằm giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Nguồn: Tổng công ty Điện lực Việt Nam - Đồ họa: Hồng Sơn
|
Giảm từ 6 xuống 3 - 4 bậc?
Hoàn toàn đồng ý với việc phải xây dựng biểu giá mới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, cách tính giá điện theo 6 bậc hiện thời khiến EVN có lợi, người tiêu dùng bị thiệt. Cụ thể, theo biểu giá điện hiện nay, chỉ có 2 mức giá bán lẻ tiêu dùng từ 0 - 100 KWh là có mức giá bán lẻ thấp hơn giá bán lẻ bình quân từ 7 - 10%. Trong khi nhu cầu tiêu thụ điện ở 2 bậc này rất ít so với 4 bậc còn lại. Ông nói: “Biểu giá điện theo 6 bậc đã được xây dựng từ năm 2014, sau khi đưa vào áp dụng cũng đã bộc lộ rất nhiều bất cập.
Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến phản đối tuy nhiên nó vẫn được duy trì đến 5 năm qua. Với tình hình giá điện tăng cao hiện nay, tôi nghĩ cần thiết phải xây dựng lại biểu giá điện theo hướng hài hòa cho cả đôi bên, doanh nghiệp kinh doanh điện và người tiêu dùng. Vẫn có thể duy trì cách tính điện theo lũy tiến, nhưng số bậc bao nhiêu là vừa, có thể rút xuống 3 bậc được không. Đặc biệt, các bậc thế nào phải phù hợp với mức giá bán lẻ điện bình quân Chính phủ quy định”.
TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng thuộc Liên minh Năng lượng VN, phân tích: Mục tiêu EVN đưa ra biểu giá điện tính theo 6 bậc nhằm tiết kiệm điện, để người dân phải cân nhắc khi phải trả số tiền lớn nếu số điện tiêu thụ bị tính sang mức giá lũy kế tiếp theo. “Đây là mục đích rất đúng và phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên lượng điện tiêu thụ phải đảm bảo tối thiểu cuộc sống của người dân”, ông Lâm nhấn mạnh và nói thêm: “Cách đây 10 năm, người ta chỉ cần bóng điện, cái quạt, cái ti vi là đủ nhưng bây giờ đời sống phát triển, nhu cầu người dân cũng thay đổi. Nhu cầu tối thiểu của mỗi gia đình có thêm cái tủ lạnh, máy giặt và máy điều hòa nhiệt độ. Không thể chỉ vì mục đích tiết kiệm của bao nhiêu năm trước để rút bớt cái tủ lạnh, máy giặt của người dân hiện nay”.
Theo chuyên gia này, ở một số nước, nắng nóng cũng được coi là thiên tai như lũ lụt. Thế nên, khi xảy ra thiên tai, Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ giảm tiền điện chứ không phải tính tăng thêm lũy kế, bắt người dân trả nhiều hơn. Đơn cử như ở Ấn Độ, chính quyền xây nhà có máy lạnh cho người nghèo tới sống tạm trốn nóng, Hàn Quốc giảm giá điện khi có biến đổi thời tiết nắng nóng cực đoan... “Thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân phải dùng thêm cái quạt, bật máy lạnh nhiều hơn là tất yếu. Đấy không phải họ muốn lãng phí, dùng nhiều điện mà là đang duy trì cuộc sống. Dùng nhiều trả nhiều, lại còn bị tính theo lũy kế bậc cao, đã vậy còn chọn đúng thời điểm này để tăng giá điện bình quân khiến hóa đơn thanh toán nhà ai cũng tăng khủng hoảng. Tất cả dồn vào một thời điểm thì bảo sao người dân không bức xúc”, ông Lâm nói và cho rằng cách tính lũy tiến mà EVN đưa ra có rất nhiều vấn đề chưa hợp lý, cần xem xét và nghiên cứu lại, cần giải thích rõ tại sao là 6 bậc mà không phải 3 - 4 bậc ít hơn, đơn giản hơn.
Cần sự minh bạch
Xem xét lại biểu giá lũy tiến là điều phải làm, nhưng TS Ngô Đức Lâm nhận định đây mới chỉ là phần ngọn, để giải quyết phần gốc, phải minh bạch giá điện bình quân. Theo ông, thực chất có biểu giá lũy tiến hay không đều không ảnh hưởng đến doanh thu ngành điện. Bản thân giá điện bình quân đã đảm bảo EVN không thể lỗ và đây mới chính là mấu chốt câu chuyện ngành điện.
Hiện chưa có bất kỳ công bố nào về phương pháp tính giá điện bình quân để người dân và các chuyên gia giám sát. Giá điện hoàn toàn do EVN và Bộ Công thương ấn định. Do đó các yếu tố được tính vào giá điện bình quân có hợp lý hay không, đúng quy định nhà nước hay không, không ai biết. “Việc tăng giá điện không chỉ do vấn đề tỷ giá và giá than như Bộ Công thương đã công bố. Thực tế, để ra được giá điện bình quân thì phải tính đến nhiều yếu tố, gồm: giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, tỷ giá và giá quản lý ngành... Trong đó, nếu giá phát điện chiếm tới 70% c ủa giá điện bình quân, thì cần xét đến nhà máy phát điện. Nhà máy phát điện lại phụ thuộc nhiều yếu tố: số lượng nhiên liệu than tiêu thụ, giá nhiên liệu, năng suất lao động... Chưa kể những yếu tố đầu vào khác - ngoài sản xuất - được tính vào giá thành điện hiện nay đều cần minh bạch và cụ thể. Ngoài ra, ngành điện từ xưa tới nay chỉ tính các yếu tố làm tăng giá mà không bao giờ thấy nói tới các yếu tố có thể làm giảm giá điện. Điều này cũng không hợp lý và cần chỉ rõ”, ông đề xuất.
PGS-TS Ngô Trí Long nhận xét hiện mọi hoạt động về mặt tài chính của ngành điện đang công bố có vẻ công khai, song yếu tố minh bạch thì không rõ lắm. Ông nói: “Công khai công bố thông tin, quá tốt. Nhưng minh bạch thông tin đã được công bố đó hay chưa là vấn đề khác. Vấn đề này nghe đơn giản nhưng có vẻ khó khi chúng ta chưa có một đơn vị giám sát độc lập, kiểm tra và đánh giá mọi công bố mà cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhà nước đưa ra nhằm bảo đảm tính khách quan công bằng. Muốn minh bạch giá điện, chúng ta phải có cơ quan tư vấn độc lập, giám sát riêng, không phải chỉ có Bộ Công thương và EVN bàn tính, báo cáo, kiến nghị rồi công bố...”.
Nguyên Nga - Hà Mai
THANH NIÊN
|