Thứ Sáu, 17/05/2019 16:52

BÀI CẬP NHẬT

ĐHĐCĐ ANV: Vào thị trường Mỹ không khó, khó là đứng vững ở đây

Chiều ngày 17/05, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Nam Việt (Navico, HOSE: ANV), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Doãn Tới cho biết lĩnh vực cá tra có 5 sao, trong đó thị trường Mỹ là sao khó khăn nhất. Nam Việt vào thị trường Mỹ không khó, cái khó là đứng vững ở đây. Nam Việt sẽ quyết tâm quay lại thị trường Mỹ bằng mọi giá.

“Tôi cũng đau đớn với Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) lắm rồi!”

Nói về Nam Việt, Chủ tịch Doãn Tới cho biết:

"Tôi không phải là doanh nhân, tôi là anh bộ đội khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Lục quân năm 1977 ở Bắc Ninh nên làm việc cũng muốn tốc chiến tốc thắng.

Năm 2002, Nam Việt dồn lực lượng tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đó là năm thắng lợi rực rỡ của Nam Việt khởi nguồn. Chỉ trong 6 năm, quy mô của Nam Việt dẫn đầu thị trường… Nhưng khi quá nhiều tiền, tôi nghĩ cần chia trứng vào nhiều giỏ, từ đó nhà máy cromit Cổ Định Thanh Hóa và DAP số 2 Lào Cai ra đời thành công khi bán được sản phẩm nhưng lỗ quá, không chịu nổi. Vì thế, Nam Việt bắt đầu quay lại ngành cá tra vào năm 2011 để phục hồi lại. Lịch sử Nam Việt có những năm tháng khó khăn do ảnh hưởng từ dự án DAP Lào Cai. Để giúp Nam Việt tươi sáng, gia đình tôi đã mua lại dự án DAP Lào Cai, chứ không phải lấy túi bên A bỏ bên B".

Ngoài ra, ông Tới nói: “Tôi cũng đau đớn với Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) lắm rồi!”.

Được biết, hiện giá trị đầu tư của Nam Việt vào MSB là 135 tỷ đồng, vào Cromit Cổ Định Thanh Hóa hơn 20 tỷ đồng.

Vào thị trường Mỹ không khó, cái khó là đứng vững ở đây

Nói về ngành cá tra, ông Tới cho rằng trong ngành cá có 5 sao. Sao số một là giống, hiện chỉ có Nam Việt thực hiện được điều này. Sao thứ hai là cá nguyên liệu, không phải mua cá bên ngoài trong bối cảnh thiếu hụt rất cao với nhiều size khác nhau. Sao thứ ba không khó lắm là nhà máy thức ăn, chỉ cần có đất, tiền, công nghệ thì làm được. Sao thứ tư là nhà máy với hệ thống thiết bị, nguồn nhân lực đảm bảo, tận dụng tối đa hiệu suất.

Sao thứ năm là thị trường, đây là vấn đề khó nhất, Nam Việt đã xây dựng được khối thị trường yên tâm. Chính sách của Nam Việt là mở rộng tất cả các thị trường, phải đảm bảo được chất lượng và giá cạnh tranh thì chắc chắn bền vững. Nam Việt qua Mỹ không khó, mà khó là đứng vững ở đây, không kiện cáo. Nam Việt sẽ quyết tâm quay lại thị trường Mỹ bằng mọi giá.

Đối với thị trường Trung Quốc thì rất tiềm năng, người dân coi sản phẩm này là một loại cao cấp với nhiều kiểu chế biến. Nam Việt xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Tại thị trường Brazil, Nam Việt là số một, nhưng gần đây, thị trường đưa ra nhiều chính sách “không giống ai”, Nam Việt đề nghị họ lấy tiêu chuẩn của Mỹ hoặc EU. Ngoài ra, thị trường Trung Đông cũng rất tiềm năng, Nam Việt sắp tới sẽ sang đó để đàm phán mở cửa cho hàng của Việt Nam vào.

Năm 2019 Nam Việt đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng.

Năm 2019, đặt mục tiêu lãi sau thuế 700 tỷ đồng

Nói về năm 2018, Thành viên HĐQT Doãn Chí Thiên cho biết xuất khẩu cá tra năm qua có sự phát triển ngoạn mục, từ kim ngạch 1.78 tỷ USD năm 2017 bật lên đạt mức kỷ lục 2.26 tỷ USD, tức tăng trưởng 26.4% so với năm 2017. Trên thực tế, trong suốt 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ từ 1.5 tỷ USD đến 1.8 tỷ USD. Sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 đối với cá tra có được nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã có những kết quả tốt, giá cá tra ở mức cao. Một phần quan trọng là các doanh nghiệp cá tra đã ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường. Ngoài ra, năm 2018, nhu cầu từ các thị trường đều tăng. Đáng chú ý là thị trường Mỹ tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54.5%, chiếm 24.2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam.

Với đà thuận lợi đó, năm 2019 cá tra vẫn còn đà phát triển tốt, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, sản phẩm đa dạng và thị trường gần. Giá cá tra cuối năm 2018 vẫn duy trì ở mức cao khiến người nuôi trồng được lợi lớn, nguyên nhân là nguồn cung cá nguyên liệu giống hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, do tình hình thời tiết ảnh hưởng đến việc ương giống. Đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra vẫn duy trì nhịp độ tốt, dự báo giá cá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, ngành cá tra vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sẽ có những tác động nhất định đến nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thủy sản thế giới cả về giá, chất lượng.

Đối với Navico, thời gian tới, Công ty cho biết sẽ đi vào chất lượng của chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đảm bảo được môi trường. Thúc đẩy dự án vùng nuôi sớm đi vào hoạt động nhằm hoàn thành chuỗi giá trị khép kín và nâng sản lượng xuất khẩu. Công ty cũng tìm kiếm thêm các khách hàng mới kết hợp với duy trì khách hàng hiện hữu để cải thiện thị phần cũng như thúc đẩy tăng trưởng.

Hiện nay, Công ty đảm bảo tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi trồng, 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, trong đó 8 lines nhà máy thức ăn với công suất 800 tấn thành phẩm/ngày, 21 vùng nuôi cá với tổng diện tích mặt nước đạt 250 ha. Trong năm 2018, Công ty đầu tư 540 tỷ đồng vốn thành lập Công ty TNHH MTV NTTS Nam Việt - Bình Phú với diện tích gần 600 ha phục vụ cho việc nuôi trồng. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, vùng nuôi này sẽ cho sản lượng phục vụ sản xuất.

Navico hiện có 3 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 600 tấn cá nguyên liệu/ngày, gồm: Nhà máy Ấn Độ Dương 400 tấn cá nguyên liệu/ngày, nhà máy Nam Việt 120 tấn cá nguyên liệu/ngày và nhà máy Thái Bình Dương 80 tấn cá nguyên liệu/ngày.

Theo đó, Nam Việt đặt kế hoạch năm 2019 với tổng doanh thu 6,000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, cổ tức tăng lên 20%. Riêng trong quý 1, doanh thu đạt hơn 910 tỷ đồng, tăng gần 12% so quý 1/2018. Lãi ròng hơn 200 tỷ đồng, gấp 2.6 lần so cùng kỳ năm 2018.

Với mô hình sản xuất khép kín được đầu tư từ nhiều năm qua và những thuận lợi về thị trường, vùng nguyên liệu từ năm 2017, từ đó năm 2018 là một năm tăng trưởng vượt bậc của ANV với kim ngạch xuất khẩu đạt 145 triệu USD, tăng 56% so với năm 2017.

Kết quả kinh doanh năm 2018 của Nam Việt

Thảo luận

Đã xuất hàng vào Mỹ, thị trường Trung Quốc không có rủi ro

Cụ thể việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ chiếm bao nhiêu kim ngạch trong năm nay?

Sáng nay tôi có làm việc với khách hàng Mỹ, tháng 6 sẽ làm việc với Bộ Thương mại Mỹ, đơn hàng đầu tiên của Nam Việt đã xuất sang Mỹ cách đây mấy ngày. Mục tiêu vào Mỹ của Nam Việt là thuế suất bằng 0.

Để nói con số cụ thể thì rất khó. Vào thị trường Mỹ bao giờ cũng phải đi từ từ, không phải như Vĩnh Hoàn hay Biển Đông đã có sẵn hệ thống rồi. Nam Việt có lợi thế đặc biệt riêng, chính là dự án Bình Phú.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?

Trong các thị trường, code mã số mang theo đều mang tên nhà máy xuất khẩu thuộc công ty nào, nhưng bao bì đến người tiêu dùng chỉ có thị trường Trung Quốc là có tên Nam Việt.

Chiến tranh thương mại tác động đến toàn cầu, nhưng ngành cá tra hiện tại vẫn bình thường.

Rủi ro lớn nhất khi xuất khẩu vào Trung Quốc là gì?

Hiện tại Nam Việt chưa thấy rủi ro ở thị trường này bởi nhu cầu ở đây quá nhiều.

Dự kiến biên lãi gộp quý 2/2019 khoảng 25%, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng

Dự kiến biến động giá đầu ra đầu vào của Nam Việt như thế nào?

Đây là vấn đề nhức đầu. Nhưng bất kỳ ngành nào cũng vậy, biến động giá thường do khách quan, ít do chủ quan. Nhưng biến động giá năm nay do chủ quan do thành tích năm 2018 quá tốt, đạt kỷ lục 36,000 đồng/kg, hiện đã giảm xuống còn 23,000-24,000 đồng/kg. Nguyên nhân do năm ngoái giá cao nên tất cả nông dân đều đổ xô vào nuôi cá “nước chảy chỗ trũng”, khiến cung vượt cầu. Đây cũng là lợi thế và bất lợi của ngành này, thậm chí ngành tôm cũng vậy. Năm nay sẽ là năm điều tiết lại và năm 2020 sẽ bình ổn hơn.

Lý do quý 1/2019 biên lãi gộp tăng mạnh trên 30% và liệu có được duy trì đến cuối năm hay không? Dự án Bình Phú lớn, cung cấp tới 200,000 tấn cá nguyên liệu so mức 120,000 tấn hiện tại, tức công suất tăng 70%, liệu nhà máy có đáp ứng được công suất cũng như đầu ra có tiêu thụ hết?

Năm 2018 lợi nhuận của Nam Việt tăng rất mạnh, biên lợi nhuận quý 3, 4/2018 cũng là 30%, do đó những đơn hàng này cũng ảnh hưởng đến quý 1/2019. Nam Việt sẽ kiểm soát được chi phí sau khi đưa vùng nuôi Bình Phú vào hoạt động thì vẫn còn dư địa tăng biên lợi nhuận.

Đến quý 2/2019, tình hình giá cả có biến động, dự kiến biên lãi gộp khoảng 25%, lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng. Tức 6 tháng đầu năm đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Dự án Bình Phú là dự án khổng lồ nên Công ty phải tính toán chính xác. Nếu phát huy hết công suất thì có một lượng cá khủng, Công ty sẽ căn cứ thị trường, khách hàng cam kết để điều chỉnh hợp lý. Ngày 30/06 này, tất cả vùng  nuôi của Bình Phú thả kín con giống với giá thấp nhất.

Gia đình Chủ tịch mua DAP Vinachem 2 với giá 9,000 đồng/cp

Nam Việt sẽ phát hành 30 triệu cp để huy động vốn cho dự án Bình Phú. Năm 2020, Công ty sẽ có lượng tiền mặt lớn, vậy có tiếp tục kế hoạch đầu tư như DAP Vinachem 2, Cromit Cổ Định Thanh Hóa hay MSB?

Phương án phát hành mới là dự kiến chứ chưa phát hành, nếu có thì sẽ xin ý kiến cổ đông vào năm 2020. Bởi vì nếu phát hành sẽ pha loãng cổ phiếu lớn. Công ty niêm yết là để huy động vốn trên thị trường để đầu tư dự án, giúp công ty tăng trưởng hơn nên cổ đông không phải quá lo ngại về việc phát hành huy động vốn hơn là vay ngân hàng.

Còn dự án DAP, Nam Việt đã bán hẳn sang cho Đại Tây Dương là của gia đình Chủ tịch Tới, sang quý 2/2019 đã thanh toán đầy đủ cho Nam Việt. Hiện dự án này không còn liên quan gì đến Nam Việt. Khi DAP thua lỗ như thế, nếu Nam Việt bán 2,000 -3,000 đồng/cp thì chẳng ai mua, nhưng Chủ tịch Tới đã mua với giá 9,000 đồng/cp.

Còn dự án Cromit Cổ Định Thanh Hóa vừa được bán cho đối tác Trung Quốc.

Hiện Nam Việt tập trung vào cốt lõi, không đầu tư ngoài ngành. Trong năm nay sẽ làm ra sản phẩm giá trị gia tăng như collagen, surimi, gelatin…

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu về cuối năm tăng thì chắc chắn kế hoạch năm 2019 của Nam Việt sẽ đạt yêu cầu.

Hiện cơ cấu cổ đông giống công ty gia đình, trong tương lai Công ty có thay đổi cơ cấu hay không?

Đúng là cổ đông gia đình nắm nhiều, không mang tính đại chúng, nên Chủ tịch cũng đang muốn giảm xuống cũng như Minh Phú vừa bán cho Mitsui để giải quyết bớt nắm giữ gia đình. Chắc chắn Chủ tịch sẽ làm năm nay.

Minh An

Fili

Các tin tức khác

>   SPH: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (17/05/2019)

>   SKN: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (17/05/2019)

>   AGF: Nhắc nhở chậm công bố BCTC soát xét niên độ 01/10/2018-30/09/2019 (17/05/2019)

>   Thiên Long viết mục tiêu lãi ròng đạt 325 tỷ năm 2019 (18/05/2019)

>   GTA: Nghị quyết HĐQT về việc chi trả cổ tức năm 2018 bằng tiền (17/05/2019)

>   SGC: Thông báo kết quả lựa chọn Công ty kiểm toán cho năm tài chính 2019 (17/05/2019)

>   MPT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (17/05/2019)

>   PTI: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (17/05/2019)

>   PEN: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (17/05/2019)

>   OCH: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự Đại hội cổ đông thường niên 2019 của OCH (17/05/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật