Dầu sụt hơn 2% khi sản lượng tại Mỹ lên mức kỷ lục
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh vào ngày thứ Năm (02/05), giữa lúc thị trường năng lượng chờ đợi động thái tiếp theo từ OPEC khi các lệnh miễn trừ trừng phạt ngành dầu mỏ Iran chấm dứt, và khi nguồn cung dầu thô tại Mỹ nhảy vọt cùng với sản lượng ở nước này lên mức kỷ lục đã tiếp tục gây sức ép lên giá dầu, MarketWatch đưa tin.
Dầu WTI đã suy yếu hôm thứ Tư (01/05) và tiếp tục giảm mạnh vào ngày thứ Năm sau khi báo cáo từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa vọt gần 10 triệu thùng – đánh dấu tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Báo cáo này cũng cho biết sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng 100,000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12.3 triệu thùng/ngày.
Dữ liệu vào ngày thứ Năm từ Platts cũng cho thấy sự gia tăng trong hoạt động khai thác dầu, với số giàn khoan dầu và khí thiên nhiên tại Mỹ tăng 18 giàn lên tổng số 1,084 giàn trong tuần này. Dữ liệu từ Baker Hughes về số giàn khoan sẽ công bố vào ngày thứ Sáu (03/05).
Bên cạnh đó, dầu Brent cũng nhuốm sắc đỏ trong ngày thứ Năm, dao động cùng chiều với dầu WTI mặc dù 2 hợp đồng này lại diễn biến trái chiều vào ngày trước đó. Dầu Brent đã tăng nhẹ hôm thứ Tư (01/05) khi Ả-rập Xê-út tìm cách thách thức yêu cầu gia tăng sản lượng dầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm làm giảm giá dầu.
“Trong khi việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tiếp tục cắt giảm sản lượng và các lệnh trừng phạt Iran cùng Venezuela đã hỗ trợ giá dầu, thì sản lượng dầu thô tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục đã khiến dự trữ dầu thô nhảy vọt. Lo ngại rằng đà tăng của dự trữ dầu, vốn ở mức cao nhất kể từ năm 2017, có thể tiếp tục được nới rộng”, Jasper Lawler, Chuyên gia phân tích tại London Capital Group, nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex sụt 1.79 USD (tương đương 2.8%) xuống 61.81 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 01/04/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn mất 1.43 USD (tương đương 2%) còn 70.75 USD/thùng sau khi rớt xuống mức thấp là 69.68 USD/thùng. Đây cũng là mức đóng cửa thấp nhất của hợp đồng này kể từ ngày 09/04/2019.
Hôm thứ Tư (01/05), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 9.9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/04/2019, cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 1.4 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Ả-rập Xê-út, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, đã cam kết nâng sản lượng dầu nếu cần thiết, khi Chính quyền ông Trump bắt đầu cấm vận tất cả các hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Tuy nhiên, đằng sau đó, Riyadh và Washington phải đối mặt với khả năng giải quyết một lượng lớn thùng dầu vượt mức mà Ả-rập Xê-út sẽ cung cấp vào thị trường toàn cầu để giữ giá dầu thô ổn định.
Tuy nhiên, Ả-rập Xê-út – vốn cần giá dầu tăng cao để giữ cân bằng ngân sách nhà nước – đang vận động OPEC để thay đổi cách thức Tổ chức này tính toán liệu thị trường có đủ nguồn cung hay không như một cách để cho Mỹ thấy rằng việc bơm thêm dầu là không cần thiết, Wall Street Journal đưa tin.
Các lệnh miễn trừ trừng phạt của Mỹ hết hạn vào ngày thứ Năm (02/05). Paul Sheldon, Giám đốc cố vấn địa chính trị tại S&P Global Platts Analytics, dự báo dầu thô và kim ngạch xuất khẩu tại Iran sẽ giảm xuống dưới 500,000 thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, từ mức 1.3 triệu thùng/ngày trong quý đầu tien.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 6 lùi 2.2% xuống 2.018 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 mất 0.8% còn 2.078 USD/gallon.
Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ vọt 123 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào 26/04/2019, cao hơn dự báo tăng 118 tỷ feet khối từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 giảm 1.2% xuống 2.589 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|