Dấu hiệu trở mình của TTF: Nhìn từ một văn bản và đôi dòng trạng thái
Văn bản thông báo chuẩn bị hoàn tất việc sáp nhập Sứ Thiên Thanh và đôi dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân của Tổng Giám đốc Mai Hữu Tín liệu có là dấu hiệu cho giai đoạn trở mình của TTF.
Ngày 13/05/2019, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đã ra thông báo về việc sáp nhập CTCP Sứ Thiên Thanh. Đây là thương vụ mà TGĐ TTF - ông Mai Hữu Tín từng nói rằng “phải làm nếu muốn Công ty này tiếp tục tồn tại” ở cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 25/10/2018.
Sứ Thiên Thanh - cái bắt tay giữa TTF và CTCP Đồng Tâm.
|
Thời gian dự kiến thực hiện việc sáp nhập từ ngày 21/05/2019. Sau sáp nhập, CTCP Sứ Thiên Thanh sẽ chấm dứt tồn tại và TTF sẽ kế thừa toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm đối với các giao dịch liên quan.
Như vậy, sau gần 7 tháng kể từ khi được ĐHĐCĐ chấp thuận phương án sáp nhập Sứ Thiên Thanh vào TTF (tại cuộc họp bất thường kể trên), thương vụ này chuẩn bị đi đến giai đoạn tiếp theo.
Cũng tại cuộc họp, ông Tín còn hé lộ rằng TTF lúc bấy giờ cũng đang đàm phán với cả Cửa nhựa Đồng Tâm. Sau Sứ Thiên Thanh, liệu rằng mối lương duyên giữa TTF và Đồng Tâm có tiếp tục?
Lộ diện đối tác Natuzzi?
Thông tin đáng quan tâm khác, trong cuộc họp bất thường cuối năm 2018, Tổng Giám đốc TTF – ông Mai Hữu Tín có tiết lộ lúc bấy giờ đang chuẩn bị sang Ý để đàm phán hợp tác cùng một đơn vị nổi tiếng về nội thất, nhưng xin phép cổ đông không nói thêm cụ thể.
Ngày 11/04 vừa qua, trên trang Facebook cá nhân của ông Tín có đăng dòng trạng thái đề cập tới một công ty sản xuất nội thất của Ý là Natuzzi. Khả năng lớn, đây chính là đối tác lớn mà ông Tín đã từng đề cập.
Nguồn: Trang Facebook cá nhân của ông Mai Hữu Tín.
|
Sau một năm tích cực giải phóng hàng tồn kho và xử lý các khoản phải thu, động thái thông báo chuẩn bị hoàn tất việc sáp nhập Sứ Thiên Thanh được đưa ra không quá lâu sau khi dòng trạng thái kể trên xuất hiện liệu có bao hàm một diễn tiến tiếp theo từ phía TTF?
Cần nhớ rằng, ông Tín đã từng khẳng định muốn TTF đi theo con đường của một nhà cung cấp nội thất tổng thể cho các dự án bất động sản, chứ không phải là trở thành một công ty chuyên gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Chờ ngày trở mình?
Ông Tín từng phát biểu tại cuộc họp bất thường của TTF hồi cuối tháng 10/2018 rằng: “Sau khi sáp nhập được Sứ Thiên Thanh vào TTF, trích lập đủ các chi phí dự phòng trong cuối năm 2018 này và xử lý được các vấn đề tồn đọng còn lại thì năm sau 2019 chúng ta có thể lãi thôi”. Và như những gì đã diễn ra cho đến nay, mọi thứ dường như vẫn đang trong dự liệu của vị Tổng Giám đốc.
“Nếu các vị đang đầu tư bằng tiền túi, tiền tiết kiệm thì giữ đó. Nếu đi vay thì bán đi vì cuộc chiến tại TTF còn lâu dài và chưa chắc gì chúng tôi chia cổ tức trong 5 năm tới. Tôi thích một cuộc chơi dài hạn và những thách thức mà tôi đang có, và nếu quý vị sẵn lòng đi cùng tôi con đường như vậy thì hãy ở lại” – là lời Tổng Giám đốc Mai Hữu Tín nhắn nhủ đến cổ đông.
Dù vậy đối với TTF thì vẫn còn lắm vấn đề bủa vây, mà quan trọng nhất có lẽ là nguồn vốn. “Để có thể cơ cấu giai đoạn tới, TTF cần tăng thêm 1,000 tỷ vốn điều lệ theo ước đoán cẩn trọng của Ban lãnh đạo, nhưng đây chưa phải con số chính xác nhất cũng như chưa đủ cơ sở pháp lý” - vị Tổng Giám đốc TTF đã nói như thế. Tuy vậy, tính đến thời điểm 31/03/2019, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ còn ghi nhận vỏn vẹn gần 20 tỷ đồng, sau một năm 2018 giải quyết tồn đọng.
Tài liệu tham khảo:
TTF - thong bao sap nhap Su Thien Thanh.pdf
Vĩnh Thịnh
FILI
|