Chứng khoán Mỹ và Trung Quốc có thể quyết định số phận đàm phán thương mại?
Chỉ mới hơn 1 tuần trước, mọi thứ dường như vẫn đang tiến triển tích cực và hướng tới một thỏa thuận thương mại. Thế nhưng, các cuộc đàm phán nhanh chóng tiến tới bờ vực đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump buông lời đe dọa nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trên mạng xã hội Twitter.
Dòng tweet của ông Trump vào ngày 05/05
|
“Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đã nộp thuế cho Mỹ gồm mức thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa công nghệ cao và 10% với 200 tỷ USD hàng hóa khác. Những khoản thuế này phần nào đóng góp vào kết quả tuyệt vời cho nền kinh tế của chúng ta. Thuế suất 10% sẽ tăng lên 25% vào ngày 10/05”, ông Trump viết trên Twitter trong ngày Chủ nhật (05/05). “325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ vẫn chưa chịu thuế, nhưng sẽ chịu thuế 25% nhanh chóng thôi. Thuế trả cho Mỹ ít tác động đến chi phí sản phẩm, chủ yếu do Trung Quốc gánh chịu. Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục nhưng quá chậm, bởi họ muốn tái thương lượng. Không!”.
Trong ngày thứ Sáu tuần trước (10/05), Mỹ đã chính thức nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả lại, Trung Quốc tuyên bố nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ ngày 01/06/2019. Một vài tuần trước đó, chỉ có một số ít người dự báo căng thẳng thương mại sẽ leo thang, nhưng đó chính xác là những gì đã diễn ra.
Những ngày gần đây, hàng loạt tít báo chí và dòng tweet về thương mại được tung ra và nhà đầu tư cũng khó mà bắt kịp, nhất là khi nhiều chuyên gia đưa ra những thông điệp mâu thuẫn về việc liệu nhà đầu tư có nên sợ hãi trong tình cảnh này hay không.
Chứng khoán Mỹ và chứng khoán Trung Quốc đồng loạt lao dốc kể từ ngày 05/05/2019 – thời điểm ông Trump buông lời đe dọa trên mạng xã hội Twitter. Ở Mỹ, chỉ số S&P 500 rớt 3.8%, còn chỉ số CSI của Trung Quốc – vốn bao gồm những cổ phiếu vốn hóa lớn ở Thượng Hải và Thâm Quyến – giảm còn mạnh hơn 6.9%.
Bất ngờ trước sự leo thang đột ngột trong cuộc chiến thương mại, một số nhà đầu tư gấp rút tháo chạy khỏi thị trường – một động thái có thể hiểu được khi xét tới sự bất ổn ngày càng tăng về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Tình trạng bất ổn có lẽ sẽ tiếp diễn thêm một khoảng thời gian trước hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng tới, nhưng đà giảm trên thị trường chứng khoán có thể là yếu tố ủng hộ cho những quan chức muốn có một thỏa thuận. Đầu tuần này, ông Trump thông báo kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng sau.
“Chúng tôi nghĩ, thành quả thị trường chứng khoán càng yếu thì cả hai bên càng hợp tác nhiều hơn, vì những gì đã xảy ra trong năm 2018 là kịch bản tồi tệ nhất mà cả hai đều muốn né tránh”, Steven Sun và Kate Zhang – hai thành viên của bộ phận chiến lược cổ phiếu Trung Quốc của HSBC – cho biết trong báo cáo tuần trước.
“Những gì diễn ra trong năm 2018 là chứng khoán Mỹ diễn biến tích cực trong 2 quý, sau thời điểm Mỹ lần đầu tiên thông báo áp hàng rào thuế quan vào ngày 26/03/2018. Giá cổ phiếu tăng 10% trước khi quay đầu rớt thảm 20% so với mức đỉnh tháng 9/2018, từ đó khiến ‘nhóm cứu giá cổ phiếu’ của Chính phủ Mỹ phải nhảy vào can thiệp”, họ nói thêm. “Do đó, chúng tôi nghĩ hai bên vẫn muốn tránh lặp lại tình trạng của năm 2018”.
Không phải chỉ có HSBC nghĩ rằng chứng khoán giảm càng mạnh thì khả năng tiến tới thỏa thuận thương mại sẽ càng cao, nhất là khi gần tới các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng hai bên rồi sẽ tiến tới thỏa thuận thương mại” vì đây là yếu tố góp phần giúp Tổng thống Trump tái đắc cử trong năm 2020, Alexander Redman và Arun Sai, hai Chuyên viên phân tích và nghiên cứu cổ phiếu toàn cầu tại Credit Suisse, cho biết trong báo cáo tuần này.
Các chiến lược gia tại Credit Suisse tin rằng khả năng cao (khoảng 70%) hai bên sẽ tiến tới một giải pháp thương mại.
“Vào cuối tháng 4/2019, các quan chức đã định sắp xếp một thời điểm và địa điểm thích hợp để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung nhằm ký kết thỏa thuận”, Redman và Sai nhận định.
Shane Oliver, Chuyên gia kinh tế trưởng tại MP Capital, cũng tin rằng đà suy yếu của thị trường chứng khoán có thể hối thúc hai bên tiến tới một thỏa thuận thương mại.
“Rủi ro lại gia tăng sau bước lùi trong các cuộc đàm phán Mỹ-Trung và đi kèm với đó là sự mất niềm tin của Mỹ và Trung Quốc, vì vậy nhà đầu tư phải chấp nhận một chuyện: Cuộc chiến thương mại sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tốt trở lại, qua đó có thể khiến thị trường cổ phiếu suy giảm thêm”, ông Oliver cho hay. “Trên thực tế, có lẽ phải cần tới đà giảm mạnh của thị trường cổ phiếu để nhắc nhở Mỹ và Trung Quốc phải tiến tới một thỏa thuận”.
Ông Oliver cho rằng Mỹ và Trung Quốc phải tiến tới thỏa thuận thương mại “một khi cả hai bên tập trung trở lại vào chi phí kinh tế khi tăng trưởng giảm tốc, giá tiêu dùng cao hơn và có khả năng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng”.
“Điều này cực kỳ quan trọng đối với Tổng thống Trump vì ông muốn tái đắc cử vào năm 2020”, ông Oliver nói.
Vũ Hạo (Theo Business Insider)
FiLi
|