Các ngân hàng trung ương dần chuyển sang mua vàng
Lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào trong quý 1/2019 – dẫn đầu là Nga và Trung Quốc – đạt mức cao nhất trong 6 năm khi các quốc gia đa dang hóa tài sản và dần giảm bớt tỷ trọng đồng USD.
Dự trữ vàng trên toàn cầu tăng 145.5 tấn trong quý 1/2019, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết trong báo cáo ngày thứ Năm (02/05). Nga vẫn là quốc gia mua vàng mạnh nhất khi nước này giảm bớt trái phiếu Chính phủ Mỹ như là một phần của làn sóng phi đô la hóa.
“Chúng tôi chứng kiến nhu cầu mạnh từ các ngân hàng trung ương”, Alistair Hewitt, Trưởng bộ phận tình báo thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cho hay. “Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương lại có thêm 1 năm mua mạnh, mặc dù tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu họ mua bằng với mức trong năm 2018”.
Cũng như những quốc gia thường mua vàng như Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador cũng mua vàng để tăng dự trữ lần đầu tiên kể từ năm 2014. Cùng với đó là Qatar và Colombia. Sở dĩ các quốc gia mua thêm vàng là do họ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD và thường là những quốc gia có tỷ lệ dự trữ vàng thấp hơn những quốc gia Tây Âu.
Việc ngân hàng trung ương mua vàng là một yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá vàng thế giới, góp phần giúp bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu từ nhà đầu tư vàng thỏi và vàng xu, cũng như từ những công ty công nghiệp có sử dụng kim loại quý này. Giá vàng đã leo dốc gần 8% so với cuối tháng 9/2019 và dao động ở mức 1,282 USD/oz trong ngày thứ Tư (01/05).
Về phía cung, WGC đã điều chỉnh ước tính về phần đóng góp của các công ty khai khoáng quy mô nhỏ và “thủ công”, sau đánh giá của công ty cung cấp dữ liệu chính Metals Focus Ltd. Theo ước tính, những công ty khai khoáng quy mô nhỏ và thủ công này chiếm 15-20% sản lượng vàng khai thác trên toàn cầu.
Ở những quốc gia như Zimbabwe, những công ty khai khoáng quy mô nhỏ chiếm hơn 50% sản lượng vàng và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo những chỉ dẫn mới từ Hiệp hội Thị trường Vàng Luân Đôn (LBMA), những công ty khai khoáng như thế có thể có gặp nhiều khó khăn trong việc bán vàng một cách họp pháp vì một phần vàng của họ được phân loại là “vàng bẩn” (blood gold) – được sản xuất mà không tuân theo quy định an toàn hoặc môi trường và có khả năng góp phần vào những tội ác như lạm dụng lao động trẻ em và nô lệ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|