Bloomberg: Mỹ chưa gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam
Mỹ chưa gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam dựa trên những dữ liệu mà Việt Nam cung cấp cho Bộ Tài chính Mỹ, dựa trên nguồn thông tin thân cận từ Bloomberg.
Quyết định trên là một chiến thắng dành cho Việt Nam – vốn có nguy cơ lọt vào tầm ngắm của chính quyền Mỹ.
Trong vài tuần gần đây, Việt Nam đã cung cấp dữ liệu bổ sung nhằm cho Bộ Tài chính Mỹ thấy rằng Việt Nam không cố kéo giá trị tiền Đồng xuống thấp. Việt Nam cũng cử một phái đoàn đến gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 23/05. Hiện vẫn chưa rõ phía Việt Nam đưa dữ liệu gì cho Mỹ.
Sau cuộc họp, ông Mnuchin đã đăng trên mạng xã hội Twitter một bức ảnh chụp ông đứng cạnh Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh và nói rằng họ đã nói về “quan hệ kinh tế và thương mại”.
Bộ Tài chính Mỹ mỗi năm phát hành hai báo cáo bán niên về các đồng tiền nước ngoài. Trong báo cáo gần đây nhất, số lượng các nước bị xem xét liệt vào diện thao túng tiền tệ sẽ tăng từ 12 lên 20 sau khi Bộ Tài chính Mỹ thay đổi một trong ba tiêu chí mà họ sử dụng để kiểm tra thao túng.
Trước đây, một trong ba tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ để đánh giá một nước thao túng tiền tệ là thặng dư tài khoản vãng lai - tức là chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu - chiếm 3% GDP của một quốc gia. Nhưng trong báo cáo gần đây, họ đã hạ chỉ số này xuống còn 2%.
Báo cáo này lẽ ra chính thức gửi tới để Quốc hội phê duyệt trong tháng 4/2019. Lúc đầu, ông Mnuchin dự kiến nộp theo đúng hạn chót và nộp báo cáo hoàn chỉnh lên Nhà Trắng để ký kết vào đầu tháng 4. Thế nhưng, báo cáo này đã bị trì hoãn kể từ đó và thời hạn công bố nó vẫn chưa được thông báo.
Chính sách tiền tệ đã nổi lên như một công cụ mới nhất của Trump nhằm đẩy mạnh quá trình viết lại các quy tắc thương mại toàn cầu mà ông cho là đã gây tổn thương cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ông đã lấy chính sách giao dịch ngoại hối làm chìa khóa của việc giải quyết thương mại với Mexico, Canada và Hàn Quốc và đây có thể là một phần trong thỏa thuận với Trung Quốc nếu hai bên tiến tới thỏa thuận.
Trong ngày thứ Năm (23/05), Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đang đề xuất quy tắc mới để áp thuế chống trợ cấp lên hàng hóa từ các quốc gia phá giá đồng tiền so với USD – một động thái khác có thể áp thuế quan cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc.
Theo quy tắc mới, hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức và Thụy Sỹ có nguy cơ bị áp thuế cao hơn.
Những quốc gia này, cùng với Trung Quốc, đều nằm trong “danh sách giám sát” về tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ – theo dõi những trường hợp can thiệp vào thị trường tiền tệ, thặng dư tài khoản vãng lai cao và thặng dư thương mại song phương cao.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|