Thứ Bảy, 04/05/2019 11:16

10.000 tỉ đồng lợi nhuận ở Agribank

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.000 tỉ đồng cho năm 2019 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) có thể làm một số nhà đầu tư ngạc nhiên bởi đây là con số tăng mạnh so với mức đạt được 7.525 tỉ đồng của năm ngoái.

Tuy nhiên giới quan sát tài chính lại không nghĩ như vậy. Năm 2018 lợi nhuận trước thuế của Agribank cũng bứt phá tới 50% so với 5.000 tỉ đồng của năm 2017. Chẳng phải tự nhiên mà lợi nhuận của Agribank cứ đi lên đều đều đã hai năm. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó cả.

Ảnh minh họa: Thành Hoa

Với Agribank lý do là ngân hàng đang chuẩn bị cổ phần hóa, việc xử lý các khoản nợ, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính để phục vụ cho bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) rất quan trọng.

Cổ phiếu ngân hàng, vốn đã chiếm một tỷ trọng lớn trong giá trị vốn hóa của VN-Index, sẽ còn “phình” ra khi đến cuối năm nay tất cả ngân hàng đều phải lên sàn. Đã thế tất tần tật mọi tổ chức tín dụng đều tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng. Mức tăng 20-30% là thường. Có ngân hàng tăng 50%. Mỗi đợt tăng vốn đều pha loãng và làm thị giá cổ phiếu giảm bớt.

Muốn IPO thành công, hút được tiền của thị trường đáng lẽ “chảy” vào cổ phiếu các ngân hàng khác, Agribank phải có chỉ tiêu lợi nhuận đẹp đi kèm các yếu tố hấp dẫn như sự tham gia của nước ngoài, ưu đãi của Nhà nước đối với những ngân hàng cung ứng tín dụng chủ lực cho nông nghiệp - nông thôn...

Lẽ ra Agribank sẽ IPO năm nay, nhưng rồi kế hoạch bị dời lại đến 2020 và thậm chí có thể sang tận 2021. Xử lý nợ xấu (bao gồm cả tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, mua lại nợ từ VAMC, phát mãi tài sản thế chấp); cải thiện chất lượng tài sản; xây dựng và làm mới hình ảnh trong mắt công chúng nhờ rút dần sự có mặt ở nhiều vụ án kinh tế; đầu tư cho công nghệ, nhân lực... Agribank đều tự làm được.

Chỉ riêng tăng vốn chủ sở hữu để đảm bảo chỉ số an toàn vốn theo quy định thì ngân hàng không thể tự làm. Nhà nước đang sở hữu 100% Agribank, Nhà nước bắt buộc bằng cơ chế này cơ chế khác phải tăng được vốn cho ngân hàng.

Agribank bây giờ là ngân hàng quy mô nhất Việt Nam tính theo tiêu chí tổng tài sản với 1,3 triệu tỉ đồng, vốn huy động 1,2 triệu tỉ đồng, hệ thống mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh thành, trải dài xuống tận huyện, thị trấn, xã. Ngay cả hệ thống bưu cục của bưu điện có chức năng chuyển tiền cũng không rộng bằng hệ thống chi nhánh của Agribank. Sự tiện dụng của mạng lưới giúp ngân hàng huy động được vốn của dân cư ở mức cao và với lãi suất tương đối thấp.

Chưa hết. Do tập trung cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank được hưởng những ưu đãi đặc biệt mà không ngân hàng thương mại nào có được như tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp, được tham gia giải ngân các nguồn vốn mang tính chính sách, được kho bạc ưu tiên gửi tiền nhàn rỗi... Đổi lại, ai cũng biết cho vay nông nghiệp rủi ro cao hơn các lĩnh vực khác không chỉ vì thiên tai, thời tiết, mà còn vì biến động của giá hàng hóa nông sản trên thị trường quốc tế.     

Nhìn sang bên cạnh, ba “ông lớn” Vietcombank, VietinBank, BIDV năm nay tiếp tục đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức cao. Thấp nhất trong nhóm G-4 là VietinBank thì chỉ tiêu lợi nhuận cũng đến 9.500 tỉ đồng. BIDV đã có hai năm liền 2017-2018 trích lập dự phòng khủng, mà chỉ tiêu lợi nhuận vẫn vượt 10.000 tỉ đồng cho năm 2019. Vietcombank đưa ra kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỉ đồng, nhưng nhiều khả năng sẽ đạt 22.000- 23.000 tỉ đồng.

Liệu có phù hợp không khi doanh nghiệp chưa bớt khó khăn về vốn dẫn đến hiệu quả kinh doanh còn thấp, mà lợi nhuận ngân hàng lại cao? Thực ra phía sau lợi nhuận ngân hàng, bức tranh kinh doanh tiền tệ đan xen nhiều tông màu không hẳn sáng. Các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém dường như đang ngày một giậm chân tại chỗ bất chấp các đề án tái cơ cấu được phê duyệt ở cấp cao và được kiểm soát chặt chẽ.

Sự lồi lõm hiệu quả kinh doanh giữa các ngân hàng ngày càng phân hóa và hiện ra rõ nét hơn. Không ít ngân hàng lợi nhuận chỉ vài chục tỉ đồng, vài trăm tỉ đồng trong khi tổng vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế rất lớn. Cá biệt có ngân hàng vốn huy động gấp hơn 20 lần vốn tự có trong khi tối đa chỉ được 20 lần theo quy định pháp luật.

Nếu đạt được chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, Agribank sẽ tiến tới đỉnh cao lợi nhuận trong lịch sử phát triển của ngân hàng. Năm 2018 Nhà nước đã mạnh tay cho phép Công ty Cho thuê tài chính II của Agribank được phá sản, đồng thời tạo điều kiện để ngân hàng giải quyết dứt điểm một số công ty con thua lỗ khác. Sau việc này, trong trường hợp kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, hạn chế được nợ xấu phát sinh ở mức thấp, Agribank có thể tự tin ra mắt giới đầu tư.

Hải Lý

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   SHB: Không trích lập dự phòng, lãi ròng quý 1 tăng 48% (06/05/2019)

>   BaoVietBank: Lãi ròng quý 1 giảm 41% (03/05/2019)

>   Eximbank: Lãi ròng giảm 37% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1.88% (02/05/2019)

>   Chuyên gia hiến kế doanh nghiệp tìm vốn qua thị trường vốn (02/05/2019)

>   BIDV: Trích lập dự phòng giảm 14%, lãi ròng quý 1/2019 vẫn đứng im so với cùng kỳ (02/05/2019)

>   4 'ông lớn' ngân hàng đồng loạt xin gỡ khó tăng vốn (02/05/2019)

>   ACB: Lãi ròng quý 1/2019 tăng 19%, nợ xấu giảm còn 0.69% (02/05/2019)

>   Vì sao tỷ giá trung tâm liên tục tăng trong quý 1/2019? (03/05/2019)

>   'Cuộc chiến' cổ tức không cân sức (30/04/2019)

>   Ngân hàng khóa cửa ATM, liên tục nhắn tin cảnh báo tội phạm thẻ (30/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật