TTCK Việt Nam: Chờ đợi và khao khát
Ai đã bước đi đủ lâu cùng những con sóng của thị trường sẽ biết thế nào là vị ngọt, thế nào là chát đắng của đồng tiền. Tiền bạc khi đủ nhiều mang lại con người sự sung sướng không chỉ về mặt vật chất, mà cả một cảm giác thoả mãn về trình độ, về thành quả trí tuệ của mình. Sự mất mát về tiền bạc đủ lớn cũng mang lại một thứ âm thanh kỳ lạ, như tiếng những giọt máu âm thầm chảy trên dòng sông thất vọng. Và đó là vì sao nhiều tổ chức và chuyên gia bỏ nhiều mồ hôi để xây dựng những thuật toán phức tạp nhất có thể để đo diễn biến tâm lý thị trường, và sử dụng nó như một chỉ báo sớm và quan trọng về hiện tượng đảo chiều xu hướng.
Năm 2018, hơn 10 năm dai dẳng, VN-Index mới lại lên đỉnh, vượt 1,200 vào những ngày đầu quý 2. Cái đỉnh mà thị trường đạt được vào tháng 3 năm 2007, chắc hẳn là vết thương sâu đậm cho những ai còn ở lại thị trường vào ngày nó đảo chiều giảm. Làm sao mà quên được những điều đó, 10 năm có lẽ chưa đủ dài để xoá đi những điều khiếp sợ của sức rơi thị trường, có lẽ nên là 50 – 70 năm khi lớp nhà đầu tư đó đã thay thế bởi một lớp người mới hoàn toàn, cú sốc lớn đến như vậy phải rất lâu mới đủ để phôi pha.
Vậy thì điều gì làm cho thị trường vững vàng giao dịch ở điểm 900 – 1,000 suốt 2 quý gần đầy? Khi thị trường tăng trưởng từ vùng 500 lên vùng 1,200 điểm, vì sao lên đỉnh mà không hưng phấn và vì sao chưa thoả mãn?
Biểu đồ tâm lý nhà đầu tư đối với bước sóng của thị trường.
|
Chờ đợi diễn biến thế giới
Chiến tranh thương mại rung lắc chuỗi cung ứng toàn cầu. Lá chắn thuế trực tiếp ảnh hưởng lên một số ngành, lĩnh vực. Khi mà giá bán sau thuế đến tay người tiêu dùng cuối cùng tăng đủ mạnh để người ta phải cân nhắc đến hàng hoá thay thế, hàng hoá tương đương. Cú hích về tranh chấp thương mại, khiến cho ra rã những dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị chững lại lần lượt được đưa ra từ những định chế tài chính của thế giới như World Bank, IMF v.v… cả trong và ngoài nước.
Nhưng mặt tích cực của sự xáo trộn đó, đâu đó lại dành cho những thị trường như Việt Nam, khi mà Trung Quốc, công trường của thế giới giờ đây là tâm điểm công kích trong chiến tranh thương mại. Để phân tán rủi ro cho doanh nghiệp của mình trong dài hạn, về đầu tư FDI, nhà quản trị buộc phải nhìn ra khỏi biên giới Trung Quốc.
Những cuộc đàm phán giữa Mỹ - Trung Quốc gần đây chưa đến hồi kết. Nhưng cho dù nó có đạt thoả thuận thương mại đi nữa. Khả năng dòng vốn đầu tư NCO của thế giới, dù ở dạng FDI hay FPI đều cũng đã nhận được bài học về sự cần thiết trong đa dạng hoá thị trường đầu tư để giảm thiểu rủi ro xuất phát từ chính sách tài khoá, vốn thay đổi nhanh chóng, có tính chất khó dự báo, và tùy thuộc vào từng nhiệm kỳ tổng thống.
Chờ đợi động thái dòng tiền lớn từ khối ngoại
Bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng cận biên lên mới nổi loại hai đã nhen nhóm nhiều năm nay. Dòng vốn vào khi được nâng hạng có phần được chờ đợi một cách khao khát và nóng lòng hơn trong năm 2019 – 2020. Bởi ngoài yếu tố hấp dẫn của cơ hội tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nó còn có yếu tố thời cuộc từ diễn tiến căng thẳng của thế giới. Sự ổn định chính trị và môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với dòng vốn.
Việt Nam có một sự hài hoà trong quan hệ đa phương, hài hòa với cả Mỹ, Trung Quốc, với cả Triều Tiên, Nga, khu vực EU và cả những quốc gia khác tại Châu Á. Đặc biệt, Chính phủ và chính sách điều hành liên quan đến thị trường chứng khoán thể hiện nỗ lực cải cách để hội nhập. Luật Chứng khoán sửa đổi đã trình Quốc hội, và tạo mọi điều kiện để thông thương với thông lệ quốc tế. Một điều rõ ràng, đó là quy mô của TTCK Việt đối với sức mua của khối ngoại là khá nhỏ, nhưng chủ yếu quan trọng là vốn vào ròng hay ra ròng.
Khao khát bùng nổ từ động lực kinh tế - tài chính
Việt Nam những năm nay ngày càng khao khát một sự phát triển vượt bậc. Người Việt bất đồng với những vấn đề của môi trường, phẫn nộ với những vụ án có tính chất áp bức trẻ con, phụ nữ. Những vấn đề thờ ơ với chất lượng cuộc sống bị lên án mạnh mẽ, nhũng nhiễu trong từng ngành nghề bị phanh phui. Thay vào đó, xã hội bị thu hút bởi những doanh nhân nghĩ lớn, làm lớn. Sự hâm mộ hướng về những ý tưởng lớn, khao khát khởi nghiệp, những ý tưởng vượt không gian, thời gian.
Những gam màu đó cũng không khác giữa đời thực và diễn biến giá cả đối với TTCK - hàn thử biểu của nền kinh tế. Nhà đầu tư gần 20 năm kinh nghiệm cùng thị trường, họ không đưa ra quyết định mua bán cảm tính nữa, sự hỗ trợ phân tích kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước hỗ trợ giảm thiểu những cung bậc quá mức của cả bên bán lẫn bên mua. Những quyết định đầu tư nhìn xa, chú trọng đánh giá bản chất, và tự trao cơ hội cho chính sự phát triển của mình.
Khao khát hội nhập, mở cửa kinh tế ra biển lớn
Những ngày này, thị trường phản ứng kiên trì trước những sóng gió, và xu hướng chủ đạo vẫn là tin tưởng vào một bức tranh mà kinh tế Việt Nam sẽ lật sang trang mới, đổi mới và phát triển. Đó là một điều rất khác biệt với nhiều năm trước đây. Dòng tiền đầu tư đến từ trữ lượng tiết kiệm quốc gia, nó xuất phát cả từ tiết kiệm hộ gia đình và chính phủ cũng như dòng vốn vào ròng từ khối ngoại để tài trợ cho đầu tư nội địa. Giai điệu chính của thị trường Việt Nam ngày càng vang vọng, tự chủ, tự tin khi chạm vào những ngưỡng hỗ trợ quan trọng, những ngưỡng điều chỉnh có tình chất “test” về tâm lý chung. Mặc dù giai đoạn này nhiều yếu tố chưa rõ ràng, nhiều quyết định liên quan đến dòng vốn nằm trong trạng thái chờ đợi, chờ đợi diễn biến thế giới từ chiến tranh thương mại, chờ đợi động thái dòng vốn của khối ngoại.
Nhưng trong nước, thị trường Việt Nam không hề thoả mãn với việc tăng điểm của những con sóng tăng giảm, nhà đầu tư không “gặt lúa non”, hay chốt lời tháo chạy, mà chủ động dừng bán, tăng mua tại những nhịp điều chỉnh. Sự khao khát cho thời kỳ mở cửa hội nhập và phát triển đã cũng cố cho niềm tin của những quyết định đầu tư, khiến cho những động thái sợ hãi quá độ khi thị trường đi vào nhịp điều chỉnh không xuất hiện.
Đâu đó, nhà đầu tư đang đặt sự kỳ vọng, đang trao cơ hội cho kinh tế Việt Nam bằng dòng máu nóng trong con tim, từ tích luỹ tài sản, từ tiết kiệm tư nhân. Thị trường Việt Nam đang chờ đợi những điều tốt đẹp, và khao khát phát triển, bắt đầu từ thu hút vốn đầu tư, tài trợ cho đầu tư hàng hoá, máy móc, thiết bị, tư liệu sản xuất, một sự gia tăng đầu tư yếu tố sản xuất, một nền tảng cho tăng trưởng sản lượng và năng suất quốc gia trong tương lai.
ThS. Đinh Hạ Vân
FILI
|