Thanh Hóa: Nhà máy nghìn tỷ “chết yểu”, dân cay đắng ôm nợ
Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi 26 ha đất đã cho Công ty TNHH MTV ôtô Vinaxuki thuê nhưng dự án nghìn tỷ này đang khiến nhiều người dân phải ôm nợ.
Nhà máy nghìn tỷ… chỉ còn lại sắt vụn
Năm 2012, Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki (Công ty Vinaxuki) được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho thuê đất để thực hiện siêu dự án với hy vọng sẽ là “mũi tàu” giúp tỉnh Thanh đạt được nhiều mục tiêu kinh tế.
Nhà máy Vinaxuki sau khi xây dựng đã bỏ không, dừng hoạt động gần chục năm nay, cỏ dại đã mọc um tùm bao quanh nhà máy
|
Khi mới lập đề án, người dân xã Đại Lộc (huyện Hậu Lộc) hoan hỉ, sung sướng mơ về một chân trời mới sẽ đến với vùng quê nghèo. Với mục tiêu của nhà máy đề ra là sản xuất, lắp ráp ôtô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ôtô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ôtô các loại. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến tạo ra những con số đầy hứa hẹn, như sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm. Ngoài ra, mỗi năm nhà máy dự kiến sản xuất 75.000 tấn phụ tùng ôtô đem về nguồn thu hàng nghìn tỷ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân địa phương.
Nhà máy được đầu tư với tổng vốn 1.360 tỷ đồng có diện tích hơn 90 ha nằm trên địa bàn 2 xã Đại Lộc Và Triệu Lộc sau lễ khởi công long trọng, công ty này đã san lấp xong mặt bằng, xây dựng được 40.000m2 nhà xưởng, lắp đặt được một số máy móc, thiết bị và hoạt động được 2 năm.
Dự án với mục tiêu to lớn là vậy, nhưng hiện tại, toàn bộ nhà máy được bao phủ bởi cỏ dại mọc um tùm kín cả lối đi, toàn bộ nhà xưởng bị bỏ không, hoen rỉ, máy móc thì nằm đắp chiếu, nhà máy đã dừng hoạt động từ nhiều năm nay.
Nhiều hạng mục bị bỏ không nhiều năm đang xuống cấp nghiêm trọng
|
Phân trần về việc dự án chết yểu, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki cho rằng, khoảng đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đơn vị tài trợ cho Vinaxuki cắt vốn đầu tư, phá vỡ hợp đồng tín dụng khiến công ty rơi vào bế tắc khi nguồn vốn bị cắt đột ngột. Sau khi bị Ngân hàng Ngoại thương bỏ rơi, năms 2011, Công ty này đã thế chấp cho Vietcombank toàn bộ hồ sơ, tài sản đảm bảo trị giá 1.500 tỷ đồng theo kiểm toán để vay thêm 500 tỷ đồng. Nhưng do thay đổi lãnh đạo Vietcombank nên việc vay vốn bị ngừng trệ.
Nhằm cứu vãn tình hình, Công ty Vinaxuki đã mời nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, song đến nay chưa ký được bất cứ hợp đồng hợp tác nào. Một trong những lý do nêu ra là Song Lộc mới được cấp phép là cụm công nghiệp, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn đầu tư vào khu công nghiệp để được hưởng các ưu đãi của mô hình này. Công ty đã nhiều lần đề nghị được thành lập khu công nghiệp nhưng chưa được tỉnh Thanh Hóa cho phép.
Trước khi triển khai dự án, người dân địa phương được chính quyền tuyên truyền, vận động họ đã ủng hộ đất trồng lúa, đất màu và đất đồi cho công ty với hy vọng nhà máy sớm đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Mương thoát nước của nhà máy cũng đã nứt toác, hư hỏng
|
Mặc dù, năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định thu hồi gần 26ha đất đã bàn giao cho công ty Vinaxuki để bàn giao lại cho UBND xã Đại lộc quản lý. Số diện tích đất còn lại, công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và một số công trình như: 4 nhà xưởng, 1 nhà chuyên gia, 1 nhà bếp, 3 nhà bảo vệ... Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công ty khẩn trương đầu tư, tái khởi động lại nhà máy trước ngày 31/3/2018. Tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn nằm im thin thít, chưa có dấu hiệu tái khởi động lại như kỳ vọng của tỉnh Thanh Hóa.
Vỡ mộng đổi đời… dân ôm cục nợ
Dự án chết yểu nhưng hệ lụy lại đổ hết lên đầu người dân, giàu có, việc làm không thấy đâu chỉ thấy đất “bờ xôi ruộng mật” đã hiến cho công ty giờ không còn để xản xuất, nhiều người dân đổ xô xây nhà trọ “ăn theo” cho công nhân thì giờ ôm nợ, cày lưng trả lãi.Giấc mộng trở thành ông chủ, bà chủ của các dãy nhà trọ, nhà nghỉ, kinh doanh dịch vụ ăn uống cho công nhân, kỹ sư nhà máy tan vỡ như bong bóng.
Nhiều hạng mục bị hoen ghỉ, hư hỏng nặng
|
Dự án đã dừng hoạt động cả chục năm nay, nhưng nhiều người dân đang còn lao đao vì chạy theo nhà máy. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (45 tuổi, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc), năm 2011, sau khi bán đất sản xuất cho nhà máy, gia đình chị gom hết của nả, vay mượn ngân hàng để đầu tư cả trăm triệu xây 2 dãy phòng trọ. Sắm sửa chăn chiếu, nệm, bàn ghế đầy đủ để phục vụ khách ở và công nhân của nhà máy. Thế nhưng, chờ mãi chả thấy nhà máy có công nhân đến làm, nhà trọ đành bỏ không, tiếc của chị để vài gian nuôi gà, vịt. Còn bàn ghế, giường chiếu sắm ra chẳng bán lại được cho ai, để lâu đã hư hỏng.
Để có tiền trả nợ tiền xây nhà trọ, vợ chồng chị Hiền chạy vạy làm đủ nghề mà đến nay vẫn nợ chồng chất, ước mơ trở thành chủ nhà trọ đã không trở thành hiện thực
Cùng chung cảnh ngộ, ông Ngọa Văn Trị (53 tuổi, thôn Phú Ngọc, xã Đại Lộc), sau khi nhận hơn 40 triệu đồng tiền đền bù đất đồi ruộng từ nhà máy Vinaxuki. Ông Trị đã vay mượn họ hàng thêm 80 triệu đồng để xây dãy nhà trọ với 6 phòng và các công trình phụ trợ. Lắc đầu ngao ngán, ông Trị cho biết: "Khi nhà máy mới hoạt động cũng có lác đác vài công nhân đến thuê ở, nhưng được vài tháng nghe đâu nhà máy nợ lượng nên công nhân bỏ việc hết. Từ đó, dãy nhà trọ của tôi cũng vắng hoe, không thấy ai đến thuê trọ nữa. Giờ đất sản xuất thì bán cho nhà máy, không có việc làm, tôi đành đi xách hồ kiếm tiền trả nợ”.
Một dãy nhà trọ của người dân xây dựng nhưng bỏ hoang không biết sử dụng vào việc gì
|
Chạy dọc thôn Phú Ngọc, xã Đại Lộc (nằm sát nhà máy) sẽ thấy hàng chục dãy nhà trọ bị bỏ hoang, rêu mọc kín tường, có hộ thì dùng nhà trọ để nuôi, nhốt gia xúc, gia cầm. Ông Nguyễn Thi Thường, Bí thư Chi bộ thôn Phú Ngọc cho biết: “Cả thôn có gần 50 hộ dân đầu tư xây nhà trọ, hàng quán dịch vụ khi biết dự án Nhà máy ôtô Vinaxuki xây dựng. Nhưng đến nay, tất cả các hộ đều bỏ không hoặc chuyển sang hình thức khác. Khi Công ty mới về họ huy động bà con nhường đất ruộng, đất đồi để làm dự án và hứa hẹn sẽ giải quyết công ăn việc làm cho con em địa phương. Họ còn khuyến khích bà con xây nhà trọ và giờ đành bỏ không. Dân mất đất sản xuất nên nhiều người không có việc làm phải đi tha hương cầu thực. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên với chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết", ông Thường cho biết thêm.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Dự án Vinaxuki đã bị UBND tỉnh thu hồi gần 26 ha đất đã cho thuê và bàn giao về cho xã Đại Lộc. Tuy nhiên, dự án khiến nông dân mất đất, lao động địa phương không có việc làm”.
Theo quyết định thu hồi 26 ha đất đã bàn giao cho Công ty Vinaxuki, phần diện tích còn lại tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu công ty khẩn trương đầu tư, tái khởi động lại nhà máy trước ngày 31/3/2018. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo DĐDN đến nay công ty này vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động lại. Thiết nghĩ, nếu siêu dự án tiền tỷ của Vinaxuki không thể tiếp tục hoạt động thì tỉnh Thanh Hóa cần sớm có phương án để thu hồi diện tích đất còn lại, trả lại “bờ xôi ruộng mật” để người dân có đất canh tác, sớm ổn định đời sống nhân dân hai xã song Lộc.
KIM OANH
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|