“Tăng giá kép” điện, xăng: Nhà nông không kịp trở tay, DN lo lỗ
Giá xăng dầu, trước đó là giá điện cùng tăng “nóng” chẳng khác nào đổ thêm gánh nặng lên tất cả các ngành sản xuất. Trong nông nghiệp, từ người trồng thanh long đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều cho rằng động thái tăng giá xăng dầu, cộng thêm tăng giá điện cao tới 8,36% khiến họ… không kịp trở tay.
Thanh long chong đèn lo lỗ vốn
Hiện đã vào cuối vụ thanh long chong đèn, trong khi giá điện tăng mà giá bán bất ngờ sụt giảm khiến nông dân ở nhiều vùng trồng thanh long đứng ngồi không yên.
Mấy ngày qua, những cơn mưa lác đác đã xuất hiện ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Ông Đoàn Trung Ngọc, nông dân trồng thanh long ruột đỏ ở Đồng Nai cho rằng việc tăng giá điện ngay trước mùa mưa như thế này sẽ khiến nhiều người không kịp trở tay. Trước đó, giá điện được thông báo tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3.
Nhiều nhà vườn thanh long chong đèn nghịch vụ gặp khó khăn khi giá điện tăng thêm 8,36%. Ảnh: N.V
|
Theo ông Ngọc giải thích, giờ mà bắt đầu chong đèn thì chừng 2 tháng nữa thu hoạch. Nhưng lúc đó thanh long chong đèn sẽ rơi vào thời điểm rộ vụ của rất nhiều loại trái cây khác, giá bán sẽ hạ xuống.
Thanh long chong đèn là làm vụ nghịch, tranh thủ trong mùa ít trái để kiếm giá bán cao. Giờ tăng giá điện thì giá thành sẽ bị đội lên. Nếu thị trường được giá, nông dân còn gỡ gạc được chứ giá xuống thì đi toi giá điện tăng thêm. Đồng tình, ông Nguyễn Văn Te, nông dân ở Bến Tre kể hiện ông đang chong đèn cho
5.000m2 thanh long ruột đỏ, chừng 10 ngày nữa là thu hoạch. Từ đầu năm, thanh long ruột đỏ được giá khiến nông dân hồ hởi. Nhưng hiện giá thanh long đang giảm thấp bất ngờ. Hiện chỉ còn 28.000 – 30.000 đồng/kg.
“Sắp tới, giá có thể giảm xuống tiếp chỉ còn 25.000 đồng/kg. Trong khi giá điện tăng từ cuối tháng 3 đang khiến nhiều người lo lắng”- ông Te nói.
Tại Bình Thuận, người trồng thanh long ruột trắng cũng rơi vào tình cảnh bất an tương tự. Hôm nay, ngày 5.4 trùng với tiết thanh minh rằm tháng 3 âm lịch. Đây là dịp nhu cầu tiêu thụ thanh long thường tăng cao, nên nhiều nông dân trước đó đã tranh thủ chong đèn để bán vào dịp này.
Tuy nhiên, giá thanh long ruột trắng hiện đã giảm đột ngột từ khoảng 18.000 đồng/kg xuống còn 12.000 đồng/kg. Không ít vườn trồng ở Bình Thuận vẫn đang chong sáng đèn vì bông còn trắng muốt.
Bà Bùi Thị Huyền, nông dân trồng thanh long ở TP.Phan Thiết cho biết, nếu tính chi phí chong điện, thanh long phải bán giá 15.000 đồng trở lên mới có lãi. Nhưng điện thì chỉ áp 1 giá, không có ưu đãi. Giá thanh long mà còn tiếp tục xuống thì vụ nghịch này không có lãi, thậm chí lỗ vốn sau khi trừ chi phí phân bón, nhân công, điện…
Lo không đạt chỉ tiêu kinh doanh
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi giá xăng dầu và điện cùng tăng, vì dây chuyền công nghệ hiện đại đi liền với tiêu tốn nhiều năng lượng.
Ông Trần Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng giá xăng dầu, nhất là giá điện tăng sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN thủy sản vì ngành này sử dụng điện rất nhiều trong khâu chế biến. Việc vận chuyển nguyên liệu thủy sản từ nơi nuôi trồng đến nhà máy, rồi vận chuyển thành phẩm từ nhà máy tới nơi tiêu thụ trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cũng làm DN thêm gánh nặng.
Bộ Công Thương là cơ quan chính thức quyết định việc tăng giá xăng dầu. Trong việc khi việc này đáng lý nên được kiểm soát bởi một ủy ban giám sát của Quốc hội thì hợp lý hơn, vì nó tác động cực kỳ mạnh mến tất cả các thành phần kinh tế”.
Ông Nguyễn Quang Thạo
|
Công ty của ông Dũng có 4 nhà máy chế biến thủy sản, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ đồng tiền điện. Với giá điện tăng như hiện nay thì mỗi tháng phải chi thêm cả trăm triệu đồng cho tiền điện. Trong khi tất cả chi phí khác cũng tăng, như nguyên liệu thủy sản (tăng 20-30%), giá xăng dầu tăng, lương công nhân, BHXH mà lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh thủy sản rất thấp, chỉ 2-3%.
Tương tự, ông Trần Tuấn Kiệt - Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Công ty Xuất khẩu gạo Louis Rice cũng tỏ ra lo lắng khi công ty ông là đơn vị chuyên thu mua, gia công, chế biến, xuất khẩu lúa gạo. Giá xăng tăng cao tới 1.484 đồng/lít như hiện nay sẽ ảnh hưởng trước hết cho người nông dân và thương lái mua lúa đem về nhà máy để gia công, rồi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẻ bị ảnh hưởng.
Theo ông Kiệt tính, lúc trước gia công gạo công ty ăn 270 đồng từ thương lái mua lúa khô về nhà máy gia công. Giờ giá điện tăng, cộng với giá xăng dầu tăng, công ty tăng giá theo thì e người ta không chấp nhận. Mà nếu khách hàng không chấp nhận, DN sẽ không đạt mục tiêu kinh doanh. Điều có thể nhìn thấy trước lúc này là lợi nhuận sẽ bị sụt giảm mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thạo – Giám đốc một DN xuất nhập khẩu trái cây tại TP.HCM thì cho rằng hai loại nhiên liệu chính phục vụ sản xuất là điện và xăng dầu cùng tăng giá quá cao như hiện nay chẳng khác nào đổ gánh nặng lên đầu toàn bộ các ngành và lực lượng sản xuất khác trong xã hội. Vì điện không chỉ liên quan đến công nghiệp mà ảnh hưởng đến toàn bộ các ngành sản xuất khác trong đó có ngành sản xuất nền tảng của đất nước là nông nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá xăng dầu, trước đó là tăng giá điện lên cao sẽ khiến sức cạnh tranh sản phẩm “made in VietNam” đi ra thế giới giảm sút. Ngay ở thị trường trong nước, các nông sản phẩm cũng phải chật vật cạnh tranh với sản nước ngoài tràn vào. Kênh đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp FDI cũng khó biết kêu ai khi chi phí tăng khiến sức cạnh tranh giảm.
Nguyên Vỹ
DÂN VIỆT
|