Thứ Hai, 08/04/2019 08:55

Tái cấu trúc công ty chứng khoán

Phượng hoàng hồi sinh hay “những con chim ẩn mình chờ chết”!?

Tái cấu trúc luôn là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp, khi mà doanh nghiệp đã đến bước đường cuối thì việc “thay máu” để chuyển mình là tất yếu. Nhưng kết quả của cuộc thay đổi ấy là chuyển mình hồi sinh hay lụn bại thì chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời.

Và tất nhiên, nhóm công ty chứng khoán (CTCK) cũng không nằm ngoài câu chuyện đó. Đâu đó trong bức tranh của khối chứng khoán, bên cạnh những ông lớn đang tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu thì vẫn còn nhiều CTCK quy mô nhỏ vật lộn với phương án tái cấu trúc để mong hồi sinh.

Có thể điểm qua một số cái tên tái cơ cấu của nhóm này như CTCK Hưng Thịnh thay máu loạt lãnh đạo, đổi tên thành CTCK CV (CVS) và đăng ký làm thành viên giao dịch trở lại, CTCK Vinaglobal “hóa thân” thành CTCK Stanley Brother (SBSI), CK Kiến thiết (VNSC) thay tên đổi chủ, đăng ký cổ phiếu lên sàn UPCoM. Và nhiều câu chuyện tái cơ cấu khác tại CTCK Thành Công, CTCK Phương Đông (ORS)...

Tái cấu trúc đương nhiên là động thái tốt đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đang rơi vào thế khó. Nguồn vốn mới, chiến lược kinh doanh mới hay đội ngũ nhân sự mới chắc chắn sẽ là yếu tố cần thiết để các CTCK tiếp tục muốn tham gia trong cuộc đua trên thị trường chứng khoán khốc liệt.

Đầu tiên, cần phải kể tới yếu tố vốn của các CTCK. Yêu cầu vốn tối thiểu để các CTCK có thể thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ, kể cả môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh là 800 tỷ đồng. Thế nhưng không có nhiều CTCK thuộc nhóm nhỏ và vừa đáp ứng được điều kiện này. Nhiều công ty có mức vốn chỉ đủ để thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành, tự doanh chứng khoán nên đành bỏ qua không ít miếng bánh ngon chẳng hạn như chứng khoán phái sinh. Vì thế mà những công ty này bị hạn chế rất nhiều về khả năng kiếm thêm nguồn thu.

Tăng vốn là giải pháp cho vấn đề. Nhưng điều đó không dễ gì khi mà nhà đầu tư không nhìn thấy được tiềm tăng của doanh nghiệp thì mấy ai chịu bỏ tiền vào đầu tư. Đơn cử trường hợp của CTCK Everest, phát hành 40 triệu cổ phiếu với mong muốn nâng vốn lên 1,000 tỷ đồng. Buồn thay, đơn vị này chỉ bán được vỏn vẹn 400 cp, mộng tăng vốn thế thôi đành tan theo mây khói.

Nói vậy không phải là tất cả đều khó khăn, đã có công ty hoàn thiện tái cấu trúc, tăng vốn thành công và bước đầu có thành quả như CTCK KB Việt Nam, CTCK Yuanta Việt Nam, CTCK Phú Hưng… Một vài Công ty khác như CTCK HFT, CTCK Funan, CTCK Kiến thiết Việt Nam cũng cho thấy dấu hiệu vượt qua cơn khốn khó.

Chia miếng nhỏ trong “chiếc bánh thị phần”, CTCK cần lối đi riêng?

Nhìn vào tình hình thị phần trên thị trường, càng thấy rõ thế khó của các công ty chứng khoán nhỏ. Năm 2018, trên dưới 70% thị phần môi giới trên sàn HOSE (con số trên sàn HNX cũng tương đương) thuộc về các ông lớn như SSI, HSC, VCSC, VND, MBS… con số này đang tăng dần qua các năm qua. Đồng thời, đó cũng đều là những gương mặt quen thuộc, nếu có thay đổi thì cũng chỉ là về thứ hạng. Chuyện có một vài cái tên mới lọt vào top thị phần cũng chỉ là hạn hữu.

Tính tới tháng 3/2019, số thành viên đăng ký giao dịch trên sàn HNX là 72, trên sàn HOSE là 73. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản là có thể thấy, tỷ lệ chọi cho miếng bánh 30% thị phần trên sàn chứng khoán phải ở mức 1:60. Khi mà khả năng “kiếm ăn” đã khó lại còn phải chia cho nhiều người, thì chẳng khác “đã nghèo lại còn mắc cái eo”.

Đó là chưa kể tới câu chuyện thương hiệu, một trong những yếu tố quan trọng liên quan tới thành bại. Việc nhiều công ty chứng khoán thay tên đổi tuổi, đổi bộ nhận diện thương hiệu chắc chắn không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Câu chuyện là: CTCK sẽ “nếm mật nằm gai” định vị thương hiệu trong lòng nhà đầu tư để đợi ngày hái quả ngọt hay đành đuối sức từ bỏ cuộc đua để rồi chuyền cơ hội vào tay các ông lớn. Rõ ràng, CTCK nhỏ cần có một giải pháp riêng trong công cuộc tái cấu trúc để hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Ở đây chỉ mới bàn đến vấn đề liệu tái cấu trúc có phải là lối thoát khả dĩ cho các CTCK, chưa bàn tới việc nếu qua khỏi thì về sau các công ty này có tăng trưởng và giành vị thế trên thị trường.

Thật khó để trả lời rằng liệu Công ty chứng khoán nhỏ thực hiện tái cơ cấu như là “Phượng hoàng lao mình vào lửa đỏ hồi sinh” hay chỉ là chuyện của “những con chim ẩn mình chờ chết”?

* Bài viết thể hiện ý kiến chủ quan của người viết.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   VGV: Báo cáo tài chính năm 2018 (05/04/2019)

>   NBT: Báo cáo tài chính năm 2018 (05/04/2019)

>   NBT: Giải trình BCTC năm 2018 (05/04/2019)

>   MBN: Báo cáo tài chính năm 2018 (05/04/2019)

>   VST: Báo cáo tài chính năm 2018 (Công ty mẹ) (05/04/2019)

>   SPC: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (05/04/2019)

>   VST: Báo cáo tài chính năm 2018 (05/04/2019)

>   RHN: Báo cáo thường niên 2018 (05/04/2019)

>   POB: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (05/04/2019)

>   NS3: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (05/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật