Nhịp đập Thị trường 11/04: Phiên chiều may mắn
VN-Index dao động ngang rồi lùi về tham chiếu, một kịch bản của phiên sáng đang lặp lại, nhưng sau đó kéo một mạch lên hơn 980 điểm và chốt cuối ngày tại 985.95 điểm, tăng 0.41% so với ngày hôm qua. Diễn biến này được lái bởi nhóm VN30, tất nhiên. Như vậy phiên hôm nay đã khép lại trong tâm lý tích cực, rủi ro thị trường suy giảm đã thấp hẳn xuống do 2 phiên trước đó chỉ số đều giảm khá mạnh.
Diễn biến trên VN30 khá tích cực trong phiên chiều, trong đó cổ phiếu gây chú ý nhều là VIC, MSN. ROS hôm nay đỏ, nhưng mức giảm thấp hơn so với đầu phiên, nói cách khác cổ phiếu này cũng được “cứu” nhưng kết quả không “đẹp” như đợt cứu ATC hôm qua. Ở chiều tăng giá, VIC đã bất ngờ tăng dần đều trong suốt gần hết thời gian rồi kéo mạnh lên 115,000 đ/cp, như vậy tăng tổng cộng gần 3%.
Vẫn chịu ảnh hưởng từ HOSE, song diễn biến trên HNX và UPCoM thì không đẹp được như sàn kia. HNX-Index cũng có khoảng thời gian khá dài ngộp trong sắc đỏ, chỉ được kéo lên vào phút chót. PHP vẫn giảm gần 7%. UPCoM-Index thậm chí còn chìm luôn gần như suốt phiên và đóng cửa giảm 0.13% về 56.49 điểm. ACV, HVN vẫn đỏ như phiên sáng, và cuối phiên chiều có thêm FOX góp mặt.
Nhà đầu tư vào nhóm thủy sản chắc mừng nhất phiên chiều nay, khi có nhiều mã tăng hơn 5% như AAM, ACL, AGF, ICF. HVG tuy chỉ giao dịch ít nhưng cũng tăng tới 6%.
Tương tự thủy sản, dệt may cũng có diễn biến tích cực trong phiên chiều. TCM đã ra tin kết quả quý 1, và giá cổ phiếu này cũng tăng nhẹ 1.7%, dù sao cũng tốt hơn nhiều so với diễn biến trong phiên sáng. VGG tăng 2.3% sau 3 phiên giảm giá trước đó.
Ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm lớn có phân hóa chiều nay. VCB vẫn giảm giá, nhưng ACB, CTG kịp quay đầu tăng giá vào cuối phiên. Tương tự bên BĐS là NLG, NTL…
Nhóm dầu khí PVN gặp rủi trong phiên chiều. đồng loạt các mã vốn hóa lớn của nhóm này như GAS, PVD, PVS, PVT giảm giá nhẹ, còn BSR, POW và OIL đứng giá. Không có Large Cap nào tăng giá.
Thông tin Canada không áp thuế tự vệ với thép HPG chưa giúp cổ phiếu này tăng giá. hôm nay HPG dao động trong phạm vi khá hẹp, kèm theo là thanh khoản thấp so với bình quân của 1 con sóng kéo dài trong 2 tháng gần nhất. Khối ngoại bán ròng nhẹ cổ phiếu này. Nhóm thép nhìn chung cũng đứng giá là chủ yếu, nhưng 2 đại gia ngành tôn là HSG và NKG lại tăng giá nhẹ.
Gắng gượng cuối phiên sáng
Với thông tin tốt đến từ sớm, cộng với đợt mở cửa rất sáng, có lẽ ít ai nghĩ VN-Index và VN30-Index lại lui về và có lúc trượt xuống dưới tham chiếu. Thực tế giữa phiên, VN-Index giảm có thể “đổ” cho hiệu ứng từ các sàn chứng châu Á khác. May thay, cuối phiên sáng nay 2 chỉ số quan trọng này đã gắng gượng hồi phục chút ít, tăng nhẹ tương ứng 0.13% và 0.12%. Các chỉ số phụ khác của sàn HOSE cũng nhờ đó tăng nhẹ, thậm chí nhóm Small Cap còn tăng tốt hơn.
Diễn biến nhóm VN30 liên tục thay đổi, nếu nhìn ở thống kê số mã tăng so với giảm giá. Đến cuối phiên sáng nay, số mã tăng giá đã quay lên con số 15, gần bằng đợt ATO (17), ngược lại số mã giảm giá lui về 9 sau khi từng đạt tới 15 mã. Nhìn chung các mã tăng giá đều có mức tăng nhẹ dưới 1%, trong khi ở phía kia, ROS vẫn đứng đầu với mức giảm hơn 3%. VCB đã bất ngờ gia nhập nhóm giảm giá từ trước 10g và kéo dài cho đến lúc này, dù lượng giao dịch rất ít.
HNX-Index hồi cuối phiên sáng nhờ ảnh hưởng từ HOSE, còn UPCoM thì có lẽ không. Chỉ số sàn này cuối phiên sáng nay còn giảm thêm về 56.48 điểm. Các mã vốn hóa lớn đang tác động tiêu cực lên UPCoM-Index có thể kể đến như ACV, HVN, LPB hay SDI.
Trong nhóm ngân hàng tuy VCB, TCB giảm giá nhưng về cuối phiên, các mã khác như ACB, BID, CTG… đều quay lại tham chiếu hoặc cao hơn, mang lại màu sắc tích cực chung cho cả nhóm.
Dệt may và nhất là thủy sản đang có nhiều mã tăng giá. ACL tăng 5.4%, thấp hơn 1 chút so với hồi đầu phiên. IDI và VHC đang trỗi dậy với mức tăng tương ứng 3.6% và 1.5% sáng nay, nhưng tạo ra chart khá đẹp. AAM sáng nay điều chỉnh giá theo tỷ lệ cổ phiếu thưởng (30%) nhưng vẫn nối đà tăng từ đầu tháng đến nay, tổng cộng +24.6% và +3.65% riêng cho sáng nay.
Nhóm BĐS dân dụng đang có diễn biến giao dịch xấu đi. Dù VIC tăng giá, nhưng rất nhiều mã đang chuyển sang đỏ như HDG, KDH, NLG, PDR… Là 2 cái tên được nhắc đến nhiều liên quan đến hơn 100 dự án BĐS bị ách tắc trên địa bàn TP.HCM, vốn vừa được phép tiếp tục triển khai, NVl vẫn giao dịch cầm chừng và giá cả đi ngang, chỉ có QCG tăng sát trần lúc đầu phiên và hiện vẫn còn tăng gần 6.4%.
VCF tăng giá 36,000 đ/cp từ cuối tuần trước đến sáng nay, tức khoảng gần 24% chỉ sau 4 phiên. Công ty vừa ra tin trả cổ tức 240% (tính trên mệnh giá) nhưng tin ra mà vẫn ít người bán, và giá vẫn tăng gần 4% riêng sáng nay.
CTD sáng nay lượng giao dịch đã “sêm sê” 2 hôm vừa qua, đi kèm với hiện tượng khối ngoại bán ròng. Sáng nay lực bán khối ngoại chiếm 2/3 tổng lượng bán, nhưng giá cổ phiếu này lúc tăng lúc giảm và hiện “về mo”. Rõ ràng đi nữa CTD vẫn là doanh nghiệp có hoạt động SXKD tốt, không rơi vào khủng hoảng hay bị thổi phồng kỳ vọng như một số đại gia khác, nên khối nội sớm phản công.
10h30: Sàn chứng châu Á “đè” VN-Index
Nhiều chỉ số chứng khoán châu Á sáng nay đỏ, có lẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Như vậy, dù đón nhận tin tốt từ Mỹ, nhưng VN-Index và nhiều chỉ số chứng khoán khác chỉ tăng từ đầu phiên, sau đó lui dần, thậm chí có chỉ số quay về dưới tham chiếu.
2 chỉ số chính của 2 sàn HNX và UPCoM đều sớm đỏ. PHP giảm giá 6.8% tác động khá mạnh lên HNX-Index. Tương tự trên UPCoM là ACV.
Trong nhóm VN30, số lượng cổ phiếu giảm giá đã tăng lên đến 15 mã, số tăng giá lui về 11. VJC đứng đầu nhóm tăng giá với mức tăng nhẹ chừng 1%. Ngược lại ROS như thường lệ vẫn luôn là cổ phiếu giảm giá nhiều nhất (trước khi được cứu tại ATC). CTD đang quay sang giảm, có lẽ do khối ngoại tăng lực bán. Nhóm ngân hàng cũng đóng góp nhiều sắc đở ở đây như VCB, TCB, VPB…
Với thông tin tốt từ nửa vòng trái đất, hôm qua FMC tăng trần. Đầu phiên sáng nay, cổ phiếu này cũng tăng thêm 4.4%, nhưng sau đó lùi dần và hiện chỉ tăng 1,4%. Cũng nằm trong nhóm tôm, MPC sáng nay tăng nhẹ 0.4% nhưng diễn biến từ giữa tháng 3 đến nay là khá tích cực, tăng nhẹ nhưng đều.
Nhóm ngân hàng bắt đầu có phân hóa. VCB bất ngờ quay đầu giảm, tiếp sau là ACB, BID, CTG… VPB vẫn gần như giữ nguyên mức giảm từ ATO đến lúc này.
Bất động sản và dầu khí cũng phân hóa rõ nét hơn. Dù 2 đầu tàu của 2 nhóm này là VIC và GAS vẫn xanh, nhưng nhiều ông lớn đứng phía sau đã chuyển sang đỏ như DIG, HDG, PVD, PVS…
ACL tăng giá sát trần với thông tin lợi nhuận tăng vọt trong quý 1 năm nay. Cổ phiếu này hiện tăng lên 42,250 đ/cp, quay lại sát mốc đỉnh lịch sử (từ khi lên sàn) 43,900 đ/cp thiết lập hồi đầu năm nay. Không chỉ ACVL, có lẽ nhóm thủy sản cá tra sáng nay nhìn chung khá tích cực, với VHC tăng 1.4%, ANV tăng 1.2%. HVG tăng trần hôm qua nhưng giờ vẫn chưa được giao dịch nên chưa biết được biến động giá.
Nhóm bảo hiểm bất ngờ chuyển sang tiêu cực, với 2 mã giảm tới hơn 5% là BIC và PGI. Ngôi sao mới nổi gần đây Bmi cũng giảm nhẹ 0.8% nhưng lượng giao dịch thấp.
Mở cửa: Tăng điểm nhờ tin tích cực từ thế giới
VN-Index mở cửa tăng điểm sau khi giảm khá mạnh chiều qua, có lẽ nguyên nhân chính là nhà đầu tư đón nhận một số thông tin tích cực liên quan đến cuộc chiến Mỹ - Trung, Fed và Brexit. Chỉ số này tăng gần 0.4% với số cổ phiếu tăng giá sàn HOSE gấp 3 số giảm giá. Nhóm VN30 cũng có số mã tăng giá nhiều gấp… 7 lần số giảm giá. Tuy vậy, mức tăng điểm của 2 chỉ số này cũng không thực sự lớn.
Ngân hàng, bất động sản, dầu khí và rất nhiều nhóm ngành khác đều có diễn biến tích cực. Tuy nhiên bảo hiểm là 1 trong những nhóm ngành “hiếm” khi toàn bộ các cổ phiếu… đứng yên sau ATO.
UBCKNN đã thông qua kế hoạch chào mua công khai GTN của VNM, thực ra tin này cũng không hề bất ngờ đối với những ai theo dõi diễn biến trước đó. Sáng nay VNM tăng giá nhẹ 300 đồng/cp và kéo dài chuỗi ngày đi ngang. Riêng GTN thì lại tăng gần 7%.
Nhiều dự án BĐS ở Tp.HCM sẽ được tiếp tục triển khai trở lại, tin này đang hỗ trợ cổ phiếu NVL, QCG và nhiều mã khác. QCG đang tăng sát trần.
Nhóm dệt may có vẻ như muốn tiếp tục thăng tiến. Tổng cục Hải quan mới công bố Top 10 xuất khẩu chủ lực trong quý 1 năm nay, và dệt may là nhóm ngành đứng thứ 2.
CTD đã tăng 1,000 đ/cp sau 2 phiên bị khối ngoại “lau sàn”. Sang nay cổ phiếu này đã quay trở lại mức 122,500 đ/cp, có vẻ như là một đợt bắt đáy sớm, bất chấp khối ngoại vẫn bán ròng.
Kế hoạch lãi khủng của DIG dường như vẫn chưa hút dòng tiền. Doanh nghiệp đã công bố kế hoạch năm nay với lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 550 tỷ đồng, tăng trưởng 28.4% so với năm 2018. Bên cạnh đó, Công ty cũng có kế hoạch chia cổ tức từ 10% đến 15% cho năm 2019. Tỷ lệ cổ tức trên thị giá hiện tại cũng đạt gần 10% là mức hấp dẫn.
Hoàng Nam
FILI
|