Lương tối thiểu có đủ sống tối thiểu?
Ông Dương Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhận định, mức lương tối thiểu năm 2020 sẽ đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu.
Quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 sẽ phải xác định rõ các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính lương tối thiểu".
|
Với mức tăng 5,3% trong năm 2019, hiện mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu này. Hội đồng Tiền lương quốc gia đang chuẩn bị họp bàn về việc tăng mức lương tối thiểu vùng vào năm sau. Việc tăng hay không tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ tiếp tục gây nhiều tranh cãi giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu
Theo ông Quảng, đầu năm 2019, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã giám sát việc thực hiện quy định về lương tối thiểu của Nghị định 141/CP về mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Qua kiểm tra, đa số các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc quy định. Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5,3% so với mức của năm 2018.
"Với mức tăng này, lương tối thiểu mới đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu. Trong bối cảnh Nghị quyết số 27/TƯ đề ra đến năm 2020 quá trình xây dựng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Năm 2019, quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 sẽ phải xác định rõ các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính lương tối thiểu", ông Quảng nhấn mạnh. Cách xác định nhu cầu sống tối thiểu từ trước tới nay vẫn dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con của người lao động.
Ông Quảng cho biết: "Chúng tôi đã có công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước phải có quy định, xác định mức sống tối thiểu, nếu không sẽ luôn gây tranh luận, không thống nhất. Với mức tăng 5,3% của năm 2019, tình hình thảo luận lương tối thiểu năm 2020 tại Hội đồng tiền lương tới đây sẽ rất căng thẳng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ mục tiêu như Nghị quyết 27 đã đề ra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động".
Nói về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp tại vùng đó được nhận. Người lao động và doanh nghiệp có thể thỏa thuận về lương, nhưng lương thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.
Để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, từ năm 2013 đến nay, hàng năm các thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh: năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%, năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, trong quá trình đàm phán, thương lượng, các bên đều đưa ra những quan điểm bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước luôn mong muốn đời sống của người lao động được cải thiện, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được duy trì, cho nên các thành viên trong các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ hỗ trợ các bên thương lượng, đạt đến điểm cân bằng, hài hòa lợi ích. Người lao động đương nhiên mong muốn được tăng lương nhiều hơn, nhưng trong điều kiện nhất định, họ cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức trước mắt, chuẩn bị cho bước phát triển tốt hơn trong tương lai.
Tiền lương phải đi theo chỉ số giá tiêu dùng
Bình luận về phiên họp tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 của Hội đồng Tiền lương quốc gia sắp tới, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, phiên họp tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ khả quan. Theo đó, các bên sẽ sớm đạt được mức tăng lương tối thiểu vùng bằng mức sống tối thiểu vùng.
"Tuy nhiên, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 có đạt mức sống tối thiểu hay không thực ra cũng không quá quan trọng. Bởi vì trên thực tế, mức thu nhập của lao động hiện nay của công nhân lao động đã tăng cao hơn cả tiền lương tối thiểu vùng. Đương nhiên, thu nhập này không đơn thuần chỉ có lương, mà đó còn thu nhập từ làm thêm giờ, từ các khoản phụ cấp khác ngoài lương", ông Huân nhấn mạnh và cho biết thêm, tăng lương tối thiểu vùng là việc làm thường xuyên, liên tục.
"Nghị quyết mới đặt ra mục tiêu tới năm 2020 mức lương tối thiểu vùng đạt được mức sống tối thiểu vùng. Nhưng sau năm 2020, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương vẫn cần phải đặt ra lộ trình tăng lương giai đoạn tiếp theo. Nếu cứ hiểu như cách nói của Nghị quyết 27 thì chúng ta sẽ nghĩ đến năm 2020 việc tăng lương tối thiểu dừng lại, nhưng thực tế không phải vậy. Kinh tế luôn tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng liên tục thay đổi, vì vậy tiền lương cũng phải đi theo các chỉ số này", ông Huân phân tích.
Theo dự đoán của các chuyên gia lao động, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 khó tăng cao như những năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, lương tối thiểu vẫn nên được điều chỉnh theo hướng tăng để tiệm cận với mức sống tối thiểu theo tinh thần của Nghị quyết số 27/TƯ. Mức tăng cụ thể phải trải qua các phiên đàm phán giữa các bên mới có thể xác định. Dự kiến, trong quý 3/2019, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tổ chức các phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020. Kết quả khảo sát lần này có thể được bổ sung vào khuyến nghị chuẩn bị cho đợt đối thoại tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.
Dũng Hiếu
VNEconomy
|