Lộ diện 10 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới
Trong năm 2018, khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào đã tăng lên mức cao nhất kể từ gần nửa thế kỷ trước.
Xu hướng này tiếp tục trong năm nay, trong đó tháng 2/2019 là tháng mua vàng mạnh nhất trong 4 tháng.
Hợp đồng vàng giao tháng 6 lùi 4.40 USD (tương đương 0.3%) xuống 1,273.20 USD/oz, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 26/12/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay mất 0.6% còn 1,266.98 USD/oz.
Sau đây, Business Insider cũng đưa ra bức tranh tổng thể về lượng vàng mà mỗi quốc gia nắm giữ tính tới đầu tháng 4/2019 (dựa trên dữ liệu có sẵn mới nhất từ Quỹ Tiện tệ Quốc tế (IMF) và Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).
10. Ấn Độ
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 608.7 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 6.4%
Khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các thị trường mới nổi muốn tăng nắm giữ vàng. Ở Ấn Độ, dự trữ vàng đã tăng dần kể từ tháng 8/2018.
9. Hà Lan
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 612.5 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 65.9%
Hà Lan cũng muốn mang dự trữ vàng trở về quê nhà trong vài năm gần đây. Trong năm 2014, Ngân hàng Trung ương Hà Lan cho biết việc hồi hương một phần vàng từ New York sẽ “có tác động tích cực tới niềm tin của công chúng”.
8. Nhật Bản
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 765.2 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 2.5%
Tỷ trọng của Nhật Bản trong dự trữ ngoại hối toàn cầu tăng lên mức đỉnh 15 năm tại mức 5.2% trong năm 2018, dựa trên dữ liệu từ IMF. Thế nhưng, vàng chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ, bằng với tỷ trọng phần trăm của Trung Quốc.
7. Thụy Sỹ
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 1,040 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 5.5%
Với dân số khoảng 8.4 triệu người, Thụy Sỹ được cho là có dự trữ vàng trên đầu người lớn nhất thế giới.
6. Trung Quốc
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 1,874.3 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 2.5%
Khi Trung Quốc theo đuổi các biện pháp kích thích để ngăn chăn đà giảm tốc của nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng dần dần tăng dự trữ vàng. Tháng 3/2019 đánh dấu tháng tăng thứ 4 liên tiếp.
5. Nga
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 2,150.5 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 19.1%
Trong một nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào tài sản Mỹ, Nga đã mua thêm vàng. Dự trữ vàng của nước này đã tăng gấp 4 trong thập kỷ vừa qua, dựa trên dữ liệu từ Bloomberg.
4. Pháp
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 2,436 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 61.1%
Năm 2018, Reuters ghi nhận Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) bắt đầu cải thiện chất lượng của dự trữ vàng. Động thái này là nhằm giúp họ giao thương trên thương trường quốc tế.
3. Ý
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 2,451.8 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 66.9%
Sau sự trỗi dậy của Phong trào 5 Sao, tương lai của vàng ở Ý dường như quá bất ổn. Trước đó trong tháng này, Ý đề xuất rằng quyền sở hữu chính thức dự trữ vàng sẽ được chuyển dịch từ Ngân hàng Trung ương Ý (BoI) sang công chúng.
2. Đức
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 3,369.7 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 70.6%
Đức đã hồi hương hàng tỷ USD vàng trong năm 2017, một động thái của các ngân hàng trung ương trong khu vực đồng Euro (Eurozone) nhằm thúc đẩy niềm tin của công chúng. Một phần dự trữ trước đó được giữ ở Paris và New York.
1. Mỹ
Lượng vàng nắm giữ chính thức: 8,133.5 tấn
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối: 74.9%
Mỹ được cho là nắm giữ dự trữ vàng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bị buộc phải giữ lượng vàng có giá trị bằng 40% tổng giá trị tiền tệ.
Vũ Hạo (Theo Business Insider)
FiLi
|