Hồi hộp chờ kết quả đàm phán Mỹ-Trung, Dow Jones tăng hơn 150 điểm
Chỉ số Dow Jones tăng điểm trong ngày thứ Năm (04/04) khi nhà đầu tư chờ đợi thông tin về thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tính tới lúc 22h45 ngày thứ Năm (04/04 – giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones 152.25 điểm (tương đương 0.58%), dẫn đầu là đà leo dốc 2.7% của cổ phiếu Boeing. Các chỉ số khác chật vật, trong đó S&P 500 tăng nhẹ 0.08%, còn Nasdaq Composite thì giảm nhẹ 0.13%.
Cổ phiếu Boeing tăng mạnh mặc dù hãng hàng không Ethiopia Airlines cho biết Công ty phải xem lại “khả năng kiểm soát” chiếc 737 Max 8. Trong tháng trước, chiếc máy bay 737 Max 8 của hãng này đã gặp tai nạn và khiến hàng trăm người thiệt hại.
Tờ The Wall Street Journal ghi nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump được kỳ vọng sẽ công bố thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó trong ngày thứ Năm (04/04), qua đó nâng đỡ tâm lý thị trường. Ông Trump còn sắp gặp Phó Thủ tướng Lưu Hạc ở Nhà Trắng trong ngày thứ Năm (04/04).
Mỹ và Trung Quốc đã áp thêm thuế lên 360 tỷ USD hàng hóa lẫn nhau trong năm 2018, làm chao đảo thị trường tài chính và gây tổn thương tới tâm lý doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Matt Lloyd, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Advisors Asset Management, hy vọng hai bên sẽ tiến tới một dạng thỏa thuận thương mại nào đó. Điều này sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu, nhưng tình trạng biến động sẽ vẫn tiếp diễn khi các vấn đề như đánh cắp sở hữu trí tuệ có thể không được giải quyết hoàn toàn.
“Thỏa thuận thương mại thực sự là hai thỏa thuận. Đầu tiên, bạn có các con số, hàng rào thuế quan và nhiều điều nữa; đó là những vấn đề dễ sửa chữa. Nhưng sở hữu trí tuệ không thể điều chỉnh ngay tức khắc. Theo tôi là cần phải mất vài năm”, Lloyd cho hay.
Những tiến triển trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy chứng khoán tăng mạnh vào đầu năm nay. S&P 500 tăng hơn 14% trong năm 2019, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng. Sự thay đổi quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng góp phần nâng đỡ giá cổ phiếu.
Fed báo hiệu sẽ không nâng lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm 2019, bỗng dưng bồ câu hơn hẳn so với dự báo nâng lãi suất hai đợt trong năm 2019. Một lý do chính dẫn tới sự thay đổi lập trường của Fed là dữ liệu kinh tế xấu đi nhiều.
Trong ngày thứ Tư (03/04), Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh đã thừa nhận Mỹ có lý do chính đáng để phàn nàn về việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và tấn công mạng. Đây sẽ là bước tiến lớn lao hướng về một thỏa thuận, nhưng cũng chưa chắc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giải quyết xung đột đủ để tạo ra một thỏa thuận.
“Đây là lần đầu tiên họ lên tiếng thừa nhận chúng ta có ý đúng về nhiều chuyện”, ông Kudlow nói với các phóng viên tại một sự kiện do tổ chức Giám sát Khoa học Người công giáo (CSM). Ông cho biết, trước đó “họ toàn phủ nhận”.
Theo thỏa thuận đề xuất, Trung Quốc sẽ hoàn tất cam kết trước năm 2025 về việc tăng cường mua hàng hóa Mỹ, bao gồm đậu nành và sản phẩm năng lượng, đồng thời cho phép các công ty Mỹ sở hữu 100% những doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc. Đây được xem là những cam kết ràng buộc có thể kích hoạt động thái đáp trả từ Mỹ nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết, dựa trên nguồn tin thân cận.
Các cam kết không ràng buộc khác mà Trung Quốc đã đề xuất triển khai trước năm 2029 sẽ không gắn liền với khả năng đáp trả của Mỹ, nguồn tin này cho biết nhưng không đề cập chi tiết.
Khung thời gian khá giới hạn đã làm dấy lên câu hỏi về chuyện thỏa thuận thương mại (nếu có) sẽ định hình lại mối quan hệ kinh tế dài hạn giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều đến đâu, chứ không phải chỉ đơn thuần phục vụ cho mục tiêu tái tranh cử của ông Trump vào năm 2020. Mặc dù đã có tiến triển, nhưng việc giải quyết các vấn đề đáng ngại hơn như chuyển giao công nghệ bắt buộc sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Mua hàng hóa Mỹ
Nhà Trắng cực kỳ tập trung vào cam kết mua hàng hóa Mỹ cho tới quý 2/2020 của Trung Quốc, trong một nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ trước ông Trump tái tranh cử vào năm 2020. Nguồn tin thân cận cho biết, vì lý do đó, Mỹ đang thúc giục Trung Quốc mua mạnh trước một lượng hàng hóa lớn trong 2 năm đầu tiên sau khi thỏa thuận được ký kết.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc chạm mức kỷ lục trong năm 2018, ở mức 419.2 tỷ USD.
Cả hai bên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất cách thức triển khai thỏa thuận, một vấn đề mà ông Lighthizer cho là vấn đề cơ bản của cuộc đàm phán. Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 2/2019, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của ông Trump cho biết Mỹ muốn có quyền đơn phương hành động đáp trả tương xứng với Trung Quốc nếu họ không tuân theo luật. Một nguồn tin cho biết Trung Quốc cho tới nay chỉ đồng ý cân nhắc về ý tưởng không đáp trả nếu Mỹ đơn phương thực hiện hành động đối với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đưa ra cam kết chính thức về chuyện không đáp trả.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|