Thứ Bảy, 06/04/2019 07:23

Hé lộ một phần nguyên nhân gây ra tai nạn máy bay Boeing 737 Max

Vào ngày thứ Năm (04/04), các nhà điều tra đã công bố bản báo cáo chính thức đầu tiên về thảm họa máy bay đã khiến 157 người thiệt mạng và tạo nên một cơn khủng hoảng cho nhà sản xuất máy bay Boeing Co. và các cơ quan quản lý trên thế giới. Theo bản báo cáo, các phi công điều khiển chiếc máy bay thuộc dòng 737 Max đã gặp tai nạn ở Ethiopia vào tháng 3 vừa qua đã gặp khó khăn trong việc điều khiển máy bay khi hệ thống an toàn tự động đẩy mũi máy bay xuống,

Vào lúc cất cánh, chiếc máy bay số hiệu ET 302 của hãng Ethiopian Airlines vẫn “rất bình thường” và sau đó “mũi máy bay liên tục trúc xuống dù không được ra lệnh”, Bộ trưởng Giao thông vận tải của Ethiopia, Dagmawit Moges, cho biết trong một Hội nghị mới diễn ra tại Addis Ababa. Các phi công trên chuyến bay đó đã tuân theo tất cả những hướng dẫn bay an toàn được Boeing đưa ra, bà Moges nói, đồng thời bà còn đề nghị nhà sản xuất máy bay này nên xem lại hệ thống của mẫu máy bay 737 Max.

Chuyến bay của hãng Ethiopian Airlines bay được khoảng 6 phút sau khi cất cánh từ Addis Ababa, sau đó đã đâm xuống đất, mọi hành khách và phi hành đoàn trên máy bay đều không sống sót. Công ty Boeing nói rằng họ đang xem xét bản báo cáo trên.

Vụ tai nạn ở Ethiopia là vụ tai nạn chết người thứ hai liên tiếp xảy ra trong vòng 5 tháng có sử dụng mẫu máy bay 737 Max 8 bán chạy nhất của Boeing, trước đó là vụ máy bay của hãng Lion Air đâm xuống biển Java của Indonesia vào tháng 10/2018 và làm thiệt mạng 189 người. Dòng máy bay trên hiện đang bị cấm bay trên toàn thế giới khi các nhà điều tra đang tìm hiểu về độ an toàn để bay và quy trình cấp giấy phép bay của nó. Tin tức mới được tung ra từ Hội nghị ngày thứ Năm này cho biết những phát hiện đầu tiên sau khi các chuyên gia từ Ethiopia, Mỹ, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) cùng tập trung về Addis Ababa để phân tích dữ liệu ghi âm chuyến bay và giao tiếp trong buồng lái của phi công.

Những chiếc máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay ở California (Mỹ) vào ngày 29/03. Nguồn: Bloomberg.

Mẫu máy bay 737 Max là thế hệ thứ 4 của dòng máy bay thương mại bán chạy nhất thế giới. Mẫu máy bay này bao gồm những tính năng mới, Hệ thống Tăng cường Khả năng Điều khiển chuyến bay, gọi tắt là MCAS – một hệ thống phòng chống việc máy bay tự ngưng hoạt động có thể đẩy mũi máy bay xuống. Hệ thống này đã bị kích hoạt trong chuyến bay chết người của hãng Lion Air xảy ra ở Indonesia 5 tháng trước.

Cơ trưởng Yared Getachew, người phụ trách chuyến bay định mệnh của hãng Ethiopian Airlines, đã có kinh nghiệm bay hơn 8,000 giờ, trong khi cơ phó Ahmed Nur Mohammod đã bay được 200 giờ.

Trên chuyến bay lúc đó có cư dân đến từ 35 quốc gia, trong đó có 32 người Kenya, 18 người Canada, 9 người Ehiopia và 8 người Mỹ. Liên Hiệp Quốc, tổ chức đang chủ trì một Hội nghị về môi trường ở Nairobi vào thời điểm xảy ra tai nạn, cho biết đã có 19 nhân viên thiệt mạng trong chuyến bay.

Mặc dù châu Phi có thành tích về an toàn hàng không nói chung kém hơn so với những tiêu chuẩn quốc tế, nhưng hãng hàng không Ethiopian Airlines được biết là có một tổ bay hiện đại vận hành những mẫu máy bay như Boeing 787 Dreamliners và mẫu máy bay mới nhất của Airbus – chiếc Airbus SE A350, cũng như mẫu máy bay 737 Max.

Hãng hàng không quốc gia này, hãng duy nhất liên tục làm ăn có lãi của châu Phi, đã biến Addis Ababa thành một trung tâm quá cảnh chính phục vụ cho các hành khách từ khắp nơi trên thế giới cho đến hàng chục thành phố khác ở châu Phi để cạnh tranh với những đối thủ khác, ví dụ như hãng Emirates có trụ sở ở Dubai.

Trước khi bản báo cáo mới được đưa ra, một vài người dân Ethiopian đã bày tỏ niềm tự hào về hãng hàng không nước nhà và cho rằng bất kỳ tội lỗi nào cũng đều thuộc về công ty Boeing.

“Chắc hẳn lỗi nằm trong phần mềm của máy bay”, Đại tá đã nghỉ hưu Tilahun Nebro, từng là phi công lái máy bay chiến đấu, cho biết trong một bài phỏng vấn tại câu lạc bộ dành cho phi công bên cạnh sân bay quốc tế Bole, nơi chuyến bay thảm họa cất cánh.

Boeing và các cơ quan hàng không đã đặc biệt quan tâm đến việc thông báo cho các hãng hàng không trên toàn thế giới cách để vô hiệu hóa hệ thống an toàn tự động của dòng máy bay 737 Max sau vụ tai nạn của hãng Lion Air.

Vụ tai nạn cũng đã làm nảy sinh nghi vấn về giấy phép bay của dòng máy bay này. Ở Mỹ, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ giấy chứng nhận mà Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cấp cho dòng máy bay Max vào năm 2017 và Bộ Tư pháp cũng đang tiến hành điều tra.

Công ty Boeing đã dành nhiều tháng trời để sửa lỗi phần mềm của dòng 737 Max kể từ khi dữ liệu thu được từ vụ tai nạn của hãng Lion Air cho thấy hệ thống ngăn chặn tự ngắt động cơ đã liên tục đẩy mũi máy bay xuống trước khi các phi công mất quyền kiểm soát máy bay. Vào lúc vụ tai nạn của hãng Ethiopian Airlines xảy ra, công ty Boeing đã sắp hoàn thành bản sửa lỗi phần mềm đó.

Các máy bay thường sẽ tăng độ cao dần dần để an toàn thoát khỏi địa hình và đạt được độ cao thích hợp để động cơ máy bay đốt cháy năng lượng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, chiếc máy bay gặp tai nạn của hãng Ethiopian tích tắc chùn xuống hai lần trong suốt 2 phút rưỡi đầu tiên sau khi cất cánh, dựa theo thông tin theo dõi chuyến bay được cung cấp trước đó bởi FlightRadar24.com. “Tốc độ bay lên của máy bay không ổn định sau khi cất cánh”, công ty này cho biết.

Trước đó, hãng hàng không Ethiopian Airlines nói rằng các phi công trong chuyến bay đã hoàn tất khóa đào tạo được yêu cầu bởi nhà sản xuất máy bay và được ban hành bởi FAA trước khi phi hành đoàn của dòng máy bay Max được phép đi vào hoạt động.

Trân Võ (Theo Bloomberg)

Fili

Các tin tức khác

>   Tập Cận Bình nói gì trong lá thư gửi tới Donald Trump? (05/04/2019)

>   CEO J.P Morgan Chase: Mỹ hoàn toàn đúng khi tranh chấp thương mại với Trung Quốc (05/04/2019)

>   Tập Cận Bình: Mỹ-Trung đạt bước tiến to lớn về thương mại (05/04/2019)

>   Ông Trump: Sẽ biết có thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung hay không trong vòng 4 tuần nữa (05/04/2019)

>   Số lượng bộ trưởng Anh từ chức vì Brexit ngày càng tăng (04/04/2019)

>   Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc có thể không ra được tuyên bố chung (04/04/2019)

>   Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hạ lãi suất (04/04/2019)

>   Nước cờ lạ của Toyota khi 'cho không' bằng sáng chế xe hybrid (04/04/2019)

>   Trung Quốc đề xuất thêm biện pháp kích thích để thúc đẩy nhu cầu nội địa (04/04/2019)

>   ADB: Kinh tế châu Á sẽ bị chững lại trong năm 2019 (04/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật