Doanh nghiệp dệt may kêu phiền phức, tăng chi phí kiểm định
Bộ Công thương cho biết đã mở chuyên mục riêng để giải đáp thông tư 21/2017 về kiểm tra hàm lượng formaldehyd và amin thơm với sản phẩm dệt may, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn kêu về sự phức tạp và tốn kém chi phí từ hoạt động này.
Kho hàng của Công ty Cổ phần Vận tải và dịch vụ hàng hải được nhân viên kiểm đếm. Ảnh công ty cung cấp
|
Phản ánh đến báo Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ hàng hải (TP.HCM) cho rằng thông tư 21 thay đổi phương thức quản lý, kiểm tra hàm lượng formaldehyd và amin thơm so với trước, theo hình thức hậu kiểm.
Tuy nhiên, cách quản lý mới này lại làm phát sinh nhiều vấn đề, gây nhiều khó khăn và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vẫn kêu không cải tiến
Theo đại diện công ty nói trên, những sản phẩm dệt may được công ty kinh doanh là hàng thời trang theo mùa nhất định.
Nhưng từ khi hàng nhập về đến khi đưa đi kiểm định tại các trung tâm và làm hợp quy sản phẩm, thường phải mất 2-3 tuần mới xong để đưa ra thị trường tiêu thụ.
"Trước đây thời gian lưu kho chỉ mất khoảng 10 ngày nhưng với cách thức quản lý mới, từ khi hàng nhập về đến khi sản phẩm ra thị trường tiêu thụ mất khoảng 1 tháng vì kiểm định hàng theo lô xong thì phải dán nhãn, dán tem mấy chục ngàn cái.
Điều này dẫn tới sản phẩm bán ra thị trường chậm, trong khi nhu cầu thị trường theo mùa, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp" - đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Đại diện công ty nói trên cho biết đã liên hệ trực tiếp với Sở Công thương TP.HCM và đơn vị này trả lời rằng việc miễn giảm kiểm tra chỉ ở khâu thông quan với hải quan, còn hàng đưa ra thị trường vẫn phải đảm bảo yêu cầu kiểm định và dán tem CR.
Thực tế theo doanh nghiệp này, một bộ hợp quy sản phẩm dệt may đòi hỏi rất nhiều chứng từ. Hàng thời trang có nhiều mẫu mã, sản phẩm nên doanh nghiệp phải thuê thêm nhân công, thời gian làm kiểm định và dán tem tăng gấp đôi khiến chi phí tăng gấp 3-4 lần.
Đối với việc kiểm tra theo lô, doanh nghiệp cho biết Bộ Công thương đã có hướng dẫn cụ thể thế nào là lô hàng. Theo đó, lô hàng hóa đăng ký công bố hợp quy không gắn với khái niệm lô hàng làm thủ tục nhập khẩu.
Vì vậy khi đánh giá công bố theo lô, doanh nghiệp có thể thực hiện đánh giá các lô nhập khẩu cùng một lần cho một lô công bố hợp quy.
Tuy nhiên, trên thực tế một số trung tâm kiểm định vẫn yêu cầu với từng lô hàng nhập về sẽ phải làm kiểm định. Yêu cầu này là do chính văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương quy định hồ sơ để làm hợp quy phải gồm có các tờ khai hải quan (theo từng lô), các chứng từ nhập khẩu (bill) là đại diện từng lô!
Doanh nghiệp nói trên cho rằng việc kiểm định hàm lượng formaldehyd và amin thơm đã được doanh nghiệp đấu tranh rất nhiều để sửa đổi. Nhưng trên thực tế cách quản lý mới vẫn không cải thiện, mà phát sinh thêm thủ tục nhiều hơn trước.
Thực tế cho thấy kết quả kiểm tra hàm lượng formaldehyd do các cơ quan kiểm định thực hiện phát hiện các sản phẩm vượt chỉ tiêu hàm lượng rất thấp, còn lại đều đạt theo quy định.
Trong khi hàng hóa nhập lậu, hàng chợ được bày bán nhiều trên thị trường đều không có tem nhãn hợp quy CR, nên doanh nghiệp cho rằng hiệu quả quản lý của quy định là không cao. "Nhà nước đánh vào hàng cao cấp, chính thức nhưng hàng lậu, hàng kém chất lượng đâu có quản lý được.
Những quy định pháp luật đánh vào việc làm ăn chính thống, đàng hoàng, những thương hiệu thời trang lớn hoặc sản phẩm thời trang đã có chỗ đứng trên thị trường cả chục năm nay, thực sự là không hiệu quả" - doanh nghiệp này nhìn nhận.
Bộ vẫn "đang lắng nghe và tháo gỡ"
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những phản ánh của doanh nghiệp nói trên, ông Trần Việt Hòa - vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) - cho biết với những phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến thông tư 21, bộ đã có giải đáp và trả lời thỏa đáng bằng văn bản.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cung cấp thêm thông tin về việc quản lý sản phẩm dệt may theo thông tư 21, bộ cũng đã mở cổng giải đáp, trao đổi thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương.
"Tinh thần của Bộ Công thương là cầu thị và lắng nghe nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu xã hội và bảo vệ người tiêu dùng" - ông Hòa khẳng định, nhưng không trả lời về những bất cập liên quan đến việc kiểm tra theo lô và định hướng sửa đổi, điều chỉnh thông tư 21 cho phù hợp với thực tiễn mà doanh nghiệp đặt ra.
Bộ cải tiến, doanh nghiệp kêu "cải lùi"!
Trước đó, ngày 20-3, báo Tuổi Trẻ đã có bài viết Bộ Công thương cải tiến kiểm tra hàm lượng formaldehyd: doanh nghiệp kêu "cải lùi" phản ánh thực trạng sửa đổi thông tư 21/2017 khi thực thi gặp nhiều bất cập.
Theo đó, quy định kiểm tra theo lô đang có nhiều cách hiểu khác nhau ở các trung tâm kiểm định, dẫn tới chi phí thực hiện tăng cao, thời gian kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
|
Ngọc An
Tuổi Trẻ
|