ĐHĐCĐ TCM: “Kết quả năm 2019 sẽ cao hơn kế hoạch đề ra”
Sáng 12/04, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) đã tổ chức và thông qua kế hoạch doanh thu đạt 3,952 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế đạt 242 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện năm 2018.
“Kết quả năm 2019 sẽ cao hơn kế hoạch đề ra”
HĐQT TCM cho rằng, năm 2019 được dự báo thách thức khó khăn hơn nhiều so với năm 2018 do kinh tế toàn cầu đang chậm lại cùng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn tiếp diễn chưa có điểm dừng, có tác động giảm cầu hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng dệt may giảm thấp hơn so mức tăng trưởng năm 2018.
Ngoài ra, một số khó khăn từ 2018 mà các doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục đối mặt trong năm 2019 là sự cạnh tranh giá với các quốc gia được ưu đãi thuế nhập khẩu dệt may vào EU, Hoa Kỳ, cùng với chính sách bảo trợ ngành dệt may các nước trong khu vực như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ.
Theo đó, HĐQT TCM đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2019 khá thận trọng với mục tiêu doanh thu là 3,952 tỷ đồng, chỉ tăng 8% so với thực hiện được năm 2018, và kỳ vọng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 242 tỷ đồng, giảm 7% so với kết quả năm 2018.
Hiện tại, khả năng vận hành của nhà máy là 100%, trong trường hợp nếu nhận đơn hàng nhiều hơn, TCM sẽ chuyển đơn hàng ra bên ngoài để sản xuất.
Về kết quả kinh doanh trong quý 1/2019, TCM ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 41 triệu USD và gần 3 triệu USD, tăng 14% và 34% so với quý 1/2018.
Với kết quả tăng trưởng tích cực như vậy, ông Lee Eun Hong – Tổng Giám đốc TCM cho biết: “Việc đặt kế hoạch thấp hơn cho năm 2019 chủ yếu là do TCM đang trong quá trình tái cấu trúc biên lợi nhuận từ khách hàng, chuyển từ khách hàng có biên lợi nhuận thấp sang khách hàng có biên lợi nhuận cao hơn. Mặc dù vẫn chưa có cơ sở để khẳng định được mức tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế trong năm 2019 sẽ là 34% như trong quý 1/2019, nhưng ông tin rằng kết quả kinh doanh năm 2019 sẽ cao hơn kế hoạch đã đề ra”.
Trích lập dự phòng khoản phải thu từ Sears là 78 tỷ đồng
Trong năm 2018, TCM ghi nhận doanh thu thuần hơn 3,662 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch đề ra và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt hơn 259 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch năm, đồng thời lần lượt tăng 14% và 35% so với năm 2017.
Sau chiến lược cắt giảm hơn 50% doanh thu hiện tại từ mặt hàng sợi nhằm phục vụ chuỗi sản xuất khép kín trong nội bộ, TCM đã gia tăng đơn hàng từ các sản phẩm có giá trị tăng cao là áo và vải.
TCM cho biết trong năm 2018, Công ty đã đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng giá trị hơn 166 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào mua máy móc thiết bị cho ngành sản xuất đan kim, nhuộm, dệt và may với số tiền chiếm tỷ lệ 52% trên tổng giá trị đầu tư.
Nói về sự cố phá sản của Sears – khách hàng lớn của TCM, đóng góp khoảng 7% doanh thu hàng năm cho TCM thông qua hai công ty con là Roebuck và Kmart, bà Nguyễn Minh Hảo - Kế toán trưởng cho biết, Công ty đã trích lập dự phòng cho khoản phải thu là 78 tỷ đồng và phải chờ đến ngày 15/04 khi Sears nộp đơn phá sản cho Tòa án Mỹ thì TCM mới có thể lên kế hoạch thu nợ Sears cụ thể.
Tăng vốn điều lệ từ 542 tỷ đồng lên 580 tỷ đồng
Tại Đại hội, cổ đông cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 với tỷ lệ chia cổ tức là 12% trên mệnh giá, trong đó 5% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được nhận 7 cổ phần).
Theo đó, với hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông, TCM dự kiến sẽ phát hành thêm 3.8 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị thanh toán theo mệnh giá gần 38 tỷ đồng.
Nguồn chi trả sẽ được lấy từ 259 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển tại thời điểm 31/12/2018 trên báo cáo tài chính riêng.
Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu thưởng dự kiến tăng từ 542 tỷ đồng lên 580 tỷ đồng.
Phần thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của TCM
|
Chưa thể nới room cho nhà đầu tư nước ngoài nếu vẫn giữ ngành bất động sản
Trước thắc mắc của cổ đông về dự án bất động sản TC1 vẫn chưa được hoàn thành và việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Trần Như Tùng – thành viên HĐQT TCM giải thích: “Dự án này được thực hiện theo hình thức là TCM góp đất và nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp tiền để thi công xây dựng. Cách đây 3 tháng, TCM đã gửi hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nhằm điều chỉnh lại giấy phép đầu tư vì giấy phép này đã được cấp cách đây vài năm và đã qua thời hạn đầu tư để nguồn tiền từ nước ngoài có thể chuyển về góp vốn. Đồng thời, hiện tại, tất cả các dự án bất động sản tại TPHCM đều phải dừng lại do vừa qua, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban đã cho rà soát tất cả các dự án nên dẫn đến việc chậm trễ. Nếu như tất cả các thủ tục pháp lý được hoàn tất, dự án sẽ hoàn thành được vào cuối năm nay”.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng cho biết, “HĐQT vẫn chưa thể nới room cho nhà đầu tư nước ngoài vì còn vướng ngành bất động sản. Nếu muốn nới room mà vẫn giữ ngành bất động sản, Công ty phải xin lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và phải có sự chấp thuận của UBCKNN mới có thể nới room được”.
Thành viên HĐQT độc lập TCM do E-land đề cử
Với việc cổ đông lớn E-land Asia Holdings Pte.,Ltd (nắm giữ hơn 23 triệu cổ phần TCM với tỷ lệ sở hữu là 43.24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) đề cử ông Uông Tiến Thịnh và bà Ngô Thị Hồng Thu là ứng viên thành viên HĐQT độc lập.
Thành viên HĐQT độc lập mới của TCM ra mắt ĐHĐCĐ
|
Theo đó, ĐHĐCĐ cũng đã nhất trí bầu ông Uông Tiến Thịnh và bà Ngô Thị Hồng Thu giữ vị trí thành viên HĐQT độc lập tại TCM nhiệm kỳ mới.
Ái Minh
FILI
|