Thứ Hai, 29/04/2019 10:01

ĐHĐCĐ May Việt Tiến: Không đánh giá cao lợi ích từ các hiệp định thương mại mang lại

Ngày 27/04/2019, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG), những nguyên nhân khiến Công ty đặt kế hoạch đi lùi là vấn đề được quan tâm nhất.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của VGG được tổ chức vào sáng ngày 27/04/2019.

Vì đâu đặt mục tiêu 2019 giảm?

ĐHĐCĐ đã nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng doanh thu đạt 8,800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 380 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 8% so với thực hiện năm 2018.

Giải thích về việc Công ty đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2019, ông Bùi Văn Tiến – Tổng Giám đốc VGG cho biết:

“Các hiệp định thương mại được ký kết chưa có tác động tích cực, vẫn còn mù mờ vì căn bản Việt Nam không có nguyên liệu, vẫn chỉ là gia công. Hay nói cách khác, VGG được nâng cấp lên FOB (miễn trách nhiệm) nhưng cũng phải do sự chỉ định của khách hàng, phải mua ở nước ngoài là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Do đó, Công ty chưa có sự đánh giá cao đối với tác động tích cực từ các hiệp định mang lại.

Đồng thời, sự cạnh tranh giữa Indonesia và Bangladesh ngày càng rõ nét và đầy thách thức đối với Việt Nam, bởi chi phí lao động ở Bangladesh cực kỳ rẻ, chỉ ở mức 50 USD trong khi chi phí tại Việt Nam là 400 USD. Dân số tại Indonesia khoảng 250 triệu người và nhiều nhà máy được thành lập tại đây.

Sắp tới lương tối thiểu có xu hướng sẽ tăng, người lao động tại Việt Nam sẽ có tâm lý muốn mức lương cao hơn, cùng với sự biến động lao động do xuất khẩu lao động. Chi phí lao động tăng cùng với chi phí nguyên vật liệu như điện, xăng dầu đều tăng sẽ khiến các doanh nghiệp ngành dệt may càng gặp nhiều khó khăn, từ đó hiệu quả hoạt động sẽ giảm.

Riêng thị trường Nhật Bản dự báo sẽ mất 30% đơn hàng, trong khi thị trường Mỹ chưa ổn định và châu Âu chưa hồi phục. Nên đến hiện tại, hiện tượng gia công và gia công lại rất nhiều bởi nguồn nguyên liệu không chủ động, và phương thức của khách hàng hiện nay là bán hàng được thì mới đặt hàng sản xuất. Nếu thấy hàng tồn, khách hàng sẽ yêu cầu dừng đơn hàng”.

Không đánh giá cao lợi ích từ các hiệp định thương mại được ký kết

Nói thêm về ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh 2019, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch HĐQT VGG chia sẻ:

“Các nhà đầu tư nghĩ rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội nhưng phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa được đầu tư phát triển kịp với các hiệp định thương mại mà Nhà nước đã ký.

Trong đó, hiệp định CPTPP đòi hỏi giá forward từ sợi, nhuộm, dệt và may tại Việt Nam thì mới được hưởng lợi thế từ thuế quan. Và hiệp định ký với EU cũng đòi hỏi vải phải được sản xuất tại Việt Nam. Đây là vấn đề thách thức thứ nhất.

Thách thức thứ hai là năm 2019, các nước nhập khẩu trong hiệp định thương mại CPTPP, thị phần của VGG tại Nhật Bản là trên 31%, nhưng tổng quan toàn ngành chỉ đạt 19.5%, còn thị phần nhập khẩu tại các nước trong thành viên CPTPP như Canada, Newzealand, Úc lại rất nhỏ. Mexico cũng là nước sản xuất dệt may, cạnh tranh cực kỳ lớn. Như vậy, các hiệp định thương mại không mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam vì phân khúc của Việt Nam rất nhỏ.

Thứ ba, kết cấu thị trường thay đổi nhanh của ngành dệt may toàn cầu không chỉ riêng Việt Nam, khi thời tiết thay đổi, các đơn hàng có thể dừng lại ngay lập tức, sức mua giảm, mối quan hệ giữa các nước nhập khẩu và xuất khẩu nếu có các vấn đề vướng mắc, đơn hàng cũng sẽ giảm. Cho nên ngành dệt may hiện tại phải thích ứng so với trước rất nhiều, phải phản ứng nhanh mới có thể bắt kịp.

Hiện tại, các đơn hàng tại Việt Nam đã dần chuyển dịch sang Bangladesh nhờ chi phí lao động giá rẻ thấp hơn Việt Nam 2.5 lần”.

Chia cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 35%/vốn điều lệ

Năm 2018, nhờ nắm bắt được cơ hội, VGG ghi nhận tổng doanh thu đạt 9,712 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017 và vượt 16% kế hoạch năm.

Đồng thời, lợi nhuận trước thuế đạt 414 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017 và vượt 15% kế hoạch đề ra.

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu năm 2018 của VGG, thị trường Nhật Bản chiếm 33% (tăng 3%), thị trường Mỹ chiếm 21% (giảm 4.5%), thị trường EU chiếm 14% (giảm 18%) và các thị trường khác là 32% (tăng trưởng 10.3%).

Trong năm qua, VGG đã triển khai giai đoạn 2 dự án Việt Long Hưng tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang với quy mô hơn 10,000 lao động.

Với lợi nhuận sau thuế đạt gần 338 tỷ đồng, ĐHĐCĐ đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2018 cho cổ đông là 35%/vốn điều lệ, tương đương số tiền hơn 154 tỷ đồng.

Đồng thời, Công ty cũng sẽ trích lập 25% vào quỹ đầu tư phát triển (hơn 84 tỷ đồng), và 20% vào quỹ khen thưởng phúc lợi (68 tỷ đồng), 5% sẽ được trích vào quỹ khen thưởng theo hiệu quả kinh doanh (17 tỷ đồng).

Ái Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Bamboo Airways liên tục đón máy bay mới trước thềm nghỉ lễ (28/04/2019)

>   Chủ tịch PNC: "Lợi nhuận trong năm 2019 sẽ đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi" (27/04/2019)

>   VPI: Đại gia ngàn tỷ báo doanh thu quý 1 chỉ hơn 2 tỷ, thực hiện 0.5% kế hoạch lãi (28/04/2019)

>   Quý cuối cùng trên sàn HOSE, PPI báo lỗ thêm 26 tỷ đồng (27/04/2019)

>   Lợi nhuận của HBC tiếp tục đi lùi (27/04/2019)

>   Quý 1/2019, doanh thu hợp nhất của BVH ước đạt 10,297 tỷ đồng (27/04/2019)

>   HUT lỗ quý thứ 2 liên tiếp, còn bao xa để đón đỉnh cao từ đáy vực? (28/04/2019)

>   Lần đầu tiên từ khi niêm yết, NKG kinh doanh dưới giá vốn (27/04/2019)

>   FPT: BCTC quý 1 năm 2019 (26/04/2019)

>   FPT: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2019 (26/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật