ĐHĐCĐ CSV: Đã có địa điểm di dời 3 nhà máy, dự kiến giảm cổ tức 2019 để có tiền di dời
Sáng ngày 24/04/2019, CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam (HOSE: CSV) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 và thông qua nội dung được nêu trong các tờ trình tại Đại hội.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CSV được tổ chức vào sáng ngày 24/04/2019
|
“Có nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội”
Nói về những khó khăn và thuận lợi của ngành sản xuất hóa chất cơ bản, ông Lê Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT CSV cho biết: “Hiện tại, nhiều sản phẩm hóa chất cơ bản vẫn còn phải nhập khẩu và ngành nghề sản xuất sản phẩm hóa chất cơ bản trong nước còn phát triển chậm, quy mô không lớn và manh mún.
Thêm vào đó, để đầu tư sản xuất hóa chất cơ bản phải tốn chi phí rất lớn nhưng hiệu quả và lợi nhuận thu về không nhiều, cũng như vấn đề nguy hiểm, độc hại, ảnh hưởng đến môi trường là điều không thể tránh khỏi.
Đồng thời, Công ty cũng đang nằm trong danh sách phải di dời 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Vấn đề di dời không hề đơn giản vì cần phải có tiền vốn, địa điểm và rất nhiều thứ khác liên quan. Và do đó, với hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất cơ bản, Công ty sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức kéo dài trong năm nay và ít nhất 5 năm nữa”.
Tuy nhiên, trước việc những sản phẩm hóa chất của Trung Quốc đang khan hiếm vì hàng loạt các nhà máy hóa chất tại Trung Quốc bị đóng cửa để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nếu Việt Nam vẫn đảm bảo việc sản xuất hóa chất cơ bản tốt và không gây ô nhiễm môi trường thì đây sẽ là cơ hội cho sản phẩm hóa chất cơ bản của Việt Nam lên ngôi ở thị trường nội địa.
Từ ngày 24/12/2018, Cục Hóa chất (trực thuộc Bộ Công thương) đã hủy bỏ, bãi bỏ 24 thủ tục hành chính, công bố ban hành mới 18 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất. Đây là những thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu hóa chất. Từ đó giúp rút ngắn thủ tục, tạo thuận lợi và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia cho ngành.
Với những thuận lợi và khó khăn trên, CSV đặt ra mục tiêu đi lùi cho năm 2019 với tổng doanh thu tiêu thụ hợp nhất đạt 1,466 tỷ đồng, giảm 8% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến ở mức 293 tỷ đồng, cũng giảm 8% so với thực hiện được năm 2018. Ngoài ra ông Hùng cũng cho biết: “Với giá điện tăng lên 8.5%, dự kiến lợi nhuận trong năm 2019 sẽ giảm từ 10 tỷ đồng đến 12 tỷ đồng. Điện tiêu thụ nhiều nhất là khâu sản xuất Xút. Nhưng 2019, Ban lãnh đạo vẫn dự kiến lãi trước thuế từ 290 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng. Vì sản lượng sản xuất có thể tăng lên được và dự kiến đầu tư bình điện phân công suất 10,000 tấn NaOH 100%/năm thay thế 2 bình điện phân DD350 nên sản lượng có thể tăng lên 5,000 tấn Xút/năm. Đồng thời, khấu hao giảm, giá điện tăng nên giá bán có thể điều chỉnh tăng.
Hiện tại CSV chưa nhận được thông báo chính thức thoái vốn của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam tại CSV từ 65% xuống còn 51%, nhưng việc thoái vốn là chắc chắn vì việc tái cấu trúc của Tập đoàn phải hoàn tất đến năm 2020”.
Ngừng thoái vốn tại CTCP Phốt Pho Việt Nam vì không minh bạch
Nói thêm về việc HĐQT CSV đã quyết định sẽ thoái vốn tại CTCP Phốt Pho Việt Nam vì cần vốn để di dời 3 nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 nhưng không thực hiện, ông Hùng lý giải: “Trong năm 2017, Công ty dự báo tình hình hoạt động của CTCP Phốt Pho Việt Nam trong năm 2018, năm 2019 và những năm tiếp theo gặp nhiều khó khăn nên sau khi được sự chấp thuận của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam về việc thoái vốn tại CTCP Phốt Pho Việt Nam, HĐQT CSV đã tiến hành thuê các đơn vị tư vấn để định giá phần vốn góp 65% của CSV tại Phốt Pho Việt Nam. Sau khi có chứng thư thẩm định giá, CSV tiến hành thủ tục đấu giá phần vốn góp này. Theo quan điểm của Ban lãnh đạo Công ty, việc thoái vốn phải được đấu giá công khai trên sàn để thu tiền minh bạch, rõ ràng. CSV đã gửi văn bản cho UBCK xin đấu giá công khai trên sàn nhưng không được chấp thuận vì CTCP Phốt Pho Việt Nam không đủ tiêu chuẩn để đấu giá trên sàn do Công ty này chưa phải là CTCP Đại chúng vì không đủ số lượng 100 cổ đông góp vốn".
Đã tìm được địa điểm để di dời 3 nhà máy
Về việc di dời 3 nhà máy, hiện tại CSV đã có phương án về địa điểm tại 18 ha đất tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai. Tổng số tiền thuê đất hạ tầng là 418 tỷ đồng. Hiện tại Công ty đã thanh toán trên 100 tỷ đồng.
Về tiến độ, UBND tỉnh Đồng Nai muốn giữ lại khu công nghiệp Biên Hòa để chuyển đổi mục đích từ năm 2007 và yêu cầu Công ty di dời chậm nhất là năm 2022. Công ty đang ráo riết triển khai việc di dời và kỳ vọng năm 2019, Ban lãnh đạo sẽ có báo cáo chi tiết được cơ quan chức năng phê duyệt cho các cổ đông.
Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng chưa có văn bản cụ thể về việc đền bù, giải quyết hậu quả di dời và các chính sách chế độ có liên quan. Do đó, nguồn tiền di dời sẽ được trích từ các nguồn quỹ khác như quỹ khen thưởng phúc lợi hoặc thay vì trả cổ tức khoảng 20% như mọi năm thì Công ty sẽ giảm xuống tỷ lệ năm 2019 bằng mức lãi suất ngân hàng hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để giữ số tiền còn lại phục vụ cho việc di dời.
Theo CSV, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các dự án được chuyển tiếp với giá trị kế hoạch đầu tư hơn 233 tỷ đồng. Cụ thể, CSV sẽ đầu tư bình điện phân công suất 10,000 tấn NaOH 100%/năm thay thế 2 bình điện phân DD350 tại nhà máy hóa chất hóa chất Biên Hòa với giá trị đầu tư gần 28 tỷ đồng.
Ngoài ra, CSV cũng chuẩn bị đầu tư dự án nhà máy hóa chất Nhơn Trạch với tổng giá trị gần 8 tỷ đồng.
Chia cổ tức năm 2018 là 36%
Nhìn chung, Công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018. Về doanh thu thuần hợp nhất năm 2018 cao hơn năm 2017 là 8.33% đạt 117% so với kế hoạch.
Riêng lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ đạt hơn 318 tỷ đồng, tương ứng 112% so với kế hoạch năm 2018. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 254 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2017.
Với kết quả này, ĐHĐCĐ đã đồng ý thông qua phương án phân phối lợi nhuận trong năm 2018, chia cổ tức theo tỷ lệ 36%/vốn điều lệ, tương đương với số tiền hơn 159 tỷ đồng và trích lập gần 98 tỷ đồng vào các quỹ của Công ty.
Khang Di
FILI
|