ĐHĐCĐ 2019: Dự kiến đầu tư tàu chở dầu, PJT đặt mục tiêu lãi ròng giảm 12%
Sáng ngày 05/04, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CTCP Vận tải xăng dầu đường thủy Petrolimex (HOSE: PJT) đã được tổ chức và đi đến thống nhất các vấn đề quan trọng. Trong đó, việc Công ty đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2019 đi lùi so với thực hiện năm 2018 chính là vấn đề cổ đông đặc biệt quan tâm trong Đại hội lần này.
Sản lượng và doanh thu cao nhưng lợi nhuận sau thuế không tăng tương ứng
Ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE: PLX)
|
Phát biểu tại Đại hội PJT, ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE: PLX) cho biết: “Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chính thức đi vào hoạt động trong năm 2018 đã thay đổi cán cân của Công ty. Trước đây, tỷ trọng nhập khẩu của Tập đoàn là 60%, mua nội địa từ nhà máy Dung Quất là 40%. Từ năm 2018 và những năm sau, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cam kết mua hàng từ nhà máy Nghi Sơn và nhà máy Bình Sơn, chính vì thế cán cân của Công ty cũng thay đổi, thay vì 60% và 40% thì Tập đoàn sẽ chuyển sang 70% mua từ nội địa và 30% nhập khẩu. Đây được xem là thế mạnh cho PJT, do đó Công ty cần phải đổi mới đội tàu để đáp ứng yêu cầu của nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất. Với vai trò là khách hàng lớn và cổ đông của PJT, Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa các hoạt động vận tải trong nước để Công ty hoạt động tốt trong năm 2019 và những năm tiếp theo”.
Mặc dù có được những cơ hội tương đối khả quan nhờ Tập đoàn, song HĐQT PJT vẫn khá dè chừng khi đề ra mục tiêu kinh doanh đi lùi cho năm 2019 với doanh thu gần 598 tỷ đồng và hơn 32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 6% và 12% so với thực hiện được trong năm 2018.
Nói thêm về nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo, PJT sẽ tiếp tục duy trì và tổ chức hệ thống kinh doanh của Công ty trên 3 lĩnh vực chính là vận tải, thương mại và dịch vụ sửa chữa, đóng tàu, gia tăng thị phần và tỷ trọng của các lĩnh vực.
Ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT PJT
|
Giải đáp thắc mắc của một cổ đông về việc “kế hoạch 2018 đã thực hiện tốt hơn kế hoạch năm 2017, nhưng Công ty lại đề ra kế hoạch 2019 tương đối thấp", ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT PJT chia sẻ: “Doanh thu và sản lượng trong kế hoạch năm 2019 không thấp nhưng lợi nhuận không tăng tương ứng vì sự ra đời của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã tác động đến Tập đoàn và các công ty vận tải ven biển, theo đó có sự xáo trộn trong việc tổ chức lại đội tàu vì nguồn hàng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn còn nhiều biến động. Chi phí ở 2 đầu cảng sẽ vẫn cố định, trong khi quãng đường di chuyển của PJT lại ngắn hơn cùng với yêu cầu của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đòi hỏi tàu chở phải mới nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế sẽ làm tăng chi phí.
Đồng thời việc đặt kế hoạch năm 2019 vẫn chưa tính đến kết quả của việc đưa con tàu 2,000T đi vào hoạt động. Nếu con tàu này mang lại doanh thu và sản lượng tốt thì lợi nhuận cũng chưa chắc tăng tương ứng vì Công ty phải trả chi phí lãi vay cho việc đầu tư tàu mới.
Ngoài ra, theo số liệu sơ bộ, ông Khoa cho biết, sau quý 1/2019 với điều kiện thuận lợi, Công ty ghi lợi nhuận gần 9.8 tỷ đồng, nếu như không có gì thay đổi, ước tính cả năm 2019, Công ty sẽ thu về gần 40 tỷ đồng.
Đầu tư không quá 9 triệu USD cho tàu biển chở dầu
Tại Đại hội, cổ đông đã nhất trí thông qua tờ trình về dự án đầu tư 1 tàu biển chở dầu nhằm mục tiêu thay thế những tàu đã già cũ và không được thị trường chấp nhận với trọng tải tàu dưới 10,000 DWT và giá trị đầu tư không vượt quá 9 triệu USD.
Trong đó, Công ty dự kiến tối thiểu 20% tổng giá trị đầu tư là vốn đầu tư của chủ sở hữu và không quá 80% là vốn vay ngân hàng.
Hiện tại, Công ty có 7 con tàu nhưng đang phải trả lãi vay cho 3 con tàu với số tiền tương đương gần bằng vốn điều lệ xấp xỉ 150 tỷ đồng, để trả hết số tiền vay, nhanh nhất phải mất 5 năm nữa, nếu lâu hơn thì phải đến 20 năm.
Tuy đặt kế hoạch đầu tư tàu chở dầu, nhưng trước sự thay đổi nhanh và phức tạp của thị trường, và nguồn hàng biến động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cũng như gánh nặng chi phí lãi vay, Công ty vẫn chưa chắc chắn việc đưa con tàu chở dầu đi vào hoạt động sẽ mang lại kết quả cao về lợi nhuận cho Công ty.
Theo đó, để hạn chế rủi ro từ lãi vay, Công ty hướng đến mục tiêu nâng quy mô vốn điều lệ lên mức 200 – 250 tỷ đồng và đầu tư mới với giá trị từ 250 – 300 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 – 2021 cho nhu cầu đổi mới đội tàu.
Ngoài ra, với lợi nhuận sau thuế hơn 36 tỷ đồng, Công ty sẽ chi trả cổ tức năm 2018 cho cổ đông theo tỷ lệ 15%, tương đương số tiền hơn 23 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2019, Công ty sẽ giảm tỷ lệ cổ tức xuống còn 12%.
Ái Minh
FILI
|