Thứ Năm, 25/04/2019 06:43

Cưỡng chế thu hồi phí bảo trì chung cư

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: "Nhiều chủ đầu tư thậm chí chấp nhận nộp phạt để trì hoãn, kéo dài thời gian bàn giao nhằm chiếm dụng khoản kinh phí bảo trì chung cư"

Ngày 24-4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay; những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ.

Hà Nội, TP HCM có 458 vụ tranh chấp

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết tổng hợp số liệu của 40 địa phương có báo cáo đến thời điểm 31-3 cho thấy 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại. Đáng chú ý, các vụ khiếu nại, tranh chấp chủ yếu xảy ra tại TP Hà Nội và TP HCM với 458 vụ tranh chấp, khiếu nại.

Chung cư The Rubyland (quận Tân Phú, TP HCM) từng xảy ra tranh chấp kéo dài liên quan đến quản lý vận hành chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong đó, vấn đề tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung chiếm đa số. Cụ thể: Chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị; các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị; số lượng nhà chung cư mà chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư; số lượng nhà chung cư mà chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác; số lượng nhà chung cư mà chủ đầu tư không công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.

Sẽ giảm số năm thu phí bảo trì

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết những tranh chấp liên quan đến việc chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao số kinh phí bảo trì cho ban quản trị chiếm đến 79%. Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư có trách nhiệm bảo hành công trình trong 5 năm đầu, trong khi đó lại thu phí bảo trì của người dân một lần trong 20 năm. "Nghĩa là thời gian bảo hành lên đến 25 năm, như vậy có hợp lý?" - ông Xuyền chất vấn.

Cũng theo ông Xuyền, việc giao cho chủ đầu tư thu phí bảo trì rồi nộp vào tài khoản ngân hàng rất lòng vòng. "Tại sao lại giao cho chủ đầu tư thu? Chính việc giao cho chủ đầu tư đã tạo điều kiện cho họ dùng tiền vào mục đích khác bởi doanh nghiệp lúc nào cũng "khát" vốn, nhất là chủ đầu tư có dự án nhà chung cư bán chậm" - ông Xuyền băn khoăn.

Giải trình chất vấn của đại biểu, ông Phạm Hồng Hà cho hay vấn đề thu một lần trong 20 năm đầu là hợp lý, còn việc 5 năm đầu chủ đầu tư phải bảo hành là theo quy định của Luật Nhà ở. Còn tại sao phải thu trong 20 năm đầu và thu trong một lần, tương đương 2% thì đây là mức thu khá ổn định và là kinh nghiệm thực hiện ở nhiều nước. Sau 20 năm, nếu thấy cần thiết thì thu thêm. "Tuy nhiên, Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của đại biểu để tính toán hợp lý hơn để có thể xem xét và giảm số năm xuống, có thể từ 10-15 năm" - ông Hà nói.

Về việc giao cho chủ đầu tư thu quỹ bảo trì, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng như vậy sẽ thuận tiện. "Sau khi giao cho chủ đầu tư rồi mà chủ đầu tư chậm hoặc bàn giao thiếu quỹ bảo trì thì sẽ xử lý nghiêm" - ông Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ kiên quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp thành viên ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì trái quy định.

Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhận định việc cưỡng chế chủ đầu tư là đúng nhưng vấn đề hiện nay là có vướng trong quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Hùng, theo quy định, chủ đầu tư không lập tài khoản riêng. "Vậy cưỡng chế ở tài khoản nào? Thu tiền đó ra sao hay cưỡng chế xong chuyển tới tài khoản nào?" - ông Hùng nêu câu hỏi và kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở và Thông tư 02 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. 

Thế Dũng

Người Lao động

Các tin tức khác

>   Nhà đất hẻm sâu bị ép giá tiền tỷ (24/04/2019)

>   Bất động sản công nghiệp: Phân khúc có sức hút bậc nhất năm 2019 (24/04/2019)

>   Thủ tướng: Không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản (24/04/2019)

>   'Nhắm mắt' mua đất Phan Thiết cũng lời? (23/04/2019)

>   Dự án "ma" vẫn nở rộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu (23/04/2019)

>   Đề xuất giãn lộ trình siết tín dụng vào bất động sản (23/04/2019)

>   Phù phép đất công nghiệp thành... khu dân cư: Đất 'chuyên gia' bị đem bán (22/04/2019)

>   Thu nhập quản lý ngành địa ốc trên 30 triệu đồng mỗi tháng (22/04/2019)

>   Cò mồi thao túng, “ăn chênh” tiền mua nhà ở xã hội (20/04/2019)

>   Kiểm tra việc mua bán nhà xã hội chênh hàng trăm triệu đồng (18/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật