Thứ Tư, 24/04/2019 14:30

Cổ đông quan tâm gì tại ĐHĐCĐ 2019 của Eximbank sắp tới?

Năm 2019 có lẽ là một năm không mấy may mắn cho Eximbank khi nhiều vấn đề phát sinh năm trước còn kéo dài. Ngay trong tài liệu ĐHĐCĐ, HĐQT Eximbank còn cho rằng, hoạt động của Ngân hàng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ban kiểm soát của Ngân hàng nhận định, Eximbank bị ảnh hưởng nhiều bởi các vụ liên quan đến tiền gửi tại Chi nhánh TPHCM, PGD Đô Lương (CN Vinh), toàn hệ thống đã gặp nhiều khó khan trong công tác huy động vốn, hoạt động tín dụng cũng bị liên đới do phải duy trì thường xuyên chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Do đó, một số chỉ tiêu kinh doanh quan trọng không đạt như kỳ vọng.

Tổng tài sản 2018 đạt 152,652 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2017, chỉ thực hiện được 86% kế hoạch năm. Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 118,694 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2017, thực hiện được 80% kế hoạch.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 104,118 tỷ đồng (không bao gồm trái phiếu VAMC), tăng 3% so với năm 2017, cũng chỉ thực hiện được 92%. Mặc dù dư nợ tín dụng không tăng nhiều nhưng chất lượng tín dụng đã cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2018 chỉ còn 1.84% tổng dư nợ.

Lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng đạt 801 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2018 hợp nhất đạt 827 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 52% kế hoạch. Nguyên nhân lợi nhuận đạt thấp là do Eximbank đã trích bổ sung dự phòng 904 tỷ đồng (bao gồm trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo quy định Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 16/06/2016 số tiền 514 tỷ đồng và trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi của bà Chu Thị Bình và Nguyễn Thị Lam số tiền 390 tỷ đồng). Kết quả kinh doanh (chênh lệch thu chi) của Eximbank trước khi trích lập bổ sung các khoản dự phòng là 1,731 tỷ đồng.

3 chỉ tiêu chưa tuân thủ quy định

Trong năm 2018, Eximbank có 3 chỉ tiêu chưa tuân thủ quy định Thông tư 36/2014/TT-NHNN tại thời điểm 31/12/2018.

Đầu tiên là tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán. Tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2018 là 6.04%, cao hơn so với mức quy định tối đa theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN là 5%, chủ yếu là 7 khách hàng quá hạn thế chấp cầm cố cổ phiếu STB của Sacombank vay mua cổ phần EIB Do cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TPHCM yêu cầu không được xử lý tài sản thế chấp là cổ phiếu STB nên Eximbank chưa thể thu hồi được khoản nợ này để giảm tỷ lệ cho vay chứng khoán theo quy định.

Thứ hai, Ngân hàng có 2 khoản cấp tín dụng với tổng dư nợ 368 triệu đồng vi phạm Khoản 4 Điều 10 của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về việc cấp tín dụng cho người có liên quan của Ban điều hành (Phó Tổng Giám đốc) không trình HĐQT phê duyệt mà do Chi nhánh/Khu vực phê duyệt (đã tất toán ngày 08/04/2019).

Thứ ba là có 45 khoản vay với dư nợ 10.2 tỷ đồng, 1 khoản chi dự nợ 208.7 triệu đồng và 910 khoản cấp tín dụng theo Điều 127 Luật các TCTD và Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Mới đây, ngày 19/04/2019, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ án thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến bà Chu Thị Bình bị chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi Eximbank Chi nhánh TP.HCM.

Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên Eximbank có trách nhiệm thanh toán cho bà Bình tổng cộng 115 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 99 tỷ đồng là phần lãi suất ngân hàng của 3 sổ tiết kiệm và phần lãi phạt hơn 16 tỷ đồng. Thời hạn thi hành sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Trong năm 2018, tỷ lệ nợ cho vay so với tổng tiền gửi của Eximbank tại một số ngày trong tháng 4 và tháng 5/2018 vượt mức tối đa theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN (quy định không quá 80%) nhưng không ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản.

Nguyên nhân do Eximbank bị những thông tin bất lợi liên quan đến vụ việc tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình làm cho vốn huy động của Eximbank liên tục giảm trong khi dư nợ cho vay vẫn tăng.

Xáo trộn lãnh đạo cấp cao đầu năm 2019

Không chỉ trong năm 2018, mà “vận đen” còn bám theo Eximbank sang năm 2019 khi trước thềm ĐHĐCĐ lại xôn xao vấn đề “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT.

Câu chuyện bắt đầu từ việc HĐQT bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/03/2019 đồng thời thông qua bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế cho ông Quốc. Sau đó, ông Lê Minh Quốc đã có Đơn yêu cầu và được Toà án quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, buộc dừng quyết định bầu bà Tú làm Chủ tịch.

Trong khi Eximbank ra thông báo khẳng định việc HĐQT Ngân hàng đã tổ chức phiên họp ngày 22/03/2019 để bầu Bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank là tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Eximbank vào tối ngày 27/03/2019. Và sau đó, Eximbank có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, khẳng định việc Tòa án nhân dân TP HCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Ngày 18/04/2019 vừa qua, TAND TPHCM đã có Quyết định không chấp nhận đơn khiếu nại của Eximbank, khẳng định việc áp dụng biện pháp tạm thời là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy vậy, vấn đề về nhân sự này vẫn còn bỏ ngỏ khi không hề được đề cập trong bất kỳ tờ trình nào của tài liệu ĐHĐCĐ đã được Ngân hàng công bố.

Mới đây, Eximbank lại khiến cổ đông lo lắng gấp bội trước thông tin hoạt động trong tình trạng không có Tổng Giám đốc khi bỏ ngỏ tên của vị trí này trong Báo cáo của Ban điều hành chuẩn bị cho ĐHĐCĐ sắp tới. Được biết, Tổng Giám đốc Lê Văn quyết đã hết hợp đồng lao động từ ngày 05/04 và hiện nay hoạt động điều hành của Eximbank đang do Phó Tổng Giám đốc thường trực Nguyễn Cảnh Vinh phụ trách.

Theo điều lệ Eximbank thì Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật duy nhất. Thế nhưng Eximbank đang bỏ trống vị trí này trong khi Chủ tịch HĐQT Lê Minh Quốc lại không nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên HĐQT (7/10 phiếu chống).

Tựu trung lại, dưới đây là những vấn đề cổ đông EIB có thể rất quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 sắp diễn ra:

-  Kết quả kinh doanh giảm tốc năm 2018 và cơ sở kế hoạch 2019.

- “Ghế nóng” HĐQT của Eximbank.

- Ai sẽ là Tổng Giám đốc tiếp theo?

- Tiến độ thực hiện Đề án cơ cấu lại Eximbank, dự án đầu tư trụ sở số 7 Lê Thị Hồng Gấm.

- Eximbank phải thanh toán cho bà Chu Thị Bình 115 tỷ đồng.

- Cổ tức chi trả năm 2018 và 2019.

- Thù lao HĐQT, BKS đã chi thừa qua các năm từ 2013 – 2015.

- Eximbank làm thế nào vực dậy được hình ảnh của mình trước những vấn đề?

*Eximbank: Dứt đà tăng trưởng, "bóng ma" khủng hoảng lại hiện về?

*Tòa phúc thẩm tuyên Eximbank phải trả 115 tỷ cho bà Chu Thị Bình

*Toà bác đơn khiếu nại, lãnh đạo Eximbank nói gì?

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Lãi suất huy động và tỷ giá USD không đổi, giá vàng giảm mạnh (22/04/2019)

>   HDBank lọt Top 5 Ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất năm 2019 (22/04/2019)

>   Phát động chương trình "Sức trẻ Sacombank" (21/04/2019)

>   Toà bác đơn khiếu nại, lãnh đạo Eximbank nói gì? (21/04/2019)

>   Eximbank đang ở trong tình trạng 'không có Tổng giám đốc' (21/04/2019)

>   SHB: Dự định thành lập ngân hàng con tại Bờ Biển Ngà  (21/04/2019)

>   ABBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 5,713 tỷ đồng (20/04/2019)

>   Tòa phúc thẩm tuyên Eximbank phải trả 115 tỷ cho bà Chu Thị Bình (20/04/2019)

>   Tiền tỷ kho bạc “ứ” tại ngân hàng: Bao giờ hết vòng luẩn quẩn? (20/04/2019)

>   Việt Nam đi tiên phong về thanh toán phi tiền mặt ở Đông Nam Á (20/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật