Chứng khoán Tuần 22-26/04/2019: Rút tiền chơi lễ
VN-Index kết thúc tuần giao dịch một cách khá lạc quan. Dù vậy, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện do các nhà đầu tư có tâm lý ngại giao dịch mạnh trước kỳ nghỉ lễ. Chỉ số phục hồi tốt chủ yếu nhờ vào sự tiết cung của bên bán.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 22-26/04/2019:
Giao dịch: Các chỉ số thị trường biến động tăng trong tuần qua. VN-Index kết thúc tuần tăng 1.38% đạt mức 979.64 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 1.49% dừng tại 107.46 điểm.
Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn biến động trái chiều. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 113.9 triệu cổ phiếu/phiên, giảm -11.16% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 28.03 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 7.6%.
Nhìn chung, đà hồi phục chi phối thị trường trong tuần qua. Dù xuất hiện xen kẽ các phiên giảm nhẹ, VN-Index vẫn đánh dấu tuần hồi phục tốt sau hai tuần giảm điểm liên tiếp. Tuy vậy, thanh khoản vẫn đang là điểm đáng quan ngại khi dòng tiền lớn vẫn chưa quyết định nhập cuộc.
Sự hồi phục của các cổ phiếu họ Vin là nhân tố chính giúp VN-Index tăng điểm. Cả VIC, VHM, VRE đồng loạt tăng hơn 3% trong tuần qua. Tác động tiêu cực nhất lên thị trường là sự suy yếu của nhóm thực phẩm - đồ uống. Cả VNM, SAB, MSN đều giảm điểm khiến thị trường không thể bứt phá.
Nhóm ngân hàng giao dịch khá giằng co. Hầu hết các Large Cap như VCB, BID, VIB, MBB đều dừng lại quanh mức đóng cửa tuần trước. Dù vậy, vẫn xuất hiện một số cổ phiếu hòa chung với sắc xanh của thị trường như CTG và ACB. Tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán biến động với biên độ khá cao. Các phiên tăng, giảm mạnh xuất hiện đan xen nhưng dù vậy hầu hết Large Cap nhóm này như SSI, HCM, VND đều đóng cửa quanh mốc tham chiếu đầu tuần.
Trạng thái giằng co cũng xuất hiện ở các cổ phiếu dầu khí. Ngoài ông lớn đầu ngành GAS tiếp tục thăng hoa khi bứt phá mạnh hơn 6% trong tuần qua. Các Large Cap khác như PVS, PVD, PVB, PVT đều giao động với biên độ hẹp và kết thúc tuần bằng với mức giá của tuần trước.
VN-Index kết thúc tuần giao dịch một cách khá lạc quan. Dù vậy, thanh khoản vẫn chưa được cải thiện do các nhà đầu tư có tâm lý ngại giao dịch mạnh trước kỳ nghỉ lễ. Chỉ số phục hồi tốt chủ yếu nhờ vào sự tiết cung của bên bán.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng hơn 76 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 78 tỷ đồng và bán ròng trên HNX hơn 2 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh trong tuần qua là PPC tăng 11.68% trên sàn HOSE, BII tăng 33.33% trên sàn HNX
PPC tăng 11.68%: Sau thông tin giá điện tăng, PPC đã liên tục leo dốc kèm thanh khoản cao trong tuần giao dịch vừa qua.
BII tăng 33.33%: Sau thời gian dài tích lũy, BII đã bứt phá mạnh trong tuần qua. Dù đột ngột giảm sàn trong phiên thứ 5, cổ phiếu vẫn có được tuần tăng điểm ấn tượng.
Các đại diện giảm điểm mạnh: HVG giảm 25.23% và VHG giảm 19.23% trên sàn HOSE
HVG giảm 25.23%: Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 01/08/2016 đến 31/07/2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9/2018. Theo đó, mức thuế POR14 đối với CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) là 3.87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ). Điều này đã tác động rất tiêu cực lên cổ phiếu với 4 phiên nằm sàn liên tiếp trong tuần qua.
VHG giảm 19.23%: Sau chuỗi 22 phiên tăng trần liên tiếp, sức ép chốt lời đã đè nặng lên cổ phiếu VHG. Sau phiên đầu tuần giữ đà tăng trần, cổ phiếu đã chìm ở mức giá sàn 4 phiên sau đó.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
|