Thứ Sáu, 05/04/2019 14:22

'Áp dụng bảo lãnh thông quan, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng 1%'

Theo đánh giá của các chuyên gia và kinh nghiệm các nước, với việc áp dụng bảo lãnh thông quan, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng 1%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thay vì phải chờ nộp đủ thuế, phí, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về kiểm tra chuyên ngành mới được thông quan hàng hóa, doanh nghiệp tham gia bảo lãnh thông quan có thể đưa hàng về trước, hoàn thành thủ tục sau.

Điều này theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, thêm cơ hội kinh doanh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã trao đổi kỹ hơn với báo chí về vấn đề này bên lề hội thảo: "Bảo lãnh thông quan đối với hàng xuất nhập khẩu" sáng 5/4.

- Tổng cục Hải quan hiện đang nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan. Vậy, cơ chế bảo lãnh thông quan hải quan được hiểu như thế nào, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành: Cơ chế bảo lãnh thông quan giúp doanh nghiệp thay vì phải chờ nộp đầy đủ thuế, thực hiện các nghĩa vụ về kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp có thể đưa hàng về để sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp có thể thực hiện việc này thông qua bảo lãnh thông quan. Tức là khi doanh nghiệp ký hợp đồng với tổ chức bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm sẽ đứng ra bảo đảm với hải quan rằng doanh nghiệp sẽ thực hiện tất cả nghĩa vụ.

Việc này giúp doanh nghiệp thêm sự lựa chọn. Trước đây, nếu muốn bảo lãnh thuế, doanh nghiệp chỉ có sự bảo lãnh duy nhất từ ngân hàng. Nay, doanh nghiệp có thể lựa chọn tổ chức bảo hiểm.

Tổ chức bảo hiểm hoạt động dựa trên kinh doanh rủi ro. Điều này đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận. Doanh nghiệp không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo cho khoản tiền phải thế chấp. Các đơn vị bảo hiểm sẽ phân tích khả năng hoạt động, khả năng chi trả thay vì chỉ nhìn vào số tài sản doanh nghiệp. Như vậy, cơ hội kinh doanh sẽ đến với nhiều doanh nghiệp hơn.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cơ chế bảo lãnh thông quan vẫn đảm bảo thực hiện thu được các khoản thuế, thực hiện được việc kiểm tra chuyên ngành và giảm chi phí, áp lực khi phải giải quyết tất cả các thủ tục tại thời điểm thông quan.

Theo đánh giá của các chuyên gia và kinh nghiệm các nước, với việc áp dụng bảo lãnh thông quan, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng 1%, tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trong phạm vi khu vực và thế giới.

- Các giấy chứng nhận xuất xứ C/O và các giấy phép kiểm tra chuyên ngành được nộp sau sẽ tạo thuận lợi ra sao để giảm thời gian thông quan, thưa ông?

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành: Một số giấy chứng nhận xuất xứ, giấy phép kiểm tra chuyên ngành buộc phải nộp vào thời điểm thông quan, nếu doanh nghiệp không có sẽ phải phải lưu giữ hàng tại kho bãi cảng.

Điều này khiến chi phí tăng, đặc biệt là cơ hội kinh doanh bị bỏ qua, sản xuất không thể thực hiện được. Những chi phí đó doanh nghiệp tốn kém rất nhiều mà chúng ta không thể cân đong đo đếm được. Chỉ doanh nghiệp mới hiểu cơ hội kinh doanh mất đi ra sao, sản xuất giao hàng không đúng tiến độ thì mất đi bao nhiêu tiền.

Doanh nghiệp sẽ cân đối so sánh những chi phí trên với chi phí thực hiện bảo lãnh thông quan để lựa chọn phương án nào.

Chắc chắn họ sẽ lựa chọn phương án bảo lãnh thông quan qua các tổ chức kinh doanh bảo hiểm để nhanh chóng đưa hàng vào sản xuất, kinh doanh theo đúng tiến độ. Doanh nghiệp sau đó sẽ phải hoàn thiện nghĩa vụ với các cơ quan quản lý chuyên ngành và hoàn trả lại hồ sơ cho cơ quan hải quan để hoàn tất thủ tục.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Thuận lợi là lớn nhưng đi kèm với đó là rủi ro không kém. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành: Với cơ chế này, cơ quan quản lý chắc chắn thu được thuế, thu được các khoản tiền phạt khi doanh nghiệp không chấp hành. Còn với doanh nghiệp bảo hiểm, rõ ràng họ chấp nhận rủi ro nếu doanh nghiệp không đủ tiền trả cho họ. Như vậy, chuyển rủi ro từ cơ quan Nhà nước sang cho các công ty kinh doanh bảo hiểm.

Công ty kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh rủi ro. Họ đã tính toán, phân tích trên mặt bằng lợi nhuận của họ là bao nhiêu, rủi ro xảy ra sẽ là bao nhiêu, do đó tránh được rủi ro từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

- Để triển khai thí điểm, các bước tiếp theo của ngành hải quan là gì để doanh nghiệp cùng tham gia?

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành: Doanh nghiệp tham gia trong giai đoạn đề xuất thí điểm ta sẽ tổng kết đánh giá và chỉ ra lợi ích cho doanh nghiệp. Về phía cơ quan quản lý, sau giai đoanh thí điểm, thấy điểm gì sơ hở, thiếu, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ có đánh giá. Từ đó, ta sẽ áp dụng đại trà nhằm mục đích đảm bảo cho doanh nghiệp đều tuân thủ pháp luật. Trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật thì vẫn bị xử lý theo các quy định hiện hành.

Dự án dự kiến chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn thí điểm (2021-2022): Lựa chọn áp dụng cơ chế bảo lãnh đối với một số loại hình, đối tượng như: bảo lãnh nộp thuế hàng kinh doanh, hàng quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, bảo lãnh cho việc chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ, bảo lãnh cho việc đưa hàng hóa về bảo quản.

- Giai đoạn mở rộng (2022-2023): Việc mở rộng thí điểm dự kiến áp dụng bảo lãnh thông quan đối với các loại hình tạm nhập tái xuất khác (như: tham dự hội chợ triển lãm, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hành; thi công công trình,…); bảo lãnh cho đưa về bảo quản để chờ cấp giấy phép nhập khẩu của các bộ, ngành đối với một số mặt hàng, lĩnh vực,...

- Giai đoạn chính thức (dự kiến từ năm 2024): Triển khai chính thức hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các loại hình khác, như: gia công, chế xuất, sản xuất xuất khẩu và một số trường hợp khác.

Xuân Dũng

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính trong quý 1 (05/04/2019)

>   Dự án Nhổn - ga Hà Nội bị đòi bồi thường 81 triệu USD (05/04/2019)

>   5.000 tấn cá nằm chờ 'xuất cảnh' vì thông tư ngáng đường (05/04/2019)

>   Nguồn thu tăng nhờ dầu thô và ô tô (04/04/2019)

>   Ngành gỗ bứt phá trong quý đầu năm (04/04/2019)

>   Bộ GTVT yêu cầu các trạm thu phí BOT 'thủ công' xả trạm khi ùn tắc dịp lễ (04/04/2019)

>   Nghệ An thu hồi 36.000ha đất của 151 dự án ‘treo’ (04/04/2019)

>   Hàng không tăng hàng trăm ngàn chỗ dịp nghỉ lễ 30-4 (04/04/2019)

>   Bộ Công Thương muốn thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, tăng thêm nhiều biên chế (04/04/2019)

>   Khó tham gia chiếu xạ, doanh nghiệp cầu cứu (04/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật