12 nhân vật có ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính tại châu Á
Xuất thân từ các công ty công nghệ tài chính (fintech) đến các công ty đa quốc gia, động thái của những nhân vật này có khả năng ảnh hưởng to lớn đến lĩnh vực tài chính tại châu Á.
Với sự gián đoạn của lĩnh vực kỹ thuật số và thế giới hiện đang tập trung vào lĩnh vực tài chính toàn diện (financial inclusion), châu Á là một điểm nóng cho lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, lĩnh vực tài chính của khu vực đã mạnh lên đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn khá chậm so với các nền kinh tế phát triển và vẫn còn rất nhiều không gian để cải thiện.
Phải nói rằng, để tận dụng cơ hội, bạn cần có tầm nhìn về tương lai và cố gắng tận dụng tốt nhất điều đó hoặc ít nhất là tạo ra được một số tác động tích cực đến hệ sinh thái kinh doanh.
Trang web Entrepreneur xin giới thiệu đến bạn những nhân vật có ảnh hưởng và đóng góp đến lĩnh vực tài chính châu Á.
1. Bành Lôi
Bành Lôi, còn được gọi là Lucy Peng, là một trong những người đồng sáng lập của tập đoàn Alibaba. Tại tập đoàn, cô phụ trách bộ phận nhân sự trong những năm đầu hoạt động của công ty thương mại điện tử này. Năm 2010, cô được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành (CEO) của Ali Pay và 2 năm sau, được chuyển sang phụ trách mảng Dịch vụ Tài chính nhỏ và siêu nhỏ của Alibaba.
Nữ doanh nhân này cũng góp phần vào việc đổi thương hiệu của Ali Pay thành Ant Financial, hiện là công ty fintech giá trị cao nhất thế giới.
Cô được coi là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất trên thị trường công nghệ tài chính châu Á. Trong nhiệm kỳ của cô, Ant Financials và tập đoàn mẹ Alibaba đã mua 40% cổ phần của công ty PayTM, một kỳ lân fintech của Ấn Độ.
Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của cô, Ant Financial đã huy động được 4.5 tỷ USD, vòng gây quỹ tư nhân lớn nhất đối với một công ty internet. Công ty fintech này sau đó được định giá 6 tỷ USD.
Trong nửa cuối năm 2016, Eric Jing đã kế vị Bành Lôi trở thành Chủ tịch và CEO của Ant Financial.
2. Uday Kotak
Vào những năm 1980, Uday Kotak thành lập Công ty Tài chính Kotak Mahindra dưới dạng một công ty kinh doanh chiết khấu hóa đơn.
Sau khi thử sức trong lĩnh vực cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản, Kotak Mahindra là công ty tài chính phi ngân hàng đầu tiên nhận được giấy phép ngân hàng thương mại từ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.
Hiện tại, ông Kotak là Giám đốc điều hành của ngân hàng này.
Ngân hàng của ông nổi tiếng với sáng kiến 811, được đưa ra vào tháng 3/2017 và được đặt tên theo ngày hủy bỏ tiền tệ tại Ấn Độ - ngày 8/11. Đó là một tài khoản ngân hàng kỹ thuật số bảo trì bằng không, cùng với một thẻ ảo. Người tiêu dùng cũng có thể nhận được 6% lãi suất mỗi năm cho khoản tiết kiệm của họ.
Trong vòng hai năm kể từ khi tung ra tài khoản này, ngân hàng đã tăng gấp đôi số lượng khách hàng lên 16 triệu người sử dụng.
3. Masayoshi Son
Nói về những người có tầm nhìn, chúng ta không thể không nhắc đến Masayoshi Son.
Ông là người đứng sau tập đoàn SoftBank và có cổ phần đáng kể trong một số công ty internet lớn nhất trên toàn cầu như Alibaba, Yahoo, Uber, PayTm, Ola, Snapdeal, v.v...
Hiện tại, Masayoshi Son được cho là người giàu nhất Nhật Bản.
4. Jing Ulrich
Jing Ulrich là Giám đốc điều hành và là Phó Chủ tịch của JPMorgan Chase khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo hồ sơ LinkedIn của cô, cô là cố vấn chiến lược cho các khách hàng toàn cầu cao cấp nhất của công ty trên tất cả các lĩnh vực cũng như các loại tài sản, và cũng chịu trách nhiệm xây dựng mối quan hệ với các giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp hàng đầu châu Á. Điều này khiến cô trở thành một trong những người có ảnh hưởng trong thế giới đầu tư.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc thường gọi Ulrich là 'tiếng nói không chính thức của Trung Quốc' và 'Oprah Winfrey của thế giới đầu tư'.
5. Vijay Shekhar Sharma
Vijay Shekhar Sharma là một trong những doanh nhân thời đại mới tự lập của Ấn Độ và là người sáng lập ra Paytm, được hỗ trợ bởi tập đoàn Alibaba của Jack Ma và tập đoàn SoftBank.
Đây là công ty thanh toán đầu tiên ở Ấn Độ, hiện đang có hơn 100 triệu người sử dụng ứng dụng của công ty này, đều nhờ vào việc hủy bỏ tiền mặt trong nước.
Hiện tại, Paytm đã mở rộng hoạt động kinh doanh từ thương mại điện tử sang quản lý tài sản và ngân hàng thanh toán.
Gần đây, công ty con thương mại điện tử Paytm Mall đã bước vào vòng gọi vốn của câu lạc bộ kỳ lân trị giá 445 triệu USD có sự tham gia của hai tập đoàn SoftBank và Alibaba.
6. Wai Wan Cheang
Wai Wan Cheang, còn được gọi là Louisa, là Giám đốc của Ngân hàng HSBC, là Phó Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hang Seng Bank.
Cô đang dẫn đầu các chương trình áp dụng công nghệ vào lĩnh vực ngân hàng và đã hợp tác với nhiều công ty fintech để thực hiện sự chuyển đổi này.
7. Rakesh Jhunjhunwala
Rakesh Jhunjhunwala thường được mọi người gọi là Warren Buffet của Ấn Độ.
Là một kế toán chuyên nghiệp, Jhunjhunwala quản lý danh mục đầu tư thông qua Rare Enterprises và phục vụ cho hội đồng quản trị của nhiều công ty Ấn Độ khác nhau như Tops Security Limited, Praj Industries.
Các hãng truyền thông Ấn Độ thường gọi anh là 'cậu bé pin-up của đợt Bull Run hiện tại' và 'Piper Piper của các sàn đấu Ấn Độ'.
8. Teh Hong Piow
Teh Hong Piow là một trong ba người ở Malaysia có thể nắm giữ hơn 10% cổ phần trong một tổ chức tài chính trong nước.
Từ một nhân viên ngân hàng làm việc trong Tập đoàn Overseas-Chinese Banking, sau đó ông thành lập Public Bank, Hong Piow đã góp phần vào hành trình thúc đẩy tài chính toàn diện của Malaysia kể từ những năm 1950.
Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, Public Bank đã mang lại lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 19% cho các nhà đầu tư và được coi là một trong những ngân hàng có giá trị nhất trong khu vực.
9. Stephanie Hui
Từ một nhà phân tích tài chính sau đó trở thành người đứng đầu bộ phận ngân hàng thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Stephanie Hui đã làm việc với Goldman Sachs trong hơn 2 thập kỷ.
Theo báo chí đưa tin, cô có trách nhiệm coi ngó khoản đầu tư hơn 3 tỷ USD.
Cựu sinh viên Harvard này tham gia vào hội đồng quản trị của 2 công ty trách nhiệm hữu hạn Daesung Industrial Gases và Inner Mongolia Fuyuan Farming, và cũng là thành viên trong Ủy ban Đầu tư của Hony Capital Fund III và Hony Capital Fund 2008.
10. Michael Byung-Ju Kim
Michael Byung-Ju Kim là người đồng sáng lập và đối tác của MBK Partners.
MBK Partners đã chốt lần gọi vốn thứ tư ở mức 4.1 tỷ USD. Giới truyền thông châu Á cho biết đây là quỹ đầu tư tư nhân độc lập lớn nhất ở châu Á.
Mặt khác, vào năm 2017, khi ING Korea tiến hành IPO (lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng), mà MBK mua vào năm 2013, ING Korea là công ty được hỗ trợ vốn cổ phần tư nhân đầu tiên niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán trong nước.
11. Park Hyeon-Joo
Park Hyeon-Joo thành lập Mirae Asset vào năm 1997 trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á và được biết đến như cha đẻ của lĩnh vực quỹ tương hỗ tại Hàn Quốc.
Kể từ đó, tập đoàn đã mở rộng sang nhiều mảng dịch vụ tài chính khác nhau và đã ra mắt công ty quản lý tài sản đầu tiên, quỹ tương hỗ close-ended, quỹ tương hỗ front-load và quỹ tương hỗ open-ended đầu tiên tại Hàn Quốc.
Công ty hiện đang quản lý khối tài sản ước tính trị giá 90 tỷ USD.
12. Eleanor Yuen
Eleanor Yuen làm việc với Tập đoàn Julius Bär của Thụy Sĩ, và tập đoàn này xem Trung Quốc là ngôi nhà thứ hai của họ.
Yuen là người đứng đầu bộ phận tư vấn lập kế hoạch thuế và tài sản của ngân hàng tại khu vực châu Á và là một nhà đầu tư tư nhân có trách nhiệm trong khu vực.
Tuệ Nhiên (Theo Entrepreuner)
FILI
|