Xi măng, sắt thép bắt đầu ‘đua’ tăng theo giá điện
Trước áp lực việc giá điện tăng 8,36%, các doanh nghiệp ngành sắt thép và xi măng cũng không thể ngồi yên.
Điện chiếm khoảng 10% chi phí đầu vào của ngành sắt, thép.
Ảnh: Ngọc Dương
|
Theo thông báo của Công ty cổ phần xi măng Sông Lam thuộc Tập đoàn xi măng Vissai, công ty sẽ điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm do giá điện tăng. Cụ thể, đối với xi măng bao sẽ tăng thêm 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 1.4.
Các mặt hàng xi măng tại một số công ty khác cũng tăng theo như: Vicem Hoàng Thạch tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn; Vicem Hạ Long tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/tấn; Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Nghi Sơn, Cẩm Phả cùng tăng 30.000 đồng/tấn…
Tương tự, mặt hàng sắt thép xây dựng cũng đã công bố tăng giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Cụ thể, Công ty sản xuất thép Australia SSE (SSE Steel) tăng giá bán thép cây D10 thêm 100.000 đồng/tấn, đối với thép cây và thép cuộn tăng thêm 200.000 đồng/tấn. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng nâng giá thép thành phẩm, trong đó, thép thanh vằn D10 tăng 200.000 đồng/tấn; thép cuộn, D12 và D14 trở lên tăng 150.000 đồng/tấn. Giá các sản phẩm thép xây dựng dự án các loại cũng tăng 150.000 đồng/tấn.
Giá thép tăng theo giá điện.
Ảnh: Reuters
|
Lý giải về nguyên nhân tăng giá, giám đốc một doanh nghiệp thép đang niêm yết trên sàn chứng khoán HNX cho biết, chi phí về điện hiện đang chiếm khoảng 8 - 9% giá thành sản phẩm thép, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ đạt khoảng 6%. Đó là chưa kể, do chiến tranh thương mại, ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn tại thị trường nước ngoài. Do vậy, việc giá điện tăng tác động không nhỏ đến hoạt động của công ty.
Theo Tổng Công ty xi măng Việt Nam, nếu áp khung giá điện cũ, với năng lực sản xuất 24 - 25 triệu tấn sản phẩm/năm, tổng công ty phải chi khoảng 300 tỉ đồng/tháng. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, tổng công ty phải chi tăng thêm khoảng 20 tỉ đồng tiền điện.
Báo cáo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) về ảnh hưởng của việc tăng giá điện cũng cho thấy, hiện các doanh nghiệp ngành thép đang phải vận hành bằng lò điện hồ quang sẽ chịu áp lực chi phí (vốn đã ở mức khá cao trong tình hình hiện tại). Các doanh nghiệp phải tăng giá bán ít nhất 0,4%.
Theo thống kê của VCBS, sản lượng thép sản xuất từ lò điện tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 60% tổng sản lượng cả nước (và giảm về mức 50% sau khi khu liên hợp Dung Quất và Formosa giai đoạn 2 đi vào hoạt động).
Anh Vũ
THANH NIÊN
|