Dịch vụ
Vay tín chấp nước ngoài: Kênh huy động vốn mới?
Nhìn từ trường hợp CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) - mới đây được ngân hàng SinoPac cùng nhóm nhà đầu tư định chế tài chính quốc tế “gật đầu” về hợp đồng vay tín chấp giá trị lên đến 55 triệu USD – đang được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mạnh dạn hơn trong việc huy động vốn thông qua kênh tín chấp – một hình thức không mới trên thế giới nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam.
Hợp đồng chục triệu đô la Mỹ
Lạ lẫm là bởi từ trước đến nay, tiếp cận được vay tín chấp quốc tế phần nhiều là các ngân hàng, còn doanh nghiệp Việt Nam thì vắng bóng hơn hẳn. Còn trong nước, vay tín chấp đa phần là các khoản vay tiêu dùng cho các cá nhân, giá trị nhỏ.
55 triệu USD là hạn mức tín dụng lớn nhất từ trước đến nay, dành cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán. Để vay được vốn này, doanh nghiệp phải trải qua vòng đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng. Trong đó, theo SSI, tiêu chí quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lành mạnh. Ví dụ để được CGIF bảo lãnh cho khoản vay trái phiếu, các doanh nghiệp Việt Nam phải là công ty đầu ngành trong nước. Vì thế, SSI tiếp cận vốn ngoại còn vì mục đích khẳng định vị thế.
SinoPac là một trong những ngân hàng lớn nhất của Đài Loan, cùng một nhóm các định chế tài chính nước ngoài – SinoPac là đại diện – và SSI sẽ cùng ký hợp đồng vay tín chấp này. Lãi suất sẽ dựa theo lãi suất ngắn hạn trên thị trường tiền tệ quốc tế như Libor, Sibor cộng với biên độ chấp nhận được, do hai bên thỏa thuận.
SSI là doanh nghiệp niêm yết, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt về tính minh bạch cao trong công bố thông tin, qua đó rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay của SinoPac, chỉ mất 3 tháng, bằng đúng với thời hạn các ngân hàng thường xem xét khi cấp vốn cho SSI. Ngoài ra, SinoPac và SSI đã có mối quan hệ giao dịch trong suốt 2 năm, thông qua nhiều nghiệp vụ như tiền gửi, hạn mức vay, tài khoản thanh toán… Hiện, Ngân hàng SinoPac Việt Nam đã đứng ra làm đầu mối thu xếp giao dịch, để SSI được tiếp cận thêm nguồn vốn mới trên thị trường quốc tế.
Sau khi đáp ứng được các điều kiện, quy định để nhận khoản vay tín chấp, SinoPac không hạn chế, đặt điều kiện nào cho SSI trong sử dụng nguồn vốn vay cho mảng nào SSI được phép kinh doanh. Trách nhiệm của SSI là cam kết trả lãi, nợ gốc đúng và đủ thời gian theo quy định.
Với khoản vay này, SSI dự kiến sẽ chỉ giải ngân vào các hoạt động đảm bảo kỳ vọng của SSI. Cụ thể, SSI sẽ chủ yếu sử dụng vốn vay từ SinoPac cho các hoạt động đầu tư ngắn hạn, có tính an toàn cao, đúng với khẩu vị của SSI.
Khi tiếp cận nguồn vốn vay, SSI ưu tiên đến hiệu quả vốn vay, thể hiện ở chi phí vay thực tế và hiệu quả sau khi giải ngân. Ngoài ra, tiếp cận nguồn vốn quốc tế cũng là cách để SSI đa dạng hóa nguồn vốn. Đặc biệt hơn, nguồn vốn vay quốc tế có thể đem lại những giá trị vô hình khác và tích lũy thêm giá trị tương lai cho SSI. Đây chính là lý do để SSI và SinoPac cùng nhau tính toán hạn mức vay dựa trên nhu cầu lẫn giá trị gia tăng từ thương vụ.
Tương lai, SSI cho biết sẽ vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng nguồn vốn, đa dạng hóa các đối tác trong và ngoài nước, để SSI đạt cân bằng nguồn vốn vay, trong bối cảnh chính sách tín dụng trong nước đã ngày càng tương đối chặt chẽ.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Ghi nhận chung, nhiều DN đã tiếp cận nguồn vốn ngoại thông qua kênh phát hành cổ phần cho đối tác chiến lược, hoặc phát hành trái phiếu quốc tế như Vietjet, Vingroup, Masan, Novaland...Còn các ngân hàng như OCB, Vietinbank, VPBank, VIB, TPBank, SHB, LienVietPostbank… cũng đã gia tăng gọi vốn nước ngoài.
Còn tiếp cận vốn vay tín chấp quốc tế thường là các Tập đoàn kinh tế lớn, hoặc các dự án trọng điểm, hoặc các định chế tài chính như Ngân hàng. Cuối năm 2018, ngân hàng BIDV được vay tín chấp quốc tế 300 triệu USD, không cần sự bảo lãnh của Chính phủ, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị của BIDV, từng cho biết đây là khoản vay thương mại lớn nhất mà ADB từng cung cấp cho một ngân hàng thương mại ở châu Á trong năm 2018.
Thực tế, vay tín chấp phổ biến trên thế giới. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, từng chia sẻ trên 80% ngân hàng nước ngoài là cho vay tín chấp. Nhưng doanh nghiệp phải đi vay minh bạch về tài chính, có báo cáo kiểm toán “sạch” được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán uy tín, có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Chiến lược đào tạo cũng như người thay thế trong tương lai cũng rất được chú trọng. Những yếu tố này giúp định chế tài chính nước ngoài đánh giá tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và xét cấp hạn mức cho vay tín chấp.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, Giám đốc Khối Nguồn vốn SSI, cho biết để có thể tiếp cận được vốn nước ngoài, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ, rõ ràng tính minh bạch thông tin và hoạt động kinh doanh, chuẩn hóa các hoạt động báo cáo, chia sẻ thông tin ra công chúng và nhà đầu tư.
Bà Hương khẳng định dù vay vốn tín chấp hay vay có tài sản đảm bảo thì quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp cần sử dụng vốn đúng mục đích và kinh doanh có hiệu quả. Như thế, việc huy động vốn từ nước ngoài mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các cơ quan Nhà nước có thể tham gia thúc đẩy nguồn vốn rẻ quốc tế đổ vào doanh nghiệp Việt Nam thông qua chính sách quản lý tỷ giá hợp lý và có những hỗ trợ cũng như phòng chống rủi ro kịp thời.
FILI
|