Vàng thế giới tăng 1% sau dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Mỹ và Trung Quốc
Các hợp đồng vàng đảo chiều tăng 1% vào ngày thứ Sáu (08/03) để ghi nhận đà tăng nhẹ tuần qua, được hỗ trợ nhờ đà sụt giảm trong các thị trường chứng khoán toàn cầu sau dữ liệu việc làm Mỹ và xuất khẩu tại Trung Quốc yếu kém, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 4 tiến 13.20 USD (tương đương 1%) lên 1,299.30 USD/oz, sau khi tích tắc dao động tại mức cao 1,301.30 USD/oz. Sau một tuần trồi sụt liên tục, bao gồm khép phiên ngày thứ Ba tại mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2019, hợp đồng này đã tăng 10 xu trong tuần này, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay cộng 1.05% lên 1,298.96 USD/oz.
“Vàng tất nhiên có phản ứng với số liệu việc làm, nhưng điều này quá rõ ràng”, Jeff Wright, Phó chủ tịch điều hành của GoldMining, cho hay. “Theo ý tôi, vàng đang phản ứng với xu hướng giảm điểm trong tuần này của thị trường chứng khoán Mỹ cùng với đà suy yếu của đồng USD trong ngày thứ Sáu so với các đồng tiền chủ chốt khác”.
Theo đó, chỉ số Dow Jones đã giảm mạnh sau khi báo cáo việc làm ngày thứ Sáu cho biết nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra 20,000 việc làm mới trong tháng 2/2019, ghi nhận mức tăng việc làm thấp nhất trong 17 tháng.
Các nhà phân tích cho biết báo cáo việc làm tháng 2 yếu kém khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thậm chí có thêm lý do để kiên nhẫn trong điều chỉnh lãi suất và làm ngân hàng trung ương giữ ổn định lãi suất cho đến ít nhất là cuộc họp tháng 9/2019.
Được biết, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn 200,000 việc làm/tháng trong năm qua. Các chi tiết khác trong báo cáo, bao gồm tiền lương, đã lạc quan hơn.
Đà suy yếu ở nước ngoài đã dẫn đến một phiên chìm trong sắc đỏ của chứng khoán Mỹ và thúc đẩy kênh trú ẩn an toàn là vàng. Sụt 4.4%, chứng khoán Trung Quốc đã ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018 trong ngày thứ Sáu, sau khi nước này cho biết kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2 lao dốc 20% sau khi vọt 9.1% hồi tháng 1/2019.
Thông tin từ Trung Quốc đã góp phần làm tăng lo ngại về tăng trưởng toàn cầu. Nhà đầu tư vẫn còn choáng váng với một Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ôn hòa hơn kỳ vọng, với thông báo các biện pháp mới để hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc hôm thứ Năm (07/03). Dữ liệu khác vào ngày thứ Sáu cho thấy số đơn đặt hàng sản xuất của Đức đã giảm mạnh trong tháng 1, mặc dù dữ liệu tháng 12/2018 đã được điều chỉnh nâng lên.
Đồng Euro đã sụt xuống đáy 4 tháng hôm thứ Năm (07/03) sau khi ECB cho biết sẽ không tăng lãi suất tổi thiểu ít nhất cho đến cuối năm 2019. Đà suy yếu của đồng Euro đã giúp đồng USD mạnh hơn, nhưng chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã suy giảm vào ngày thứ Sáu, qua đó góp phần hỗ trợ vàng.
Cuối cùng, sự không chắc chắn đang kéo dài về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, một sự thúc đẩy đối với kim loại quý. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Branstad, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal rằng Washington và Bắc Kinh vẫn chưa ấn định ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh để giải quyết xung đột thương mại.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 5 vọt 2.1% lên 15.349 USD/oz và tăng 0.6% trong tuần qua. Hợp đồng bạch kim giao tháng 4 nhích gần 0.1% lên 817.60 USD/oz, nhưng vẫn sụt 5.3% trong tuần qua.
Trong khi đó, hợp đồng paladi giao tháng 6 mất 1.6% còn 1,459 USD/oz, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần lên 3.1%. Hợp đồng đồng giao tháng 5 lùi 0.6% xuống 2.894 USD/lb và giảm 1.3% trong tuần qua.
Diễn biến giá vàng giao ngay 3 phiên vừa qua
Nguồn: Kitco
|
Diễn biến giá vàng giao ngay trên sàn New York
Nguồn: Kitco
|
An Trần
Fili
|