TP.HCM rốt ráo bổ sung nhân sự chủ chốt
Với khối lượng công việc như hiện nay, UBND TP.HCM cần phải tăng cường hai phó chủ tịch nhưng hiện mới chuẩn bị được một nhân sự.
Hiện điều hành công việc ở UBND TP.HCM chỉ có ba người, từ phải sang: Phó chủ tịch thường trực UBND Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, Phó chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Thông tin trên được Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tại cuộc họp kinh tế xã hội tháng 2.2019 và họp báo UBND TP.HCM hôm qua 5.3.
Cụ thể, hiện tại UBND TP.HCM chỉ còn 3 lãnh đạo trực tiếp điều hành công việc là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm và Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến. Hai phó chủ tịch còn lại của UBND TP là ông Huỳnh Cách Mạng hiện đang bị bệnh và bà Nguyễn Thị Thu mới qua đời ngày 20.2. Lĩnh vực trước đây do bà Nguyễn Thị Thu phụ trách (giáo dục, y tế, văn hóa, lao động - thương binh - xã hội…) được giao cho ông Lê Thanh Liêm. “Với khối lượng công việc như hiện nay, UBND TP.HCM cần phải tăng cường hai phó chủ tịch nhưng hiện mới chuẩn bị được một nhân sự, sắp tới sẽ tính thêm một nhân sự nữa”, ông Hoan nói.
Liên quan đến việc kiện toàn nhân sự ở sở ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện ở một số sở (GTVT, KH-ĐT) đang có phó giám đốc phụ trách. Do đó, trong tháng 4.2019, UBND TP.HCM cố gắng bổ nhiệm giám đốc ở các sở cũng như kiện toàn cơ bản bộ máy các đơn vị thuộc UBND TP.HCM, không để trường hợp cấp phó phụ trách nữa.
Yêu cầu lò giết mổ không nhận nguồn heo từ phía bắc
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, cho hay vừa qua Thanh tra TP.HCM có thanh tra tình hình cán bộ TP.HCM đi nước ngoài trong thời gian vừa qua, phát hiện một số vấn đề cần chấn chỉnh. Đáng chú ý có trường hợp cán bộ doanh nghiệp của TP.HCM đi công tác hơn 100 ngày trong 2 năm, vượt quy định của UBND TP.HCM. Kết quả thanh tra cũng phát hiện trường hợp cán bộ đi nước ngoài không báo cáo và xin ý kiến cấp thẩm quyền, có cán bộ báo nhưng khi cấp thẩm quyền chưa có ý kiến đã đi.
|
Tại cuộc họp hôm qua, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu sở ngành khẩn trương đưa ra những giải pháp phòng chống dịch tả lợn (heo) châu Phi. Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cho biết sau khi dịch xảy ra ở VN, Sở làm việc với sở ngành để chủ động nguồn hàng hóa, nhất là lương thực cung cấp cho người dân.
Cụ thể, Sở phối hợp Sở NN-PTNT làm việc với Công ty CP VN kỹ nghệ súc sản (Vissan) triển khai thu mua thịt heo đồng thời thuê kho lạnh để dự trữ thịt heo. Đợt này, Vissan có kế hoạch thu mua 3.600 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ của TP.HCM khoảng 800 tấn/ngày. Trong trường hợp có biến động lớn, TP.HCM sẽ tính toán nhập khẩu thịt heo từ các nước lân cận…
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT, lưu ý sở ngành tăng cường kiểm soát các trạm đầu mối giao thông ở các trục giao thông liên thông với các tỉnh; tăng cường kiểm soát ở cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, chợ đầu mối; kiểm soát chặt nguồn thịt nhập vào có nguồn gốc; quận huyện tăng cường kiểm soát việc giết mổ trái phép.
“Việc kiểm soát cơ sở giết mổ trái phép hết sức quan trọng. Vừa qua ở TP.HCM báo động trường hợp 300 con heo từ H.Đông Hưng (Thái Bình) đi qua địa bàn TP để đưa đến Vĩnh Long, nhưng qua kiểm tra số heo này không vào Vĩnh Long. Nếu mình kiểm soát không kỹ thì không chừng số heo nói trên sẽ đi vào TP.HCM”, ông Trung nói và cho biết khi dịch bùng phát, Sở yêu cầu các lò giết mổ không nhận nguồn heo từ phía bắc mà nhận heo từ các tỉnh Đông Nam bộ và miền Tây. Đến nay, qua kiểm tra các lò giết mổ đều tuân thủ yêu cầu này.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, khuyến cáo vi rút dịch tả lợn châu Phi tồn tại rất lâu, có khi cả ngàn ngày trong điều kiện thịt đông lạnh. Thời gian qua, Ban ATTP phối hợp các cơ quan bố trí lực lượng, đặc biệt tập trung ở chợ đầu mối, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc của thịt heo. “Tới giờ này, Ban ATTP chưa phát hiện heo bị dịch tả châu Phi nhưng qua kiểm tra đã phát hiện heo bệnh khác như lở mồm long móng, kém chất lượng từ tỉnh khác đưa về”, bà Lan nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho hay từ 9.1 TP.HCM đã có kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi với ba tình huống giả định: heo nhiễm dịch ở các tỉnh phía bắc; heo nhiễm dịch ở các tỉnh cung cấp thịt heo cho TP.HCM; heo nhiễm dịch ở vùng nuôi ngay tại TP.HCM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nếu có thay đổi Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với sở ngành liên quan để có phương án ứng phó kịp thời.
“TP.HCM là thị trường tiêu thụ heo lớn nhất nước, khoảng 10.000 con heo/ngày. Do đó việc kiểm soát không để lọt dịch vào TP bởi nếu có sẽ gây ra nguy cơ lây lan rất lớn”, ông Liêm nhắc nhở.
T.Ư đang hoàn thiện kết luận cuối cùng về Thủ Thiêm
Liên quan đến tiến trình giải quyết những vấn đề ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), ông Võ Văn Hoan cho biết sắp tới TP sẽ có một buổi họp riêng về Thủ Thiêm. Hiện T.Ư đang hoàn thiện bản kết luận cuối cùng liên quan đến việc thanh tra những vấn đề của dự án này.
Theo ông Hoan, vừa qua UBND TP.HCM đã triển khai giải quyết cơ bản 7 nội dung liên quan đến dự án Thủ Thiêm theo Thông báo 1783. UBND TP.HCM cũng đưa ra những vấn đề chính sách giải quyết dự án để thảo luận với người dân và đang hoàn chỉnh để đưa ra trong kỳ họp HĐND TP.HCM sắp tới…, khi có đủ điều kiện sẽ công khai với báo chí và người dân.
“Tuy vậy, với vấn đề Thủ Thiêm, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà cần có thời gian nhất định, nhưng dứt khoát trong năm 2019, để bảo đảm quyền lợi cho người dân”, ông Hoan nói.
Ông Hoan cho biết thêm, với vấn đề Thủ Thiêm, dù chính sách của TP có ưu đãi hay tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đều khó nhận được sự đồng thuận của tất cả những người liên quan đến dự án. Do đó, quan điểm chung của UBND TP là chấp nhận có sự khác biệt của một vài trường hợp liên quan đến vướng mắc của dự án. TP sẽ giải quyết những trường hợp đồng thuận và tiếp tục gặp gỡ, trao đổi, giải quyết những trường hợp chưa đồng thuận.
TRUNG HIẾU
THANH NIÊN
|