Sự cố không dễ chịu ở Yeah1
Giữa năm ngoái, khi Công ty cổ phần tập đoàn Yeah1 (YEG-Hose) niêm yết trên sàn TPHCM với giá tham chiếu ngày chào sàn 300.000 đồng/cổ phiếu, trả lời phỏng vấn báo chí và truyền thông thời điểm đó về thị giá cổ phiếu cao nhất thị trường, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị YEG, nói đại ý tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp rất lớn và nhanh. Ông nhấn mạnh nhà đầu tư nên giải ngân 10% danh mục vào YEG để tìm hiểu, theo dõi sự phát triển của tập đoàn và nếu có rủi ro, thì 10% cũng không phải tỷ trọng đáng kể.
Đây là hình ảnh đăng trên fanpage của Yeah1 với nội dung "Phác họa Yeah1, công ty truyền thông – giải trí đầu tiên lên sàn chứng khoán Mạng lưới kênh Youtube của Yeah1 chiếm khoảng 25% tổng số lượt xem YouTube tại Việt Nam. Yeah1 cũng sở hữu Netlink – đơn vị đang quản lý khoảng 600 website lớn trên toàn thế giới với hơn 2,3 tỷ lượt xem hàng tháng".
|
Ngay đầu tháng 3-2019, khi Yeah1 gặp sự cố trong kinh doanh, cụ thể là việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung sau ngày 31-3-2019 với các công ty con/công ty tài chính có hoạt động liên quan đến YouTube Adsense của tập đoàn, bao gồm Yeah1, ScaleLab, SpringMe, thì cổ phiếu YEG lập tức lao dốc, nằm sàn suốt bảy phiên liền, giảm khoảng 44%.
Những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu Yeah1 đang “ngồi trên lửa” vì họ muốn cắt lỗ cũng khó bán. Những phiên giảm sàn vừa qua, khối lượng khớp lệnh thấp, nên không phải ai muốn bán cũng bán được. Trong một động thái bảo toàn lợi ích doanh nghiệp, ngày 9-3-2019 Yeah1 quyết định bán công ty con ScaleLab vốn được mua với giá 20 triệu đô la Mỹ hồi đầu năm và đã trả 12 triệu đô la Mỹ.
Yeah1 không phải là cổ phiếu niêm yết đầu tiên giảm giá kiểu này. Thị trường đã từng chứng kiến những cổ phiếu giảm sàn 10 phiên liền, thậm chí giảm liên tục 20-25 phiên và mất tới 70-80% giá trị. Tuy nhiên YEG niêm yết trong thời kỳ thị trường phục hồi và sự biến động đã ổn định trong biên độ hẹp hơn trước. Yeah1 lại tỏ ra tự tin về tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận và hầu như không bao giờ để cập đến rủi ro. Cho nên sự cố với YouTube lần này là một bất ngờ đáng ngại, dường như nằm ngoài tầm kiểm soát của tập đoàn.
Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) trong bản tin ngày 7-3-2019 dành cho khách hàng, ước tính trong trường hợp xấu nhất Yeah1 không thể đạt được thỏa thuận với YouTube trước cuối tháng 3 này thì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm nay sẽ giảm 83,3%. Với việc quyết định bán gấp ScaleLab, kịch bản xấu với Yeah1 có khả năng hiện rõ.
Theo công bố của chính Yeah1, khi bán ScaleLab, số người đăng ký xem các kênh sẽ giảm 408 triệu người (trong khi số người đăng ký xem các kênh của Yeah1 chỉ có 202 triệu); số lượt người xem hàng tháng giảm 3 tỉ lượt (so với lượt xem hàng tháng của Yeah1 là 3,9 tỉ).
Như vậy, khi bán ScaleLab thì số người đăng ký và lượt xem hàng tháng giảm xấp xỉ phân nửa, chưa kể số kênh của ScaleLab vượt trội so với số kênh của Yeah1. Chính vì thế việc bán ScaleLab làm giảm quy mô của cả tập đoàn rất lớn. Đây có thể là lý do khiến cổ đông và các nhà đầu tư càng quan ngại hơn về tốc độ tăng trưởng của tập đoàn.
Điều mà các nhà đầu tư và cổ đông YEG trông chờ là kết quả thương lượng giữa Yeah1 và YouTube.
Tìm một điểm tựa về tâm lý cho các nhà đầu tư của Yeah1 trong thời điểm hiện tại thực sự khó khăn, vì giải pháp dự phòng thay thế cho sự hợp tác với YouTube là không có. Ngay cả những nhà đầu tư không có kiến thức chuyên môn sâu về công nghệ cũng hiểu rằng với lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, hợp tác với các tên tuổi trong làng công nghệ thế giới là then chốt trong thời buổi mạng xã hội đang ngày một phô trương sức mạnh.
Biến động của cổ phiếu, cộng với thanh khoản giao dịch thấp trong hơn nửa năm qua của YEG, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chung bởi giá trị vốn hóa của YEG chưa đến mức buộc các tổ chức đầu tư, cá nhân phải chú ý (Yeah1 có vốn điều lệ 313 tỉ đồng). Nhưng “sự cố” ở Yeah1 làm nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến sự tụt giảm của cổ phiếu Facebook trên Nasdaq kéo dài từ tháng 6-2018 đến đỉnh điểm cuối tháng 12-2018, cho dù sự so sánh là khập khiễng vì quy mô toàn cầu của Facebook. Sau những ngày đầu rơi thẳng đứng và sau đó là rơi từ từ, cổ phiếu Facebook đã từ 217,5 đô la Mỹ về còn 124 đô la Mỹ. Cuộc khủng hoảng ở Facebook đã lan sang không ít cổ phiếu công nghệ. Yeah1 “may mắn” chưa có được tầm ảnh hưởng đó.
Theo dữ liệu của Hose, đến ngày 11-3-2019, nước ngoài đang nắm giữ 45,15% cổ phần tại Yeah1 và các cổ đông lớn người Việt Nam sở hữu hơn 51%. Do đó số lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài không nhiều. Vấn đề là liệu các cổ đông tổ chức ngoại sẽ phản ứng ra sao trước biến cố này ở tập đoàn.
Thị trường chưa quên “hiện tượng” Công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật (JVC-Hose). Khi một số thành viên ban lãnh đạo JVC bị khởi tố vào giữa năm 2015, nước ngoài sở hữu kín room 49% tại đây. Khối ngoại đã “đau lòng” nhìn cổ phiếu JVC nhanh chóng rớt thảm từ 25.000 đồng về dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Họ, sau cùng, đã phải thoái vốn khỏi JVC thông qua khớp lệnh trên sàn ở mức giá 4.000-5.000 đồng/cổ phiếu với thiệt hại tiền tỉ.
“Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) công bố kết quả kinh doanh năm 2018. Theo đó, doanh thu của Công ty đạt 1.658 tỉ đồng, tăng hơn 97%, tương ứng mức lợi nhuận sau thuế cả năm 180 tỉ đồng, tăng 119% so với mức 82 tỉ đồng của năm 2017. Trong đó, 89% doanh thu của Yeah 1 đến từ kênh YouTube”, theo https://yeah1group.com.
|
Lưu Hảo
TBKTSG
|