Sắc đỏ ập tới chứng khoán châu Á trước thềm cuộc họp Fed
Thị trường chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ vào sáng ngày thứ Ba (19/03), trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – dự kiến bắt đầu sau đó trong ngày hôm nay.
Tính tới lúc 11h ngày thứ Ba (19/03 – giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm nhẹ 0.22% và Shenzhen Component lùi 0.13%.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0.22%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 11h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0.13%, khi cổ phiếu của ông lớn Softbank Group hạ 0.5%. Chỉ số Topix giảm 0.32%. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 0.04%.
Ngoài ra, chỉ số ASX 200 của Australia giảm nhẹ 0.01%.
Trong ngày thứ Ba (19/03), biên bản họp chính sách tháng 3/2019 của Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) cho thấy, họ lưu ý căng thẳng thương mại vẫn là “nguồn gây bất ổn cho triển vọng toàn cầu”.
“Việc trì hoãn nâng thuế (trước đó được ấn định vào ngày 01/03/2019) đã tạo ra tâm lý lạc quan rằng căng thẳng có thể lắng xuống. Tuy nhiên, việc áp thêm thuế trong năm 2018 tiếp tục đè nặng lên hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và có hiệu ứng tác động lan truyền tới các nền kinh tế khác”, trích từ biên bản họp này. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, dựa trên dữ liệu mới nhất từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.
Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7106 USD vào buổi sáng, sau khi chạm mức đỉnh 2 tuần trên 0.711 USD trong ngày hôm qua, nhờ đồng USD suy yếu, giá quặng sắt leo dốc và các yếu tố khác.
Fed họp trong ngày thứ Ba
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm vào ngày thứ Hai (18/03) khi cổ phiếu Amazon và Apple có thành quả vượt trội, nhưng đà tăng của chứng khoán đã bị kìm hãm trong bối cảnh sức ép từ cổ phiếu Boeing và Facebook, trong khi nhà đầu tư chuẩn bị cho một tuần bận rộn với nổi bật là cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, chỉ số Dow Jones cộng 65.23 điểm lên 25,914.10 điểm – ghi nhận phiên thứ 4 tăng liên tiếp – khi đà tăng 1% của cổ phiếu Apple đã giúp bù đắp đà sụt giảm của cổ phiếu Boeing. Chỉ số S&P 500 tiến 0.4% lên 2,832.94 điểm khi các lĩnh vực năng lượng và tài chính đều tăng hơn 1%. Chỉ số Nasdaq Composite cũng nhích 0.3% lên 7,714.48 điểm khi cổ phiếu Amazon vọt hơn 1.5%.
Thị trường hiện dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tuần này. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ ngóng chờ các manh mối về dự báo kinh tế của Fed và kế hoạch cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán. Trước đó, Fed báo hiệu sẽ “kiên nhẫn” trước khi đưa ra bất kỳ động thái chính sách nào.
Thị trường tiền tệ và dầu
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 96.467 sau khi chạm mức 96.6 trong ngày hôm qua. Đồng JPY được giao dịch ở mức 111.27 đổi 1 USD sau khi dao động quanh mức 111.6 đổi 1 USD trong phiên hôm trước,
Giá dầu tiếp tục tăng giá trong tuần này, nhờ các tín hiệu gia hạn thỏa thuận sản lượng của liên minh OPEC+. Tuy vậy, trong buổi sáng ngày thứ Ba (19/03), hợp đồng dầu WTI tương lai giảm xuống 59.05 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai lùi xuống 67.52 USD/thùng.
Mới đây, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu lớn khác đã hủy bỏ cuộc họp tháng 4/2019 – vốn đã được lên kế hoạch từ trước, qua đó tạo điều kiện để thỏa thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ được triển khai tới ít nhất là tháng 6/2019.
OPEC+ trì hoãn quyết định vì họ cho là thị trường dầu vẫn trong tình trạng dư cung trong suốt nửa đầu năm 2019, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Khalid al-Falih cho biết tại cuộc họp ủy ban ở Baky, Azerbaijan. Ngoài ra, quyết định trì hoãn cũng cho phép các nhà sản xuất dầu đánh giá liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela (2 thành viên của OPEC) sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường dầu trong vài tháng tới, một vài hãng tin ghi nhận.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILi
|