Rót vào đạm Ninh Bình 6.000 tỉ, Vinachem muốn bán dự án lỗ 'lấy tiền trả nợ'
Rót vào đạm Ninh Bình tới 6.000 tỉ đồng, gần nửa vốn điều lệ của Vinachem, khiến cho gánh nặng tài chính quá lớn đang đặt ra nguy cơ có thể làm "đổ bể" cả Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Quang cảnh buổi họp của Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các dự án tồn tại, yếu kém của ngành công thương - Ảnh: NGỌC AN
Đấy là tâm sự của ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Vinachem, người vừa kiến nghị nếu có thể được thì bán dự án để "lấy tiền trả nợ" tại cuộc họp của Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các dự án tồn tại, yếu kém của ngành công thương ngày 27-3.
Theo ông Cường, đối với các dự án thua lỗ của Vinachem, đến nay một số đã có lãi và giảm lỗ nhưng khó khăn vẫn chồng chất khi nửa cuối năm 2018 giá than tăng rất cao, khan hiếm do ưu tiên cho sản xuất điện nên Tập đoàn phải cầu cứu TKV rót than kịp để chạy, và hiện vẫn đang ở tình trạng phải dàn xếp từng chuyến tàu một rất căng thẳng.
Đặc biệt, ông Cường cho biết khó nhất là tái cơ cấu lại các khoản vay.
Dẫn chứng như trường hợp của của Đạm Hà Bắc, doanh thu năm 2018 là 3.087 tỉ đồng nhưng do chi phí tài chính gồm lãi ngắn hạn, dài hạn và tỉ giá đã lên tới 820 tỉ đồng, khiến doanh nghiệp "không thể gượng được".
Năm 2019 theo tính toán khoản vay phải trả, chi phí tài chính là 870 tỉ trong khi kế hoạch doanh thu là 3.100 tỉ, là "gánh nặng là khủng khiếp" khi bình quân lãi suất vay là trên 10%, phạt chậm nhân lên hơn 15%/năm.
"Dù tiết kiệm nhưng lãi vay khủng khiếp quá, chi phí quá lớn, lại thêm giá điện tăng không biết xoay sở thế nào", ông Cường cho hay.
Do chi phí tài chính quá lớn nên theo ông Cường, việc xử lý Đạm Ninh Bình là "căng thẳng nhất", bày tỏ lo ngại nếu tình trạng này kéo dài thì có thể "kéo sập không chỉ đạm Ninh Bình mà sập cả tập đoàn".
"Tình trạng này bán ông này đi lấy tiền trả nợ, chứ không kéo sập cả tập đoàn. Trước mắt cho khoanh khoản nợ này lại với ngân hàng bởi đến nay việc đàm phán với EPC hiện hai bên thương thảo nhưng cũng không được", ông Cường cho hay.
Nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉ của ngành công thương - Ảnh: TL
Tuy nhiên, với một số dự án đã ghi nhận lãi và có hiệu quả kinh doanh như DAP1 Hải Phòng, ông Cường cho biết đã có lãi từ năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2019 là 12,4 tỉ đồng, nên "mong muốn được ra khỏi danh sách 12 dự án".
Trước đó, báo cáo về tình hình xử lý 12 dự án, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết với 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh và có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi như DAP số 1- Hải Phòng, Thép Việt Trung, các dự án còn lại đang từng bước khắc phục khó khăn.
Còn với ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 dự án vận hành ổn định trở lại là Dự án Xơ sợi polyester Đình Vũ, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước đang xây dựng kế hoạch và xác định thời điểm vận hành sản xuất phù hợp với điều kiện thị trường....
Tuy nhiên, những vướng mắc vẫn đặt ra như tranh chấp trong các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản tại dự án... do đó, Bộ Công thương cho rằng bên cạnh việc tái cơ cấu hoạt động, triển khai xử lý dự án theo phương án đã phê duyệt, thì cần xem xét đưa ra khỏi danh sách những dự án đã hoàn thành cơ bản việc xử lý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng tình việc xem xét đưa dự án, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ như nhà máy DAP1- Hải Phòng.
Còn đối với các dự án vẫn còn vướng mắc, ông Huệ yêu cầu cần đánh giá đầy đủ thông tin, các bất cập và khó khăn trong xử lý, các vấn đề pháp lý tranh chấp hợp đồng... các bộ ngành liên quan cần tích cực xử lý, làm quyết liệt và dứt điểm.
NGỌC AN
Tuổi Trẻ
|