Quỹ ngoại Tundra đón tháng 2 tươi đẹp nhất, nhận định Việt Nam đang trở thành công xưởng mới tại Châu Á
“Xét tới những bất ổn xoay quanh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều ông lớn trên toàn cầu đang xem xét chuyển dịch hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm hưởng những mức thuế suất thấp hơn và tận dụng lực lượng lao động giá rẻ.”
Đó là nhận định của quỹ ngoại chuyên “đánh game” nâng hạng Tundra Fonder, theo báo cáo mới nhất của quỹ này.
Tundra đón tháng 2 rực rỡ nhất kể từ ngày thành lập
Quỹ Tundra tăng trưởng 9.4% (tính bằng đồng SEK) vào tháng 2/2019, so với mức tăng trưởng 11.9% của FTSE Vietnam Total Return Index (chỉ số được Tundra lấy làm thước đo tham chiếu thành tích).
Thành tích của Tundra so với FTSE Vietnam Total Return Index
Nguồn: Tundra
|
Tháng 2/2019 cũng là tháng 2 tươi đẹp nhất của Tundra kể từ ngày quỹ này thành lập.
Hiệu suất tính theo tháng của Tundra
Nguồn: Bloomberg, MSCI, Tundra
|
Dòng vốn vào từ ETF đẩy giá cổ phiếu tăng, chủ yếu đối với các mã Blue-chip, trong khi cổ phiếu vốn hóa vừa không đạt được thành tích tương tự. Việc giảm tỷ trọng cổ phiếu bất động sản (chủ yếu là VHM và VIC) trong cơ cấu danh mục của Tundra chính là yếu tố chính khiến thành tích của Quỹ kém hơn so với thị trường chung. Ngoài ra, việc Tundra giảm tỷ trọng của MSN và VNM trong danh mục cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực.
10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Tundra vào cuối tháng 2/2019
Nguồn: Tundra
|
Ở mặt tích cực, những vị thế khác với chỉ số tham chiếu (các cổ phiếu không thuộc FTSE Vietnam Total Index) của Tundra trong ngành vật liệu (HSG), tài chính (VND, SSI,…), công nghệ thông tin (FPT) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (TNG) đóng góp tích cực vào thành tích của Quỹ.
Thêm vào đó, danh mục của Tundra cũng nghiêng về “nhóm cổ phiếu tăng trưởng có mức định giá hợp lý”, xác định dựa trên mức P/E là 12x, thấp hơn so với mức P/E lên đến 21x của chỉ số tham chiếu.
Cơ cấu danh mục Quỹ Tundra phân theo ngành vào cuối tháng 2/2019
Nguồn: Tundra
|
Đáng chú ý, 3 cổ phiếu trong danh mục của Tundra đạt hiệu suất cao nhất chính là nhóm những ông lớn ngành thép HPG, HSG, NKG. Tuy vậy, trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 3/2019, thị giá nhóm cổ phiếu kể trên có dấu hiệu hạ nhiệt sau giai đoạn “phi mã”.
5 cổ phiếu trong danh mục Tundra đạt hiệu suất cao nhất vào tháng 2
Nguồn: Tundra
|
Tháng 2/2019 là khoảng thời gian “ăn nên làm ra” của Tundra. Những cổ phiếu có thành tích kém nhất trong danh mục thậm chí vẫn mang về lợi nhuận, dù rằng không đáng kể.
5 cổ phiếu trong danh mục Tundra có hiệu suất kém nhất vào tháng 2
Nguồn: Tundra
|
“Chúng tôi tin rằng sự hồi quy sẽ diễn ra trên thị trường, khi những bước đi của nhóm doanh nghiệp Blue-chip được hé lộ và khi dòng vốn bị động (ETF) dần hạ nhiệt. Tundra không bổ sung cổ phiếu nào trong tháng 2/2019, và quỹ cũng giảm tỷ trọng lĩnh vực năng lượng trong danh mục.” - Tundra cho biết.
Việt Nam – Công xưởng mới của Châu Á?
Hậu Tết Nguyên Đán, Tundra cho biết dòng vốn đã trở lại thị trường, đặc biệt là từ các nhà đầu tư trong nước sau đợt rút bớt vốn diễn ra trước Tết. Trong tháng 2/2019, chỉ số tham chiếu của Tundra tăng trưởng 11.9% (tính bằng đồng SEK), cao hơn nhiều so với mức 2.4% của MSCI Emerging Markets và mức 2.8% của MSCI Frontier Markets xGCC.
“Chúng tôi nhận thấy sự cải thiện về thanh khoản trong tháng 2/2019 với giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày ở mức 208 triệu USD. Khối ngoại cũng tăng cường đầu tư vào Việt Nam khi rót thêm 91 triệu USD, chủ yếu là dòng vốn từ quỹ ETF” – Quỹ Tundra cho biết trong báo cáo vừa công bố.
Việt Nam vẫn còn là tâm điểm chú ý trên toàn cầu nhờ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 2/2019. Mặc dù hai bên không đạt được thỏa thuận sau cuộc đàm phán, nhưng tầm quan trọng của Việt Nam trong bức tranh địa chính trị chắc chắn được nâng cao. Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam cũng ký những thỏa thuận mua khoảng 200 máy bay từ Boeing trong suốt chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cùng với đó, Việt Nam và Mỹ cũng bàn về nhiều hướng kinh doanh khác, đáng chú ý nhất là hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã dịu bớt phần nào và có thông tin cho rằng hai bên đang trong giai đoạn đàm phán thương mại cuối cùng, nhờ đó thị trường chứng khoán cũng thở phào nhẹ nhõm. Dù vậy, Tundra bày tỏ quan điểm không chắc chắn về vấn đề này, cho tới khi thỏa thuận cuối cùng được đưa ra. Mới đây, Mỹ đã lùi hạn chót nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc dường như sẵn lòng giảm thuế đối với nông sản, hóa chất, xe hơi và các hàng hóa khác của Mỹ.
Tháng 2/2019, bức tranh vĩ mô đan xen bởi những gam màu sáng tối. Trong đó, các con số về thương mại khiến thị trường thất vọng. Kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 5.9% so với cùng kỳ năm trước, còn kim ngạch nhập khẩu tăng 7.5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thâm hụt 84 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, nhưng cán cân tháng 2/2019 thâm hụt đến 900 triệu USD.
Lý do chính dẫn tới suy giảm kim ngạch xuất khẩu xuất phát từ đà giảm tốc đối với phân khúc điện thoại di động trên toàn cầu, trong đó 25% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là điện thoại di động (chủ yếu là từ Samsung). Chỉ số PMI rơi xuống đáy 3 năm tại 51.2, điều này cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã chậm lại, chủ yếu là do số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Chỉ số CPI tăng 0.8% so với tháng trước và 2.6% so với cùng kỳ năm trước. Câu chuyện trở thành công xưởng mới tại châu Á của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng và dòng vốn FDI đang gia tăng. Tổng lượng vốn FDI đăng ký trong 2 tháng đầu năm đạt mức 8.5 tỷ USD, tăng mạnh 150% so với cùng kỳ năm trước và lượng FDI đã giải ngân tăng 10% lên 2.6 tỷ USD. Xét tới những bất ổn xoay quanh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều ông lớn trên toàn cầu đang xem xét chuyển dịch hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm hưởng những mức thuế suất thấp hơn và tận dụng lực lượng lao động giá rẻ.
Thừa Vân - Vũ Hạo
FILI
|