Phó Thủ tướng Trung Quốc cam kết hạ thuế nhập khẩu và bán trái phiếu để hỗ trợ tăng trưởng
Các quan chức hàng đầu Trung Quốc cam kết hạ thuế nhập khẩu và triển khai bán nợ trong năm 2019 nhằm ngăn chặn đà giảm tốc kinh tế, đồng thời đối phó với tình trạng xung đột thương mại với Mỹ.
Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ thuế nhập khẩu và tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình mở cửa nền kinh tế, Phó Thủ tướng Trung Quốc Han Zheng cho biết tại sự kiện Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) ở Bắc Kinh trong ngày Chủ nhật (24/03) mà không đưa ra thông tin chi tiết về đợt giảm thuế nhập khẩu.
Ông Han khẳng định sẽ sử dụng chính sách để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn, ngăn cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc và giảm bớt hạn chế đối với các khoản đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy nhanh bán trái phiếu và sử dụng nguồn tài trợ để thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Các cam kết trên báo trước phần nào về vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tuần này, lại thêm một yếu tố để cải thiện tâm lý nhà đầu tư về mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhấn mạnh tới việc tăng cường hỗ trợ tài khóa, Bắc Kinh ngày càng trông chờ vào thị trường nội địa khi đang phải vật lộn với đà giảm tốc trên toàn cầu.
“Chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc hỗ trợ nền kinh tế thực” mặc dù nguồn thu của Chính phủ đang tăng trưởng chậm lại, ông Liu cho biết, đồng thời lặp lại đợt giảm thuế và phí trong năm nay có trị giá ít nhất 2 ngàn Nhân dân tệ (tương đương 298 tỷ USD). Khoảng 70% giá trị của đợt cắt giảm sẽ đến từ thuế, phần còn lại đến từ phí an ninh xã hội và các khoản giảm phí khác, ông cho hay.
Chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng tốt hơn các nguồn lực và ưu tiên chi tiêu cho các dự án như các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và cải thiện đời sống của người dân, ông nói.
Các cơ quan chức trách sẽ cố gắng để hoàn tất đợt phát hành 3.08 ngàn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu Chính phủ Trung Quốc trước tháng 09/2019 để ổn định hóa đầu tư, đồng thời để mắt tới các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán mà các quan chức đã huy động thông qua các phương tiện tài trợ, nhất là từ lĩnh vực rủi ro cao, ông Liu nói thêm.
Số liệu tốt hơn dự báo
Kinh tế giảm tốc, lạm phát còn yếu ớt và các biện pháp kìm hãm bong bóng bất động sản đã gây áp lực lên tăng trưởng nguồn thu Chính phủ cũng như các nguồn tài trợ thay thế như doanh thu bán đất. Điều này đã thôi thúc Joseph Stiglitz – Chuyên gia đoạt giải Nobel – phải kêu gọi Chính phủ cân nhắc tăng một số khoản thuế trong lúc họ tái cấu trúc nền kinh tế.
Stiglitz cũng cho biết nền kinh tế cần thêm nhiều ngân hàng khu vực và thị trường cổ phiếu tốt hơn để giảm bớt sự lệ thuộc vào các tổ chức cho vay Nhà nước.
Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 xuống còn 6-6.5%, đồng thời cam kết thực hiện gói cắt giảm thuế khổng lồ và các biện pháp khác để ngăn chặn đà giảm tốc. Đà giảm tốc ngày càng mạnh đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao hơn, khuếch đại áp lực lên Chính phủ.
Các chỉ báo kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2019 có vẻ “tốt hơn dự báo” mặc dù đà tăng trưởng toàn cầu đã giảm tốc, Ning Jizhe, Phó Chủ tịch của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) cho biết tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các động thái để nâng cao tiềm năng tiêu thụ của người dân và gầy dựng thị trường nội địa vững mạnh, bao gồm cả tăng thu nhập của nông dân, ông Ning Jizhe cho biết.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|