Nhịp đập Thị trường 25/03: Giảm mạnh phiên đầu tuần
Thị trường mở phiên và kết phiên với 1 kịch bản duy nhất, đó là giảm mạnh với sắc đỏ lan rộng khắp bảng điện. Tuy nhiên, lực cầu xuất hiện ở vùng 970 điểm giúp chỉ số trục vững tại vùng này.
Kết phiên, VN-Index giảm 1.89%, đạt mức 970.07 điểm. HNX-Index dừng tại mức 106.41 điểm, giảm 1.56%.
Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán với 225 mã tăng và tới 463 mã giảm.
Ba anh em nhà họ Vingroup là VHM, VIC và VRE vẫn là nguyên nhân chính kéo thị trường đi xuống. Đây là 3 mã tác động mạnh nhất tới chỉ số VN-Index và đồng thời khiến chỉ số này mất đến hơn 5 điểm trong phiên hôm nay.
Nhóm ngành ngân hàng diễn biến tiêu cực khi sắc đỏ là tông màu chủ đạo của nhóm ngành này. Large Cap đầu ngành ngân hàng là VCB, CTG và BID đều giảm hơn 1.5%.
Ngành nông-lâm-ngư là ngành duy nhất đi ngược lại thị trường khi tăng 6.12%. Điều ấn tượng đến từ ngành này là hai mã HNG và HAG tăng trần với khối lượng giao dịch “khủng”. Điều này liên quan tới sự kiện Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco, THA) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) ký thêm phụ lục hợp đồng hợp tác ngày 24/03/2019. Ngoài nắm giữ 35% cổ phần của HAG, công ty nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ tiếp tục hỗ trợ Bầu Đức chế biến, xuất khẩu trái cây tươi.
Khối ngoại mua ròng gần 200 tỷ đồng trên sàn HOSE, với lực mua tập trung ở cổ phiếu CTG, HPG và VNM… Trên sàn HNX khối ngoại mua ròng gần 20 tỷ đồng, với lực mua tập trung vào mã PVS và SHB.
14h: Chưa có dấu hiệu hồi phục
Đà giảm của thị trường vẫn chưa suy yếu khi áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế. Nhóm VN30 đã chìm sâu trong sắc đỏ khi không có mã nào tăng điểm.
Tính đến 14h00, độ rộng thị trường vẫn nghiêng hẳn về bên bán với 161 mã tăng và 467 mã giảm.
Thị trường chứng kiến sự sụp đổ của các mã cổ phiếu trụ trong rổ VN30 khi sắc đỏ đã hoàn toàn chiếm lấy nhóm cổ phiếu này. Các mã Large Cap đầu ngành là VIC, VHM, GAS đang là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm sâu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn chưa phát tín hiệu lạc quan khi hàng loạt Large Cap nhóm này như GAS, PVS, PVD đều giảm sâu hơn 3%.
Các cổ phiếu đại diện ngành thủy sản cũng không thoát khỏi áp lực bán mạnh. FMC, VHC, ANV đồng loạt giảm hơn 2%.
Ngành nông-lâm-ngư giữ vững đà tăng trưởng khi tăng 5.93%. Hai mã HAG, HNG tiếp tục phát các tín hiệu tích cực khi đóng góp 0.2 và 0.07 điểm vào chỉ số VN-Index, với tình trạng tăng trần và trắng bên bán. Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất thiết bị, máy móc duy trì là ngành giảm mạnh nhất thị trường với mức giảm 4.81%.
Phiên sáng: Bắt đáy sôi động, VN-Index vẫn giảm hơn 18 điểm
Sau khi sụt gãy mạnh ngay khi mở cửa phiên, VN-Index đã nhận được lực cầu bắt đáy giúp chỉ số thu hẹp được đà giảm. Tuy vậy, kết phiên giao dịch buổi sáng chỉ số vẫn đang giảm sâu hơn 18 điểm.
Kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 970.52 điểm, giảm 1.84%. HNX-Index dừng tại mức 106.52 điểm, tương đương mức giảm 1.45%.
Độ rộng thị trường khá yếu với 161 mã tăng và 429 mã giảm điểm. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm lĩnh thị trường.
5 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên VN-Index là VHM, GAS, VIC, VCB và VRE. Trong đó, VRE lao dốc mạnh hơn 5%, cổ phiếu đã mất hơn 15% thị giá kể từ khi lập đỉnh vào ngày 14/03/2018.
3 cổ phiếu đi ngược thị trường hiện tại là HAG, HNG, YEG, hiện đều đang tăng kịch trần trong tình trạng trắng bên bán.
Toàn ngành ngân hàng hiện chỉ xuất hiện sắc xanh duy nhất từ cổ phiếu KLB. Các Large Cap nhóm này như VPB, CTG, VIB đều đang giảm sâu hơn 2%.
Hai cổ phiếu ngành hàng không đang diễn biến khá tiêu cực khi VJC giảm 1.2%, còn HVN giảm đến 1.9%.
Nông – lâm – ngư đang là nhóm tăng điểm mạnh nhất thị trường với mức tăng 6.11%. Trái lại, sản xuất máy móc thiết bị là nhóm điều chỉnh mạnh nhất thị trường với mức giảm 4.81%.
Khối ngoại mua ròng 102 tỷ trên sàn HOSE và mua ròng hơn 9 tỷ trên sàn HNX. Lực mua tập trung ở các mã VCB và CTG trên sàn HOSE. SHB đang là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
10h30: Bộ đôi HAG và HNG tăng kịch trần
Lực cầu bắt đáy xuất hiện nhưng bên bán vẫn chiếm ưu thế lớn và khiến chỉ số VN-Index duy trì nằm sâu dưới mốc tham chiếu.
Tính đến 10h30, độ rộng thị trường vẫn nghiêng hoàn toàn về bên bán với 98 mã tăng và 271 mã giảm.
Họ Vingroup đang là các cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường. Hai mã VHM và VIC đang khiến chỉ số VN-Index suy yếu mạnh. Trong khi đó, VRE là mã suy giảm mạnh nhất trong rổ VN30 khi giảm giá tới gần 5%.
Ngành nông-lâm-ngư tiếp tục có diễn biến khởi sắc với mức tăng 5.6% và là một trong hai ngành duy nhất ngăn chặn sự lao dốc của thị trường. Hai mã cổ phiếu HAG và HNG đang là ngôi sao sáng của ngành với mức tăng giá trần cùng khối lượng giao dịch “khủng”; đóng góp lần lượt 0.2 và 0.07 điểm vào đà tăng của chỉ số VN-Index.
Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất thiết bị và máy móc hiện là ngành có ảnh hưởng tiêu cực nhất khi giảm 4.81%.
Tuy thị trường phát ra những tín hiệu xấu nhưng khối ngoại vẫn đang mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX với giá trị hơn 50 tỷ đồng.
Mở cửa: Bán mạnh đầu phiên
Thị trường mở cửa đầy tiêu cực khi sắc đỏ lan rộng khắp bảng điện khiến chỉ số VN-Index giảm sốc đến 20 điểm.
Tính đến 9h30, độ rộng thị trường đang nghiêng hoàn toàn về bên bán với 98 mã tăng và 271 mã giảm.
VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đang diễn biến trái chiều. Trong khi VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) discount ở mức -0.54% thì FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) ở trạng thái premium 1.98%.
Rổ VN30 đang diễn biến rất tiêu cực khi không có mã nào tăng điểm. Các Large Cap lớn như VHM, GAS đều giảm mạnh hơn 3% khiến thị trường mất đi các trụ đỡ chính của mình và suy yếu trầm trọng.
Sắc đỏ là màu chủ đạo của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đa số các cổ phiếu ngành này đều giảm hơn 1%. Đặc biệt ông lớn VCB giảm mạnh nhất với mức giảm 3.4%.
Điểm sáng hiếm lúc này là cổ phiếu YEG, mã này tiếp tục có các tín hiệu tích cực khi có phiên trần thứ 3 liên tiếp sau chuỗi giảm sàn 13 phiên.
Thị trường đang rất hoảng loạn và đầy tín hiệu xấu khi chỉ có 3 trên 25 ngành tăng điểm. Ngành nông-lâm-ngư đang diễn biến rất khởi sắc và là một trong những đầu tàu chính dẫn dắt thị trường với mức tăng 2.32%. Ngược lại, ngành sản xuất thiết bị và máy móc hiện là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm 4.81%.
Thế Phong
FILI
|