Nếu gom được GTN, Vinamilk sẽ bành trướng ra sao?
Vinamilk hiện đang chiếm 59% thị phần ngành sữa, nếu "gom" được Sữa Mộc Châu về một mối thì câu chuyện ngành sữa sẽ có biến động rất lớn.
* Vinamilk dự chi hơn 1,517 tỷ đồng thâu tóm sữa Mộc Châu?
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) vừa công bố tin muốn mua tối đa 46.68% vốn GTN, tương đương gần 117 triệu cp, với giá 13,000 đồng/cp. Điều này có nghĩa là số tiền tối đa VNM bỏ ra cho thương vụ này ước tính trên 1,517 tỷ đồng. Thông tin này đủ lý giải cho nguyên nhân giá cổ phiếu GTN bật tăng gần 46% chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, quanh mức 17,000 đồng/cp.
Như vậy, sau động thái này cùng với hoạt động gom lượng lớn gần 20 triệu cổ phiếu (8%) GTN của CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM) thì cơ cấu cổ đông của GTN đang bắt đầu có những biến chuyển lớn. Và chưa rõ những cổ đông nào đã thoái lui, nhường chỗ cho HSC trong danh sách này.
Cơ cấu cổ đông GTN tại thời điểm tháng 1/2019 khi HCM chưa đặt chân vào
Nguồn: GTN
|
GTN có gì?
GTN tiền thân là CTCP Khoáng sản và Môi trường Đại Việt, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Sau đó, GTN đổi tên thành CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất và tăng vốn lên 680 tỷ đồng.
Cuối năm 2013, GTN đã góp vốn vào 3 công ty con là: CTCP Nhựa miền Trung (90%); CTCP Vật liệu Xây dựng Quảng Nam Đà Nẵng (nay là Thống Nhất miền Trung, 98.36%) và CTCP Khoáng sản Xuất nhập khẩu Áng Sơn III (nay là Năng lượng Thống Nhất, 95%).
Từ năm 2015, Bộ NN&PTNT đã thoái vốn khỏi Tổng Công ty chè Việt Nam - CTCP (Vinatea) và Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, VLC). Qua nhiều giai đoạn, cả Vinatea và Vilico đều trở thành công ty con của GTN. Đồng thời lúc này, GTN tăng vốn điều lệ lên 2,500 tỷ đồng như hiện nay.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2018 hơn 3,000 tỷ đồng, Mộc Châu đóng góp chính yếu vào nguồn thu của GTN với 82%, còn Vinatea chỉ ở mức 13%.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, GTN sẽ đầu tư mạnh vào ngành sữa, đồng thời thoái vốn tại các khoản đầu tư và bất động sản không cốt lõi.
“Bò vàng” Mộc Châu
Trong nhóm các công ty con, GTN sở hữu chi phối VLC - đơn vị đang nắm giữ “bò vàng” CTCP Giống bò sữa Mộc Châu đầy tiềm năng.
Hiện, Mộc Châu có 24,000 bò sữa nuôi trên diện tích 1,000 ha, tạo ra 100,000 tấn sữa tươi hàng năm. Mộc Châu cũng tham gia vào đầy đủ các ngành hàng gồm sữa tiệt trùng, thanh trùng, sữa chua và các sản phẩm khác từ sữa như bánh sữa, váng sữa, phô mai, bơ.
Theo công bố của GTN, trong thị trường sữa nước Việt Nam, Mộc Châu chỉ chiếm 6% thị phần, còn lại là Vinamilk (VNM) đứng đầu trong với 55%, tiếp đến là TH True Milk 11%, FCV chiếm 7%.
Tuy nhiên, nếu tính riêng khu vực miền Bắc, Mộc Châu chỉ đứng sau Vinamilk với 23%, vượt cả TH True Milk.
Tình hình kinh doanh và thị phần của Mộc Châu
Nguồn: GTN
|
Trong giai đoạn 2015-2018, vốn điều lệ của Mộc Châu không hề thay đổi, duy trì ở mức 25.3 triệu USD. Vậy nhưng, hiệu suất hoạt động của Mộc Châu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá, chỉ riêng năm 2018 có vẻ chững lại khi rớt xuống mức 9.1 triệu USD lãi thuần, dù doanh thu vẫn đứng vững tại 110.5 triệu USD.
Với tầm nhìn dài hơi, Mộc Châu đặt mục tiêu doanh thu tăng 15%/năm, đạt 170 triệu USD vào năm 2020. Đàn bò và sản lượng cũng tăng trưởng từ 15-20%/năm, trong đó đàn bò tăng từ 23,000 con lên 35,000 con đến 2020, định hướng tăng lên 100,000 con.
Vinamilk vẫn không ngừng tham vọng
Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại trải dài khắp Việt Nam, đạt tiêu chuẩn Global GAP với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ và New Zealand.
Năm 2018, Vinamilk vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường toàn quốc với 55% thị phần sữa nước. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc và hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Tính chung lại, thị phần tổng thể của Vinamilk hiện chiếm 59% và Công ty đặt mục tiêu mỗi năm chiếm thêm 1% bởi còn dư địa 40% để tăng trưởng.
Năm 2018, Vinamilk đã nhập hơn 400 cô bò sữa, tăng tổng số lượng bò hiện nay trong các trang trại Vinamilk và hộ nông dân lên tới hơn 120,000 con, với sản lượng khoảng 800 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày.
Dự kiến, Vinamilk sẽ nâng tổng đàn bò lên khoảng 200,000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi.
Tình hình tài chính của VNM trong những năm qua
|
Trong một lần trao đổi gần đây nhất, Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk vẫn tập trung vào ngành cốt lõi, nhất là ưu tiên sáp nhập cùng ngành nghề kể cả trong và ngoài nước, chứ không có ý định đầu tư ngoài ngành dù lượng tiền mặt còn rất dồi dào với khoảng 10,000 tỷ đồng.
Như vậy, động thái chào mua công khai của Vinamilk đã chứng minh cho câu nói định hướng M&A của bà Mai Kiều Liên. Và nếu việc thâu tóm GTN thành công, thị phần ngành sữa nước của VNM không chỉ dừng lại ở mức mỗi năm nhích 1%, mà đặc biệt năm 2019 sẽ tăng mạnh lên hơn 60%, đồng thời Công ty cũng chi phối thị trường miền Bắc.
Quy mô VNM hậu sáp nhập sẽ như thế nào khi nhìn vào những con số này?
|
Minh An
Fili
|