LHG - Cổ phiếu tốt nhưng liệu có tốt hơn?
Đây là một công ty tốt với chính sách cổ tức ổn định và kết quả kinh doanh tăng trưởng trong những năm qua. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại một số yếu tố khiến cho nhà đầu tư cảm thấy băn khoăn.
Vị trí Khu công nghiệp Long Hậu. Nguồn: LHG
Các yếu tố tạo nên sức hút của LHG
IIP tăng trưởng mạnh. Sau khi tạm chững lại vào năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng nhanh và liên tục trong những năm qua. Từ năm 2011 đến nay, IIP luôn cao hơn GDP (chỉ trừ năm 2012).
Điều này tạo thành nền tảng phát triển vững chắc cho lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp nói chung và LHG nói riêng.
Nguồn: VietstockFinance
Vị trí địa lý đắc địa. Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu được xây dựng tại một vị trí chiến lược khi có hệ thống giao thông thuận tiện, dễ dàng kết nối với các cảng lớn như cảng Tân Cảng, cảng Container Trung Tâm Sài Gòn, cảng Cát Lái…
Ngoài ra, nhờ kết nối với đường Nguyễn Văn Linh thông qua trục đường Bắc - Nam có 6 làn xe (tương lai là 10 làn xe), KCN Long Hậu dễ dàng kết nối đến Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận qua tuyến đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương.
Nguồn: LHG
Doanh thu tăng trưởng tốt. Doanh thu của LHG phần lớn đến từ hoạt động cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy lợi nhuận của LHG mang tính chu kỳ.
Sau khi xuống đáy vào năm 2013, lợi nhuận tăng trở lại khá mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, giai đoạn 2013-2018 có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) đạt mức 49.51%.
Trong năm 2018, doanh thu thuần sụt giảm 11.89% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 9.05% nhờ việc tiết kiệm giá vốn hàng bán và doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính tăng.
Biến động lợi nhuận sau thuế TNDN của giai đoạn 2007-2018. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Nhìn vào bảng bên dưới, ta thấy định giá LHG vẫn đang ở mức thấp so với các doanh nghiệp khác trong ngành. Vốn hóa của LHG ở mức khá thấp và chỉ bằng khoảng 0.25 lần so với trung bình ngành.
Bảng so sánh các doanh nghiệp trong ngành Bất động sản Khu công nghiệp
Nguồn: VietstockFinance
Vấn đề sông Soài Rạp tạo ra một số lo ngại về LHG
Hai tuyến thủy lộ chính để đi vào Thành phố Hồ Chí Minh. Sông Đồng Nai sau khi nhận nước của sông Sài Gòn xuôi xuống Nhà Bè thì chia làm hai. Nhánh phía tây là sông Soài Rạp chảy ra cửa Soài Rạp. Nhánh phía đông là sông Lòng Tàu chảy ra vịnh Gành Rái.
Sông Lòng Tàu là một tuyến giao thông đường thủy quan trọng ở Đông Nam Bộ và là nơi các tàu biển từ Biển Đông đi qua cửa sông Ngã Bảy vào cập Cảng Sài Gòn. Từ thời Pháp thuộc, sông Lòng Tàu là thủy lộ chính nối liền Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và biển. Tuy nhiên, sông Lòng Tàu khá hẹp nên chỉ phù hợp với các tàu vừa và nhỏ.
So với sông Lòng Tàu, bề ngang của sông Soài Rạp rộng hơn và thủy lộ cũng ngắn hơn nên trong những năm gần đây đã được nạp vét và khai thác mạnh. Chính quyền TPHCM đã mất 3,000 tỉ đồng chi phí ban đầu và khoảng 300 - 400 tỉ đồng hàng năm để nạo vét luồng Soài Rạp.
Vấn đề bồi lắng trên sông Soài Rạp. Sông Soài Rạp có nhiều lợi thế so với sông Lòng Tàu nhưng lòng sông hay bị bồi lắng. Hiện tượng này lại càng mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Từ cuối năm 2017 đến nay, các cảng trong khu vực Hiệp Phước rất ít đón được tàu hàng container tải trọng lớn ra vào và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác cầu bến.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do luồng Soài Rạp dẫn từ biến vào khu vực cảng ở Hiệp Phước đã bị bồi lắng nghiêm trọng trong thời gian qua với nhiều dải cạn và không đạt độ sâu nước 9.5 m cho tàu lớn vào. Các tàu hàng ra vào các cảng khu vực Hiệp Phước có mớn nước hành trình lớn hơn 7.5 m đều buộc phải chuyển sang luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (sông Lòng Tàu) vốn hẹp hơn, khúc khuỷu hơn và thời gian hành trình trên luồng dài hơn.
Mặc dù sông Cấm ở Hải Phòng cũng bị tình trạng tương tự nhưng đoạn thủy lộ lại khá ngắn (khoảng 5-7km) nên việc nạo vét khá nhanh và dễ dàng.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Những ảnh hưởng đến các khu công nghiệp trong khu vực. Nếu không có phương án sớm khác phục vấn đề trên thì tình trạng khó khăn do "đói hàng" có thể chồng chất lên vai các chủ cảng khu vực Hiệp Phước.
Điều này cũng ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động và phát triển kinh doanh của các khu công nghiệp lân cận như LHG và HPI. Nói cách khác, LHG là một doanh nghiệp tốt nhưng để có thể tốt hơn và có những bứt phá mạnh mẽ trong tương lai thì rất khó.
Định giá cổ phiếu và chiến lược đầu tư
LHG có chính sách cổ tức khá ổn định và tăng trưởng đều trong nhiều năm (tham khảo đồ thị bên dưới) nên mô hình chiết khấu cổ tức DDM (Dividend Discount Model) có thể sử dụng trong trường hợp này.
Giai đoạn năm 2011-2014, LHG chia cổ tức ở mức tương đối thấp khi thường xuyên dưới mức 1,000 đồng/cp. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2015-2017, dòng tiền đến từ cổ tức của LHG đã hấp dẫn trở lại đối với những nhà đầu tư khi được nâng lên mức 1,500 đồng/cp.
Dự kiến cổ tức năm 2018 sẽ được nâng lên khoảng 1,600 đồng/cp.
Nguồn: VietstockFinance
Mức P/E trung bình của nhóm cổ phiếu cùng ngành là 8.9. Với kết quả này thì giá hợp lý của doanh nghiệp theo phương pháp P/E là 32,182. Tuy nhiên, do định giá theo DDM khá thấp nên kết quả định giá tổng hợp chỉ ở mức 26,098.
Mức giá thị trường hiện nay của LHG chỉ thấp hơn giá trị hợp lý của cổ phiếu khoảng 15%-20%. Vì vậy, nhà đầu tư nên chờ LHG giảm về gần vùng 17,000-19,500. Khi đó, việc mua vào sẽ an toàn và ít rủi ro hơn.
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|