Hôm nay 20-3, giá điện tăng từ 1.720 đồng lên 1.864 đồng/KWh
Giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước chính thức tăng từ 1.720 đồng/KWh lên 1.864 đồng/KWh (chưa gồm VAT), tức 8,36%, từ hôm nay 20-3.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng 8,36% từ ngày hôm nay 20-3.
Về kế hoạch tăng giá điện, Bộ Công Thương đã có phương án cụ thể từ đầu tháng 3 này, Chính phủ đã đồng ý với phương án này. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước tăng từ 1.720 đồng/KWh lên 1.864 đồng/KWh (chưa gồm VAT).
Dự kiến, vào lúc 17 giờ hôm nay 20-3, Bộ Công Thương sẽ tổ chức họp báo thông tin cụ thể về việc điều chỉnh giá điện nêu trên.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Từ năm 2010 tới nay đã có 7 đợt tăng giá điện và lần gần nhất vào cuối năm 2017.
Giá điện chính thức tăng 8,36% từ hôm nay 20-3
Đại diện Bộ Công Thương lý giải thêm hiện mức tiêu thụ tăng 10%, trong khi các dự án điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, ngành điện phải huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than. Ngoài ra, các tác động từ phí bảo vệ môi trường, tỉ giá… đã làm EVN tăng chi phí hàng ngàn tỉ đồng.
Bộ Công Thương cho rằng phương án giá điện năm 2019 đã bao gồm các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện. Cụ thể, giá than nội địa điều chỉnh bước 1 với mức tăng bình quân 5% khiến chi phí mua điện tăng thêm khoảng 3.183 tỉ đồng. Giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước từ ngày 16-1-2019 có giá cao hơn giá than nội địa làm tăng chi phí mua điện khoảng 1.921 tỉ đồng. Thuế bảo vệ môi trường đối với than và xăng dầu tăng cũng làm tăng chi phí mua điện khoảng 450 tỉ đồng.
Trong kịch bản điều hành giá điện năm 2019, Bộ Công Thương cho biết sẽ tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo đó, cơ quan này tiếp tục duy trì việc hỗ trợ các đối tượng này với mức 30 KWh/hộ/tháng.
Minh Chiến
Người Lao động
|