Thứ Ba, 26/03/2019 08:37

Hà Nội chuyển hồ sơ sang Công an 10 dự án sai phạm xây dựng

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thừa nhận tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thủ đô diễn ra trong thời gian dài, có nhiều công trình gây bức xúc cho cử tri...

Dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 nằm trong số các dự án sai phạm.

"Một trong những nguyên nhân khiến các công trình vi phạm tồn tại kéo dài là lực lượng Thanh tra xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. 17 năm qua, Thanh tra xây dựng đã ba lần thay đổi mô hình, lúc thuộc sở, khi thuộc quận, huyện nhưng chức năng nhiệm vụ không thay đổi nên không thể đổ trách nhiệm cho ai".

Đánh giá trên được Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu ra tại phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố do cơ quan này tổ chức ngày 25/3.

Báo cáo tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn thủ đô những năm qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở các dự án; cá nhân, hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp; phát sinh nhà siêu mỏng siêu méo trong quá trình mở đường; vi phạm quản lý đất rừng... diễn ra trong thời gian dài, có nhiều công trình gây bức xúc cho cử tri.

Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, Thành ủy đã có chỉ thị, UBND thành phố cũng ban hành các quy định, lộ trình cụ thể. Thành phố đã họp bàn xác định rõ nguyên nhân chính là việc phát hiện sai phạm ở cơ sở không kịp thời; có nơi cán bộ có biểu hiện làm ngơ, bao che dẫn đến có công trình đã sai ở quy mô lớn mới phát hiện.

Thành phố cũng đã báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sắp xếp lại, giao Đội thanh tra trật tự xây dựng cho quận huyện quản lý; thành phố cũng tổ chức các đoàn thanh tra công vụ với các vụ việc cũng như tiếp nhận thông tin từ cử tri, cơ quan báo chí.

Đáng chú ý, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện 21 công trình/dự án vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận thanh tra đang tiếp tục được xử lý, trong đó có 10 công trình/dự án đang xem xét chuyển cơ quan cảnh sát điều tra.

Trong đó, có dự án Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, quận Hà Đông do Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở và Trung tâm thương mại Hà Đông do Công ty TNHH Hyundai RNC làm chủ đầu tư; Khu đô thị Thanh Hà- Cienco 5; các dự án xây dựng bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng tại các ô đất ký hiệu DX1, DX2, DX3, DX4, CX1, CX2 khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy; dự án 93 Lò Đúc; dự án 8B Lê Trực...

Riêng đối với dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, UBND thành phố Hà Nội cho biết, nội dung vi phạm theo kết luận là diện tích xây dựng thêm tại tầng áp mái tại 9 tòa nhà chung cư thuộc các ô đất B1.4-HH01 và B1.4-HH02.

Nguyên nhân tồn tại chưa xử lý được là do cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an đang tiến hành điều tra trong việc cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án.

Liên quan đến việc thanh tra đối thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, kinh doanh bất động sản các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Công ty Cổ phần sản xuất – xuất nhập khẩu BEMES làm chủ đầu tư, kể cả các dự án là nhà đầu tư thứ cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội... UBND thành phố cho biết, các dự án có vi phạm gồm: Khu nhà ở Xa La, Phúc La, Hà Đông.

Cùng với đó là dự án có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì; Dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5, xã Tân Triều, Thanh Trì; Dự án tổ hợp chung cư và dịch vụ tại ô HH3 thuộc lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Linh Đàm, Hoàng Mai; Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và TM Bemes, Kiến Hưng, Hà Đông; Dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở cao tầng tại ô đất VP3, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai; Dự án tổ hợp chung cư và dịch vụ tại ô HH4 thuộc lô CC6, Linh Đàm, Hoàng Mai...

Kết luận phiên giải trình,Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Nhiều vấn đề Thành ủy, UBND thành phố lưu ý nhưng chủ tịch các quận, huyện, xã, phường buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm các vi phạm. Hiện còn 80 công trình vi phạm cũ ở 7 quận, huyện chưa được xử lý", bà Ngọc nói.

"Hộ dân xây nhà, chỉ đẩy một xe cát vào thanh tra xây dựng đã biết. Nhưng tại sao có những cái nhà xây to như con voi mà chúng ta không biết? Rõ ràng ở đây làm chưa hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản báo cáo để đấy chứ không xử lý", bà Ngọc nói.

Theo UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2014 đến tháng 10/2018, 98 người thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng bị kỷ luật. Trong đó có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 nhận cảnh cáo, 3 hạ lương, 2 giáng chức và 5 thôi việc, gồm có 20 cán bộ lãnh đạo gồm 2 Phó chánh thanh tra, 7 trưởng phòng/đội trưởng và 11 phó phòng/đội phó.

BẢO ANH

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Khó lý giải “sức nóng” từ biệt thự đồi hướng biển Novahills Mũi Né?! (25/03/2019)

>   Xin ý kiến sửa đổi Nghị định 03 để "mở đường" cho casino tại Vân Đồn (25/03/2019)

>   Khách mua căn hộ Safira cần biết chính sách này để nhận ngay chiết khấu 4% (25/03/2019)

>   'Ì ạch' dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (22/03/2019)

>   Căn hộ dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt tăng giá nhanh, sinh lời cao (22/03/2019)

>   8 bộ ngành xem xét, cho ý kiến điều chỉnh đăng ký đầu tư của Hồ Tràm (21/03/2019)

>   Hà Nội điểm danh 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng (21/03/2019)

>   VinCity đổi tên thành đại đô thị Vinhomes (21/03/2019)

>   Khánh Hòa thu hồi dự án tổ hợp khách sạn 1.200 tỷ đồng (20/03/2019)

>   Có thể sửa nghị định để cấp phép casino tại Vân Đồn (19/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật