Bài cập nhật
GTN bất ngờ không đồng ý cho Vinamilk chào mua công khai
Ngày 23/03 vừa qua, HĐQT CTCP GTNfoods (HOSE: GTN) đã xem xét và không đồng ý với đề nghị chào mua công khai của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM).
* Nếu gom được GTN, Vinamilk sẽ bành trướng ra sao?
Vì sao 3/6 Thành viên HĐQT GTN không đồng ý cho VNM chào mua công khai?
Cụ thể, theo kết quả kiểm phiếu, 3/6 Thành viên HĐQT GTN không đồng ý việc chào mua của VNM. Đáng chú ý, 3 thành viên đồng ý đều đến từ quỹ ngoại gồm ông Lars Kjaer, bà Chew Mei Ying và ông Michael Louis Rosen, còn 3 thành viên không đồng ý là ông Tạ Văn Quyền, ông Nguyễn Thành Nam và ông Nguyễn Hồng Anh.
Lý do Chủ tịch HĐQT Tạ Văn Quyền và Thành viên HĐQT Nguyễn Hồng Anh không đồng ý việc chào mua do cho rằng, VNM là Công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa lớn tại Việt Nam và đang là đơn vị cạnh tranh trực tiếp với một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của GTNfoods là hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối sữa của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (MCM). Với phương án chào mua công khai mà VNM đã đưa ra, mục tiêu sở hữu GTN sau chào mua là 49% vốn điều lệ; và nếu việc chào mua hoàn tất thì VNM sẽ là một trong những cổ đông lớn nhất tại GTN.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch HĐQT GTN chỉ nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai chính thức của VNM mà chưa nhận được thêm bất cứ thông tin trao đổi, phản hồi nào khác về định hướng, chiến lược, phương thức hợp tác từ VNM để VNM với vai trò là cổ đông lớn sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của GTN. Do vậy, ông Quyền cho rằng không có đủ cơ sở đưa ra ý kiến đồng ý với phương án chào mua công khai.
Hai quỹ ngoại đã nói lời chia tay GTN, "nhường" chỗ cho HCM?
Ở một diễn biến khác sau cuộc họp HĐQT ít ngày, tức vào ngày 25/03, ông Lars Kjaer đã có đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT GTN từ ngày 26/03 vì lý do cá nhân.
Còn trước đó, ngày 19/03, Thành viên HĐQT Chew Mei Ying đăng ký bán hết 100,000 cp GTN trong thời gian từ 19/03 đến 19/04. Cùng thời gian này, Thành viên BKS Pan Mun Kit cũng đăng ký bán hết 50,000 cp đang nắm giữ tại GTN.
Tính đến thời điểm cuối năm 2018, cổ đông lớn của GTN gồm CTCP Invest Tây Đại Dương (28.02%), quỹ Tael Two Partner (22%), quỹ PENM IV Germany GmbH&Co.KG (6%).
Trong đó, quỹ PENM Partners có người đại diện vốn tại GTN chính là ông Lars Kjaer (Phó Giám đốc quỹ); ông trở thành Thành viên HĐQT GTN từ tháng 3/2017.
Còn quỹ Tael Two Partner có Thành viên HĐQT GTN Chew May Ying (Giám đốc Điều hành TAEL Partners Group) là người đại diện vốn. Đồng thời, Thành viên BKS GTN Pan Mun Kit cũng chính là Giám đốc Tael Partners Group.
Theo giao dịch mới nhất, CTCP Chứng khoán TPHCM (HOSE: HCM) cũng đã trở thành cổ đông lớn của GTN khi gom gần 20 triệu cp hồi tháng 2 vừa qua và chính thức nắm giữ trên 8% vốn GTN.
Như vậy, với việc từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT GTN của ông Lars Kjaer cùng với việc bán hết cổ phần của Thành viên HĐQT Chew Mei Ying và Thành viên BKS Pan Mun Kit có liên quan đến việc các tổ chức này đã nói lời chia tay với GTN, "nhường" số cổ phần đó lại cho HCM?
* Gom gần 20 triệu cp, HSC "có chân" trong thương vụ VNM thâu tóm GTN?
Tổng tài sản giảm, vẫn còn chưa "chốt sổ" xong với Vinatea
Theo báo cáo kiểm toán năm 2018 GTN vừa công bố, đơn vị kiểm toán có nhấn mạnh việc các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện kiểm tra và phê duyệt chính thức Báo cáo quyết toán cổ phần hóa tại Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) tại thời điểm công ty con này chính thức chuyển thành CTCP. Thêm vào đó, Vinatea cũng chưa hoàn tất thu hồi tài sản đã bàn giao và thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo kiến nghị trong Kết luận thanh tra năm 2017 của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của GTN giảm hơn 72 tỷ đồng, xuống 4,729 tỷ đồng. Vốn điều lệ 2,500 tỷ đồng.
2018 là năm GTN ghi nhận lợi nhuận sau thuế thấp nhất từ năm 2013 trở lại đây, chỉ vỏn vẹn gần 8 tỷ đồng, do ảnh hưởng của mức lỗ gần 18 tỷ đồng trong quý 4/2018. Còn quý 4 lỗ là do GTN trích lập dự phòng một số khoản phải thu và hàng tồn kho chưa thống nhất trong kết quả quyết toán bàn giao vốn Nhà nước của Vinatea. Đồng thời vấn đề này còn ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch đầu tư, cơ cấu tài sản của GTN. Về hoạt động kinh doanh, mảng kinh doanh sữa được GTN đẩy mạnh chi phí đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, tăng chi phí chiết khấu, marketing, quảng cáo và khuyến mại để phát triển, mở rộng thị trường...
Về hoạt động kinh doanh gần đây của GTN, ngày 20/03 vừa qua, Công ty này đăng ký mua thêm 800,000 cp CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods, HNX: VDL) nhằm tăng sở hữu từ hơn 5.13 triệu cp (35%) lên 5.93 triệu cp (40.46%). Năm qua, GTN được chia hơn 5 tỷ đồng cổ tức từ đơn vị này, tương tự năm 2017.
Minh An
fili
|