Chủ Nhật, 24/03/2019 13:00

Góc nhìn tuần 25-29/03: Quan sát thị trường, canh bán vào những nhịp hồi phục

Theo dự báo của SHS, trong tuần giao dịch tiếp theo (25-29/03), VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật nhằm kiểm tra lại ngưỡng quan trọng 1,000 điểm vừa đánh mất trong tuần qua.

Quan sát quanh mốc 1,000 điểm

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường diễn biến không như kỳ vọng khi chỉ giằng co trên mốc 1,000 điểm trong 3 phiên đầu tuần 18-20/03 trước khi giảm mạnh trong phiên 21/03 khi áp lực cung gia tăng mạnh về cuối phiên 21/03.

Mặc dù đã có sự hồi phục kỹ thuật trong phiên 22/03 nhưng điều này là chưa đủ để cải thiện các tín hiệu kỹ thuật, VN30 đã đánh mất trend tăng từ đầu năm đến nay và chưa lấy lại được trong phiên cuối tuần, VN-Index cũng thất bại trong việc lấy lại trend tăng từ 2016 đến nay sau khi không thể đóng cửa trên ngưỡng 1,020 điểm.

Ngưỡng 1,000 điểm sau khi trở thành hỗ trợ đã lại quay trở về với vai trò kháng cự của thị trường trong tuần 25-29/03.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 chiết khấu mạnh so với chỉ số số cơ sở VN30 từ 14 đến 18 điểm cho thấy nhà đầu tư vẫn đang nghiêng về nhịp giảm của thị trường.

Hiện tại, có lẽ chỉ có việc khối ngoại mua ròng khoảng 970 tỷ đồng trên hai sàn trong tuần 18-22/03, trong đó có mua ròng 13.5 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30 là hỗ trợ cho tâm lý chung. Phản ứng của thị trường với ngưỡng 1,000 điểm trong tuần 25-29/03 sẽ là tín hiệu quan trọng.

Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 25-29/03, VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật nhằm kiểm tra lại ngưỡng quan trọng 1,000 điểm vừa đánh mất trong tuần 18-22/03.

Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể tiếp tục quan sát thị trường, nhất là phản ứng quanh mốc 1,000 điểm để có quyết định hợp lý. Chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tiếp tục canh bán ra nếu thị trường có những nhịp hồi phục gần về ngưỡng 1,000 điểm.

Hạn chế bắt đáy

CTCK Asean (Aseansc): Phiên giao dịch 22/03, mặc dù có lúc giảm về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã lấy lại đà tăng nhờ lực kéo đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VIC, SAB, VNMVRE.

Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như ngân hàng, chứng khoán và dầu khí cũng có mức tăng khá tốt, tạo tâm lý tích cực lên thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch 22/03, chỉ số VN-Index tăng 6.93 điểm (tương ứng tăng 0.71%), đóng cửa ở mức 988.71 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 200 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 4,700 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (155 mã tăng/138 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ mua ròng gần 258 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào E1VFVN30.

Về kỹ thuật, đồ thị VN-Index xuất hiện cây nến xanh ngắn, là tín hiệu khá tích cực. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 990 - 1,000 điểm, bao gồm MA(5) và MA(20), đây được xem là vùng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 970 - 980 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 950 - 960 điểm.

Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bắt đáy trong giai đoạn này, đồng thời giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, nhằm giảm thiểu rủi ro nếu vùng hỗ trợ 970 - 980 điểm bị phá vỡ.

Theo dõi thông tin về Mỹ - Trung

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Chỉ số VN-Index trong phiên sáng 22/03 tăng điểm nhẹ do lực mua tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản như VHM, VIC và VRE. Trong phiên chiều 22/03, chỉ số tiếp tục tăng điểm nhẹ, bởi lực mua tiếp tục gia tăng ở nhóm cổ này. Khối ngoại mua ròng và thanh khoản tiếp tục giảm nhẹ so với phiên 21/03.

Theo quan điểm của BSI, thị trường Việt Nam có 1 phiên 23/03 tăng nhẹ sau khi nhà đầu tư tập trung mua lại những công ty cơ bản tốt đã bị bán tháo mạnh trong phiên điều chỉnh ngày 22/03.

Bên cạnh đó, thông tin Fed không tăng lãi suất cũng là 1 yếu tố hỗ trợ thị trường. Nhà đầu tư nên theo dõi diễn biến kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là cuộc gặp mặt đại diện cấp cao của Mỹ - Trung Quốc vào ngày 28-29/03.

Tỷ trọng nắm giữ 30% - 40%

CTCK Bảo Việt (BVS): Thị trường dự báo sẽ tiếp tục hồi phục tăng điểm trong những phiên đầu tuần tới. Dù vậy, đà hồi phục của VN-Index sẽ phải đối mặt với lực cản đáng kể đến từ vùng 995 – 1,000 điểm. Nếu ko thể vượt lên trở lại vùng kháng cự này, thì xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường có thể sẽ kết thúc nếu vùng 975 - 980 điểm bị phá vỡ sau đó.

Hoạt động mua ròng của khối ngoại, đặc biệt là ở chứng chỉ quỹ E1VFVN30 nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong tuần 25-29/03. Bên cạnh đó, thông tin về kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng sẽ bắt đầu được hé lộ dần từ tuần tới. Đó có thể sẽ là nhũng yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường.

Thị trường đang nằm trong vùng biến động giá tương đối nhạy cảm và chưa có tín hiệu rõ ràng về hướng đi kế tiếp. Do đó, BVS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ở mức 30% - 40% để đảm bảo an toàn cho danh mục.

Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể xem xét bán giảm tỷ trọng trong các phiên thị trường hồi phục. Với các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể thực hiện mua trading lại một phần tỷ trọng, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục tại vùng hỗ trợ của thị trường.

Nguyên Ngọc

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 22/03: Thị trường thiếu lực đỡ? (21/03/2019)

>   Góc nhìn 21/03: Hạn chế đầu tư? (20/03/2019)

>   Góc nhìn 20/03: Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu? (19/03/2019)

>   Góc nhìn 19/03: Thận trọng là thượng sách? (18/03/2019)

>   LPB, PTB, TLG có đáng mua trong năm 2019? (18/03/2019)

>   Góc nhìn tuần 18-22/03: Giải ngân trong phiên điều chỉnh? (17/03/2019)

>   Chứng khoán Phú Hưng: Sẽ có nhiều cơ hội kiếm lợi hơn trong năm nay (16/03/2019)

>   Góc nhìn 15/03: Giảm tỷ trọng ở những phiên tăng điểm mạnh (14/03/2019)

>   Góc nhìn 14/03: Cẩn trọng quan sát? (13/03/2019)

>   Góc nhìn 13/03: Phía trước là thử thách? (12/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật