Giá điện có thể tăng 8,36% trong tháng 3
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trong cuộc họp sáng 5/3 cho biết, Bộ Công Thương đã có phương án tăng giá bán lẻ điện...
Giá điện có thể tăng 8,36% vào nửa cuối tháng 3
|
Cụ thể, theo tính toán cân đối, phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân được chốt là 8,36%. Thời gian tăng giá là trong nửa cuối tháng 3/2019.
Việc tăng giá bán lẻ này có thể đưa giá bán lẻ điện bình quân lên 1.864 đồng/kWh. Hiện giá bán lẻ bình quân áp dụng đạt 1.720 đồng/kWh.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% đã được tính toán để đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã thông qua.
Song, việc điều giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Mức tăng này đã được Chính phủ lựa chọn để đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vừa đủ, không tạo đột biến, không ảnh hưởng đến mức tạo ra khó khăn đột biến với nền kinh tế.
Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22%% và làm CPI tăng thêm 0,29%.
Theo thống kê, từ 2010 đến nay, Việt Nam có 7 lần tăng giá điện, trong đó lần gần đây nhất là 1/12/2017 với biên độ tăng 7,5%.
Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho việc đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện cao nhất lên tới 1.896,05 đồng/kWh (8 US cent/kWh), tăng mạnh so với mức trần 1.600 đồng/kWh của năm 2018.
Đầu năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2019, Bộ sẽ xem xét việc tăng giá điện theo quy định, ở mức độ nào thì thuộc quyền quyết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hay của Bộ Công Thương và mức độ nào thì thuộc thẩm quyền Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc tăng giá cũng phải phù hợp với sản xuất kinh doanh và cho người tiêu dùng.
Ông Hải khẳng định Bộ sẽ xem xét kỹ chi phí phát sinh thực tế việc sản xuất điện trong thời điểm hiện nay và các tồn đọng từ trước đến nay, như việc chênh lệch tỷ giá, kể cả từ những năm 2015-2017, 2018 và nhiều yếu tố khác, để có đề xuất phù hợp nhất với tình hình thực tiễn và đúng chỉ đạo là đưa các mặt hàng thiết yếu vào quy luật thị trường, trong đó có ngành điện.
BẠCH HUỆ
VNECONOMY
|