Eximbank: Kiểm toán nhấn mạnh nợ xấu của 7 khách hàng cầm cố cổ phiếu STB
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán 2018 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB), kiểm toán viên đã có nhấn mạnh liên quan đến 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng dùng gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank làm tài sản đảm bảo.
Cụ thể, tại thời điểm lập BCTC kiểm toán, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của EIB ở mức hơn 848 tỷ đồng. Trong đó có 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu một ngân hàng khác và dự phòng tương ứng gần 22 tỷ đồng được cơ cấu lại và giữ nguyên theo nhóm nợ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 01/12/2016 cho đến khi NHNN phê duyệt đề án sáp nhập ngân hàng khác đó. Ngày 22/05/2017, NHNN đã phê duyệt đề án nêu trên. Song đến nay, EIB vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào khác của NHNN về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với khoản cho vay này.
Trước đó, năm 2016, EIB đã khởi kiện 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Đến ngày lập BCTC kiểm toán 2018, các vụ kiện liên quan đến 3 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc là 312 tỷ đồng đã có bản án sơ thẩm. Theo đó, 3 khách hàng này phải thanh toán cả lãi và gốc cho EIB số tiền 437.94 tỷ đồng ngay khi bản án có hiệu lực. Trong trường hợp không thể thanh toán khi đến hạn thì EIB có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để thu hồi nợ. Các khách hàng này hiện đã kháng cáo phán quyết của Tòa sơ thẩm về cách tính lãi. Đối với 4 khách hàng còn lại với dư nợ 434 tỷ đồng, EIB đang chờ thẩm quyền giải quyết.
Theo kiểm toán, tại ngày 31/12/2018, nếu trích lập dự phòng các khoản cho vay trên theo Thông tư 02 và Thông tư 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho năm 2018 sẽ tăng lên 97.6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm hơn 78 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, vấn đề nhân sự trở thành điểm nóng của Eximbank, bắt đầu từ việc HĐQT đã quyết định bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/03/2019. HĐQT đã thông qua bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch HĐQT thay cho ông Quốc cũng kể từ ngày 22/03/2019.
Ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc đã có Đơn yêu cầu và được Toà án quyết định “Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, buộc dừng quyết định bầu bà Tú làm Chủ tịch.
Tối ngày 27/03/2019, Eximbank ra thông báo khẳng định việc Hội đồng Quản trị ngân hàng đã tổ chức phiên họp ngày 22/03/2019 để bầu Bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank là tuân thủ quy định của pháp luật và Điều lệ Eximbank. Đồng thời, số lượng thành viên Hội đồng Quản trị tham dự (tại phiên họp ngày 22/03 và các phiên họp trước đó) đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó có sự đồng thuận của 02 thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - Cổ đông chiến lược của Eximbank.
Và mới đây nhất, trong đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, Eximbank khẳng định việc Tòa án nhân dân TP HCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Phương Châu
FILI
|