Có phải Fed đã quá trễ để ngăn chặn đà giảm tốc của kinh tế Mỹ?
Sự chuyển hướng đột ngột chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này có thể đã quá trễ để cứu vớt nền kinh tế.
Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, lợi suất trái phiếu Chính phủ ngắn hạn vượt mặt trái phiếu dài hạn, một tín hiệu báo trước về suy thoái và còn được gọi là hiện tượng đường cong lợi suất bị đảo ngược.
Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó: Chi tiêu, đầu tư và dữ liệu sản xuất công nghiệp đều đã suy yếu đáng kể. Ngày thứ Sáu (22/03) mang đến hàng loạt dấu hiệu đáng lo ngại khi chỉ số PMI của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào phạm vi thu hẹp (dưới 50), qua đó làm dấy lên lo ngại bức tranh ngày càng u ám trên toàn cầu có thể ảnh hưởng tiêu cực tới Mỹ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Bị mắc kẹt ở giữa là Fed, các quan chức Fed cực kỳ muốn bình thường hóa chính sách tiền tệ – vốn đã nới lỏng cực độ trong những tháng ngày khủng hoảng và sau khủng hoảng – và giờ phải hạ thấp kỳ vọng của họ vì đà giảm tốc trên toàn cầu. Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp cho biết họ sẽ không nâng lãi suất trong năm nay và sẽ kết thúc chương trình giảm bớt số dư trên bảng cân đối kế toán sớm hơn dự kiến rất nhiều.
Thay vì chấp nhận lời an ủi rằng Fed sẽ đến giải cứu một lần nữa, các thành phần tham gia thị trường lại bắt đầu tự hỏi liệu điều đó có khả thi hay không.
“Họ đang cố để nền kinh tế hạ cánh nhẹ nhàng (soft-landing) và vấn đề cơ bản là họ không có khả năng làm điều đó”, Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho hay. “Tôi không nghĩ họ có thể cứu vớt thị trường”.
Phản ánh các đợt giảm lãi suất
Trên thực tế, các chỉ báo cho thấy Fed sẽ buộc phải làm nhiều hơn, việc giữ nguyên lãi suất sẽ không đủ để cứu vớt thị trường.
Các trader đang kỳ vọng Fed có thể nghĩ tới cắt giảm lãi suất, cho rằng có xác suất 57% Fed thực hiện 1 đợt giảm lãi suất – và thậm chí là có xác suất 18% Fed thực hiện 2 đợt giảm lãi suất trước khi kết thúc năm 2019, dựa trên dữ liệu từ CME Group.
Điều này là cực kỳ đáng chú ý khi xét tới chuyện ông Powell và các đồng nghiệp mới vài tháng trước còn lo ngại nền kinh tế sắp rơi vào trạng thái quá nhiệt.
Hồi tháng 10/2018, ông Powell làm chao đảo cả thị trường bằng nhận định Fed vẫn còn “cách xa” với mức lãi suất trung lập – tức là mức lãi suất không kích thích cũng như không kìm hãm tăng trưởng. Điều này ngụ ý là Fed còn thực hiện nhiều đợt nâng lãi suất trong thời gian tới. Tại thời điểm này, các quan chức Fed cho rằng “mức lãi suất trung lập hiện tại có thể thấp hơn so với những ước tính trước đó”, Andrew Hunter, Chuyên gia cấp cao về kinh tế Mỹ tại Capital Economics, cho biết trong báo cáo.
Quan điểm đó cũng phù hợp với diễn biến trên thị trường trái phiếu, trong đó các trader đã đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm về quanh mức 2.45% - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2018. Tại thời điểm này, Fed có quá ít công cụ để hành động trong trường hợp xuất hiện đà giảm tốc mạnh hơn dự báo hoặc thậm chí là suy thoái.
“Mấu chốt là các động thái gần đây của Fed sẽ không đủ để ngăn chặn tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới mức tiềm năng trong năm nay”, Hunter nhận định.
Tình hình có thể trở nên quá tệ đến nỗi ông Hunter cho rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất 3 đợt trong năm 2020.
Ông Zandi – Chuyên gia kinh tế ở Moody’s – cho rằng thị trường việc làm hiện nay đủ mạnh để cho thấy nền kinh tế chỉ đăng gặp khó khăn chứ chưa phải rơi vào suy thoái.
Một trong những vấn đề của Fed là khi lãi suất cơ bản dao động quanh mức 2.41%, họ có ít khoảng trống khi đối mặt với suy thoái. Joe Brusuelas, Chuyên gia kinh tế trưởng tại RSM, ước tính Fed cần khoảng 650 điểm cơ bản để cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế giảm tốc hoặc suy thoái. Hiện nay, Fed chỉ có gần 250 điểm cơ bản.
“Vì vậy, chúng ta sẽ trở lại thế giới chính sách bất thường”, ông nói.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|