Thứ Tư, 13/03/2019 09:30

Chuyện quỹ khen thưởng và phúc lợi của Rạng Đông: Đèn không tỏ bóng?

Diễn biến tích cực trong hoạt động kinh doanh những năm qua của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HOSE: RAL) có lẽ không khỏi khiến cổ đông mừng thầm. Thế nhưng, lời lãi của RAL có hoàn toàn thuộc về những người chủ của doanh nghiệp?

Bài viết này sẽ tập trung vào một khía cạnh khác của RAL, một khía cạnh mà có lẽ ít được quan tâm hơn rất nhiều so với thành tích kinh doanh của Công ty. Đó chính là quỹ phúc lợi và khen thưởng (quỹ PL & KT) của doanh nghiệp này.

Khoa học công nghệ xếp sau phúc lợi?

Một lẽ thường tình, việc tưởng thưởng cho những thành tích xứng đáng của cán bộ, nhân viên là điều nên làm. Tuy vậy, quy mô của quỹ PL & KT là điều đáng cân nhắc để làm sao tránh được mâu thuẫn lợi ích giữa các bên, đặc biệt là ở trường hợp của RAL.

Doanh nghiệp này đã trích ra 25% lợi nhuận mỗi năm từ 2012 – 2017 chỉ để khen thưởng và phúc lợi, tương ứng với số tiền lên đến 170.2 tỷ đồng (trên tổng số 680.8 tỷ đồng lãi sau thuế cùng giai đoạn), một con số không hề nhỏ đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Thậm chí, tổng lượng tiền mà RAL trích lập quỹ phát triển tiềm lực khoa học công nghệ xét trên cùng khoảng thời gian cũng chỉ nằm ở mức 142.3 tỷ đồng!?

Đối nghịch với việc quỹ PL & KT ngày càng phình to, số lượng lao động của RAL liên tục giảm mạnh trong những năm gần đây.

Một tổ chức Công đoàn quyền lực

Việc trích lập 25% lợi nhuận sau thuế làm quỹ PL & KT được thông qua lần đầu tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2013 của RAL. Khá trùng hợp là không lâu trước ngày Đại hội tổ chức, Công đoàn đã tiến hành nâng sở hữu tại RAL từ hơn 16.3% lên 34.4%, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này kể từ đó.

Hiện tại, Công đoàn đã sở hữu gần 43% Công ty sau các đợt mua thêm cổ phần tại RAL những năm qua (đợt gần nhất diễn ra ngày 08/02/2017). Sở hữu cổ phần lớn tại RAL cùng với việc Công ty cũng thực hiện một chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn và hào phóng, tính đến nay Công đoàn đã nhận xấp xỉ 114 tỷ đồng cổ tức cho giai đoạn 2012 - 2018.

Với lượng tiền mặt dồi dào như vậy, Công đoàn lại không lo được cho cán bộ, nhân viên hay sao mà RAL phải trích lập một quỹ PL & KT lớn nhường ấy. Rốt cuộc, lượng tiền trong quỹ này sẽ được phân bổ thế nào? Đến tay những ai? Đó là những câu hỏi vẫn chưa có lời giải rõ ràng. Nhưng tin rằng, Công ty hoàn toàn có khả năng và phải có trách nhiệm cung cấp đến cổ đông những thông tin đó.

Berkshire Hathaway – đế chế kinh doanh của huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã từng có một chương trình trích quỹ từ thiện rất nổi tiếng bởi tính minh bạch và tôn trọng quyền cổ đông. Thay vì được chính những người điều hành chỉ định như thông lệ, mỗi cổ đông (theo tỷ lệ cổ phần sở hữu) được trao quyền chỉ định từng tổ chức sẽ được nhận từ thiện từ Berkshire. Rõ ràng khó có thể so sánh về quy mô giữa “gã khổng lồ” Berkshire và “chàng tí hon” RAL. Tuy nhiên, tính minh bạch chắc chắn là thứ RAL hoàn toàn có thể học tập. Liệu RAL có sẵn sàng công khai với cổ đông đích đến của những khoản tiền từ quỹ PL & KT?

Cứ như không!

Bây giờ, nhìn theo một hướng khác, điều lạ là hầu hết những cổ đông của RAL (khác ngoài Công đoàn) cũng đồng ý việc cho đi 1/4 lợi nhuận của bản thân ròng rã trong 5 năm qua, nhưng dường như lại không yêu cầu những thông tin rõ ràng, đầy đủ về đích đến của lượng tiền đó. Tại Nghị quyết ĐHCĐ thường niên hàng năm, tỷ lệ đồng ý trích lập các quỹ PL & KT luôn ghi nhận con số áp đảo. Điều này thể hiện sự đồng thuận hay là hời hợt từ các cổ đông tham gia Đại hội? Thật khó ai dám chắc.

Về “vòng đời” của quỹ PL & KT, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận, các quỹ này sẽ được trích ra từ lãi chưa phân phối của doanh nghiệp. Khác với việc phân bổ các quỹ đầu tư và phát triển hay quỹ phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, lượng tiền được chấp thuận dùng để phúc lợi và khen thưởng sẽ không được xếp vào vốn chủ sở hữu mà thay vào đó sẽ ghi nhận thành nợ phải trả của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều hay nhất ở đây là, việc trích lập và sử dụng quỹ này sẽ không ảnh hưởng tí nào đến con số lợi nhuận kế toán, đơn giản vì theo thông lệ nó chẳng hề được xem như là một chi phí phải tính đến tại báo cáo kết quả kinh doanh. Như đối với trường hợp của RAL, 1/4 lợi nhuận sau thuế mỗi năm sẽ được cho đi “không kèn không trống”.

Có khoản tiền nào bị lấy ra khỏi lợi nhuận mà lại không phải là chi phí, có loại chi phí nào mà lại không làm ảnh hưởng đến túi tiền của cổ đông. Nhà đầu tư dường như quá tập trung vào con số lợi nhuận kế toán mà quên mất những thứ khác, như việc lợi nhuận đó sẽ tiếp tục dùng làm việc gì, sẽ chảy vào đâu, ngoại trừ cổ tức.

Người ta mua và sở hữu chứng khoán, nhưng có lẽ quên mất rằng đồng thời họ cũng là những người chủ của công ty đằng sau. Điều này liệu có hàm chứa rằng tư duy nhà đầu tư thực sự quá ngắn hạn và định hướng thị trường chứng khoán, mải mê “đuổi bắt” giá cổ phiếu để rồi hời hợt với những gì diễn ra thực tế tại doanh nghiệp? Tuy thế, xét cho cùng, mối quan tâm của thị trường chứng khoán cũng bị “lèo lái” bởi nhiều ngoại lực, chẳng hạn như việc các mô hình định giá được giới phân tích ưa dùng cũng lấy những con số lợi nhuận kế toán làm “nguyên liệu đầu vào” đấy thôi.

Hãy đặt giả định tình huống nếu như các thông lệ kế toán quy định việc trích lập quỹ PL & KT sẽ không được âm thầm đưa ra khỏi vốn chủ sở hữu, và việc sử dụng quỹ này phải thông qua ghi nhận chi phí tại báo cáo kết quả kinh doanh, qua đó tác động đến lợi nhuận kế toán của doanh nghiệp. Lúc ấy, mức độ quan tâm của những bên liên quan sẽ thế nào?

Tuy vậy, dù “ghi sổ” kiểu gì chăng nữa, tiền trong túi cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng như nhau. Diễn giải một thực tế duy nhất dù là bằng phương thức kế toán nào thì cũng chẳng thể thay đổi được điều đó.

Vĩnh Thịnh

FILI

Các tin tức khác

>   LHC: Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2018 (04/03/2019)

>   TNG: Thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 (04/03/2019)

>   ANV: Xin gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 (04/03/2019)

>   SZL: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua ngày chốt DSCĐ họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 (04/03/2019)

>   BPC: Báo cáo thường niên 2018 (04/03/2019)

>   DNM: Báo cáo quản trị công ty năm 2018 (04/03/2019)

>   VE9: Nghị quyết Hội đồng quản trị (04/03/2019)

>   TTC: Ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. trả cổ tức bằng tiền mặt (04/03/2019)

>   VC9: Báo cáo thay đổi sở hữu cổ phiếu của cổ đông lớn - CTCP Quản lý Quỹ đầu tư MB (MB Capital) (04/03/2019)

>   BHN: Nghị quyết HĐQT về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 (04/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật